Công văn 1063/TTg-NN năm 2020 về thực hiện Văn bản 81-CV/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1063/TTg-NN
Ngày ban hành 12/08/2020
Ngày có hiệu lực 12/08/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1063/TTg-NN
V/v triển khai thực hiện văn bản số 81-CV/TW của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Tư pháp, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường;
- Ban Tuyên giáo Trung ương.
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2786/TTr-BNN-TCTS ngày 22 tháng 4 năm 2020 và Tờ Trình số 4422/TTr- BNN-TCTS ngày 01 tháng 7 năm 2020 về việc thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại Văn bản số 81-CV/TW ngày 20 tháng 3 năm 2020 về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau:

Ngày 20 tháng 3 năm 2020, Thường trực Ban Bí thư ban hành văn bản số 81-CV/TW về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây viết tắt là văn bản số 81-CV/TW), trong đó yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương đảm bảo thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU), coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, quyết tâm không để bị cảnh báo “Thẻ đỏ”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, sớm gỡ “Thẻ vàng”, phát triển ngành khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, yêu cầu các Bộ, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Yêu cầu người đứng đầu của các Bộ, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tầng lớp nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan nội dung văn bản số 81-CV/TW của Thường trực Ban Bí thư, đảm bảo nắm chắc, hiểu rõ và tuân thủ triển khai thực hiện các giải pháp, quy định về chống khai thác IUU.

2. Người đứng đầu của các Bộ, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đề cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống khai thác IUU; xây dựng kế hoạch hành động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 81-CV/TW; tiếp tục rà soát kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2017, Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống khai thác IUU, trong đó chú trọng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp với lộ trình, kế hoạch thực hiện cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn; thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

3. Tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong thời gian qua, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC đã được các Đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, đặc biệt là kết luận của Đoàn thanh tra EC qua các đợt kiểm tra.

4. Nghiên cứu tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các cơ chế quản lý, chính sách để tạo nguồn lực tổ chức triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất từ Trung ương đến địa phương các giải pháp về chống khai thác IUU; yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể:

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các địa phương ven biển triển khai thực hiện có hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU; tổ chức triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thực tế tại địa phương về công tác quản lý tàu cá trên biển và tại cảng, thực thi pháp luật xử lý các hành vi khai thác IUU và truy xuất nguồn gốc hải sản từ khai thác.

- Quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá trong quản lý hoạt động khai thác hải sản, kịp thời trao đổi thông tin dữ liệu giám sát hành trình tàu cá cho các lực lượng chức năng có liên quan để phối hợp ngăn chặn, xử lý kịp thời hoạt động khai thác IUU.

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo đáp ứng các quy định quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam về chống khai thác IUU; trong đó tập trung thực hiện 02 điều ước quốc tế quan trọng trong công tác phòng, chống khai thác IUU là Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) và Hiệp định thực thi một số điều khoản của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa năm 1995 (UNFSA).

- Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành khai thác thủy sản, chuyển đổi một cách hợp lý từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển; hướng tới phát triển một một ngành khai thác hải sản hiện đại, bền vững và đảm bảo sinh kế của ngư dân vùng ven biển.

b) Bộ Quốc phòng:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển và các Bộ, ban ngành có liên quan ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài trước thời điểm kiểm tra lần thứ 3 của Đoàn thanh tra EC tại Việt Nam.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không cho tàu cá ra khơi nếu không trang bị thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), các thủ tục giấy tờ và các trang thiết bị khác theo quy định, kiểm soát chặt chẽ lao động nghề cá theo quy định của pháp luật về lao động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định của pháp luật.

c) Bộ Ngoại giao:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban ngành liên quan tăng cường công tác nắm tình hình, xác minh, làm rõ và kịp thời cung cấp thông tin các vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý để đấu tranh, xử lý theo quy định; đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối vi phạm.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường đàm phán, ký kết các Thỏa thuận hợp tác thủy sản và tổ chức cho ngư dân đi khai thác hải sản hợp pháp ở một số nước, thiết lập cơ chế quản lý đa phương và song phương xử lý các sự cố, tình huống trên biển với các tổ chức quốc tế và các nước trong khu vực liên quan đến hoạt động chống khai thác IUU.

- Tiếp tục thực hiện công tác bảo hộ công dân, đề nghị các nước liên quan xử lý trên tinh thần nhân đạo, theo thông lệ quốc tế, không sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên quyết đấu tranh ngoại giao với các nước bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn chưa phân định giữa Việt Nam và các nước.

d) Bộ Công an:

- Tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài hoặc môi giới chuộc tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước trái phép.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan xác minh, xử lý các trường hợp tàu cá Việt Nam cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép, các hành vi vi phạm khai thác IUU; đảm bảo an ninh, an toàn cho Đoàn thanh tra EC trong thời gian làm việc tại Việt Nam.

đ) Bộ Tài chính: Cân đối, ưu tiên bố trí kinh phí cho các Bộ, ban ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để thực hiện có hiệu quả, đúng quy định các nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cân đối, ưu tiên bố trí vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công cho các dự án hạ tầng nghề cá cấp thiết tại các cảng cá phục vụ cho việc kiểm soát tàu cá ra cảng, vào cảng, kiểm soát thủy sản bốc dỡ tại các cảng, trước mắt tập trung đầu tư tại các cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc hải sản.

g) Bộ Thông tin và Truyền thông:

- Tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về tác hại của khai thác IUU đối với sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, công bằng xã hội và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Quản lý, kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ giám sát hành trình tàu cá qua vệ tinh; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu giám sát hành trình tàu cá; nghiên cứu phương án hỗ trợ kinh phí cho chủ tàu cá lắp đặt, vận hành, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ