Công văn 10948/BGTVT-CQLXD năm 2024 trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 10948/BGTVT-CQLXD
Ngày ban hành 10/10/2024
Ngày có hiệu lực 10/10/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Nguyễn Văn Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10948/BGTVT-CQLXD
V/v trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2024

 

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 655/BDN ngày 02/8/2024, nội dung kiến nghị như sau:

“Cử tri đề nghị cần cân nhắc việc lấy cát biển thay thế cát sông thi công đường cao tốc; kiến nghị cần nghiên cứu kỹ khi triển khai thực hiện. Ý kiến khác cho rằng, trên thế giới, nhiều nước đã sử dụng cát biển trong xây dựng, san lấp từ rất lâu, một số nước đi đầu trong khai thác, sử dụng cát biển làm cốt liệu xây dựng là Hà Lan, Đan Mạch, Anh, Mỹ với công nghệ khai thác (nạo vét), xử lý để sử dụng cát biển; do đó kiến nghị nghiên cứu để sớm thực hiện khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát trong xây dựng”

Trước tiên, Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

Do nguồn cát đắp nền tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng khan hiếm, vì vậy, việc nghiên cứu sử dụng cát biển để thay thế cát sông làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án giao thông trong khu vực như ý kiến của cử tri là hết sức cần thiết. Vấn đề này đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai thực hiện. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thành việc nghiên cứu, đủ điều kiện để thực hiện, cụ thể:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” trong đó đánh giá tài nguyên cát biển tại khu vực biển tỉnh Sóc Trăng với trữ lượng 145 triệu m3 có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường cao tốc theo quy định của TCVN 9436:2012, điều kiện khai thác khả thi, đồng thời chuyển giao kết quả Dự án cho UBND tỉnh Sóc Trăng[1]. Hiện nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp mỏ cát biển phục vụ thi công một số dự án.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát và có văn bản hướng dẫn về tiêu chuẩn độ nhiễm mặn của nước nuôi trồng thủy sản, ngưỡng chịu mặn của một số loài cây trồng làm cơ sở cho việc sử dụng cát biển cho các dự án giao thông[2].

- Bộ GTVT đã tổ chức triển khai thi công thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau, đã thành lập Hội đồng cấp Bộ[3], đánh giá và thống nhất sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô tại khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải. Hiện nay, Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) tiếp tục sử dụng để thi công trên tuyến chính của Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau từ Km81-Km126+223 và đoạn tuyến nối từ Km6+522-Km16+510.

Trên cơ sở kết quả thí điểm cát biển và đánh giá của Hội đồng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, Bộ GTVT đã có văn bản hướng dẫn[4] các địa phương đủ điều kiện tổ chức triển khai thực hiện và tỉnh Sóc Trăng đang cấp mỏ để khai thác phục vụ thi công Dự án thành phần 4 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Theo quy định của Luật Xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan, việc sử dụng vật liệu cho công trình thuộc thẩm quyền quyết định của các địa phương.

Ngoài ra, để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn cát, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà[5] đã có ý kiến chỉ đạo các địa phương, chủ đầu tư xem xét, quyết định sử dụng nguồn cát nhập khẩu theo thẩm quyền, bảo đảm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban TWMTTQ Việt Nam;
- Thành ủy, HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh;
- TTr. Nguyễn Duy Lâm;
- TTr. Nguyễn Danh Huy;
- Văn phòng Bộ (để tổng hợp);
- Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Ban QLDA Mỹ Thuận (để th/h);
- Lưu: VT, CQLXD.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Thắng

 



[1] Các Văn bản 10683/BTNMT-KSVN ngày 19/12/2023, 10764/BTNMT-KSVN ngày 21/12/2023 của Bộ TN&MT.

[2] Văn bản số 2841/BNN-KL ngày 19/4/2024 của Bộ NN&PTNT.

[3] Quyết định số 520/QĐ-BGTVT ngày 28/4/2023 của Bộ GTVT.

[4] Các văn bản số 2499/BGTVT-KHCN&MT ngày 11/3/2024, số 7311/BGTVT-CQLXD ngày 09/7/2024 của Bộ GTVT.

[5] Các Thông báo số 329/TB-VPCP ngày 16/7/2024, số 3908/VPCP-CN ngày 05/6/2024 của Văn phòng Chính phủ.