Công văn 11124/TCHQ-PC năm 2014 trả lời vướng mắc vượt thẩm quyền của Cục Hải quan địa phương do Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 11124/TCHQ-PC
Ngày ban hành 12/09/2014
Ngày có hiệu lực 12/09/2014
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Vũ Ngọc Anh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 11124/TCHQ-PC
V/v trả lời vướng mắc vượt thẩm quyền của các Cục Hải quan địa phương

Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2014

 

Kính gửi: Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

Ngày 09/7/2014, Tổng cục Hải quan có Công văn số 8582/TCHQ-PC gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố yêu cầu triển khai công tác đối thoại với doanh nghiệp năm 2014. Qua thực hiện, các Cục Hải quan địa phương báo cáo có 06 nội dung vướng mắc của doanh nghiệp vượt thẩm quyền giải quyết của đơn vị.

Tổng cục đã tổng hợp, giải đáp vướng mắc đối với 06 nội dung này (Phụ lục đính kèm), gửi các đơn vị để thông báo cho doanh nghiệp biết và thực hiện.

Quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc, các đơn vị báo cáo Tổng cục (qua đơn vị nghiệp vụ liên quan đến nội dung vướng mắc) để tiếp tục xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Đ/c Tổng cục trưởng (thay b/c);
- Các đ/c Phó Tổng cục trưởng (để chỉ đạo);
- Lưu: VT, PC (02b)

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Vũ Ngọc Anh

 

PHỤ LỤC

TÀI LIỆU GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC CỦA CÁC CỤC HẢI QUAN ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo công văn: 11124/TCHQ-PC ngày 12 tháng 9 năm 2014 của Tổng cục Hải quan)

Câu 1. Cục Hải quan Đắklắk

Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ và Thông tư số 04/2007/TT-BTM ngày 04/4/2007 của Bộ Thương mại thì các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và hàng hóa khác để triển khai hoạt động đầu tư phù hợp với mục tiêu dự án đầu tư trong giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư (Trường hợp hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép và thuộc diện quản lý chuyên ngành, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 201/11/2013 của Chính phủ).

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về điều kiện nhập khẩu phân bón phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp; có Giấy chứng nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp.

Tại Chi cục Hải quan Đà Lạt - Cục Hải quan Đắklắk phát sinh trường hợp doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhập khẩu phân bón này thuộc Danh mục được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc có Giấy phép của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp. Khi nhập khẩu, các doanh nghiệp đều khai báo chỉ sử dụng trong phạm vi sản xuất của Công ty, không mua bán kinh doanh.

Như vậy, trường hợp này doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được nhập khẩu phân bón phục vụ dự án đầu tư phù hợp với mục tiêu dự án đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư hay phải thỏa mãn cả điều kiện nhập khẩu phân bón theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ.

Đề xuất xử lý đối với trường hợp nêu trên không áp dụng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về kinh doanh phân bón do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy chứng nhận hợp quy lô phân bón nhập khẩu do tổ chức chứng nhận được chỉ định cấp.

Trả lời

Căn cứ đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ thì điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu.... phân bón quy định tại Nghị định này áp dụng với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực phân bón tại Việt Nam, không phân biệt đối tượng là cá nhân, tổ chức trong nước hay có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời tại điểm 3 Điều 5 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón có quy định phải tuân thủ các điều kiện về xuất khẩu, nhập khẩu phân bón tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này.

Do vậy, đối với trường hợp vướng mắc theo phản ánh của Cục Hải quan tỉnh Đăk Lăk, đề nghị hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nêu trên.

Câu 2. Cục Hải quan Hà Nội

1. Sắp tới kho của Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ngừng khai thác tại Chi cục Hải quan Gia Lâm, việc mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Gia Lâm sẽ gặp khó khăn gì? Trong trường hợp hàng hóa bị luồng đỏ, doanh nghiệp có phải mang hàng hóa đi kiểm hóa tại Chi cục Hải quan Nội Bài và thông quan tại Chi cục Hải quan Gia Lâm hay không? Nếu kho của Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ngừng khai thác tại Chi cục Hải quan Gia Lâm, kho nào sẽ mở ở Gia Lâm để doanh nghiệp chuyển hàng về.

2. Đơn giản hóa các bước trong giám sát tại cửa khẩu xuất: quy định rõ tối đa thực hiện các bước trong quy trình xử lý để giảm chi phí và thời gian.

3. Cần có bước xác nhận cửa khẩu xuất chính thức sau khi mở tờ khai

4. Đơn giản hóa thủ tục lấy mẫu hàng nhập với cơ quan liên quan trong việc thực hiện Thông tư số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN với hàng SXXK.

- Việc cắt mẫu, thử nghiệm hàng hóa đối với tờ khai luồng đỏ, phía hải quan và phía tổ chức kiểm định, đánh giá sự phù hợp thép nhập khẩu đều có yêu cầu cắt mẫu để giám định. Việc này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, chi phí và ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp. Ví dụ mặt hàng tấm thép cán nóng (thường có kích thước chuẩn khổ dày x rỗng x dài), nếu bắt buộc phải cắt mẫu thì sau khi cắt xong những mẫu này không thể sử dụng như ban đầu dẫn đến giá trị bị giảm sút, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

- Về thời gian, chi phí thực hiện việc kiểm định đánh giá sự phù hợp của thép nhập khẩu: chi phí thực hiện kiểm định, đánh giá thép nhập khẩu còn cao, chưa có sự thống nhất giữa các trung tâm kiểm định do chưa có quy định rõ ràng từ Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện nhiêu thủ tục, văn bản giấy tờ, thời gian từ khi hàng về đến khi doanh nghiệp được đưa vào sản xuất, lưu thông trên thị trường dẫn đến tình trạng ứ đọng hàng ở kho bãi (bãi phát sinh chi phí lưu kho), hàng tồn khi không được sử dụng gây ứ đọng vốn, quay vòng vốn kém hiệu quả...

(Công ty CP Kim khí Thăng Long, Công ty ITC JSC, Công ty Cp SMC Hà Nội)

Trả lời

1. Đối với doanh nghiệp: Khi Công ty Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài ngừng hoạt động tại kho hàng hóa Gia Lâm, Chi cục Hải quan Gia Lâm chỉ thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa còn lại trong kho Gia Lâm. Theo trường hợp tờ khai phân luồng đỏ việc kiểm hóa thực hiện tại Chi cục Hải quan Gia Lâm.

[...]