Công văn 105/2003/KHXX của Toà án nhân dân tối cao về việc áp dụng Điều 248 Bộ luật Hình sự

Số hiệu 105/2003/KHXX
Ngày ban hành 18/08/2003
Ngày có hiệu lực 18/08/2003
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Thị Thanh Thuỷ
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 105/2003/KHXX

Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2003

 

CÔNG VĂN

CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 105/2003/KHXX NGÀY 18 THÁNG 8 NĂM 2003 VỀ VIỆC ÁP DỤNG ĐIỀU 248 BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Kính gửi: Toà án nhân dân huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

Sau khi nghiên cứu Công văn số 89/CV-TA ngày 01/7/2003 của quý Toà, Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

Cá độ bóng đá thực chất cũng là một hình thức đánh bạc. Đặc thù của tội đánh bạc nói chung là người đánh bạc không thể thực hiện hành vi đánh bạc một mình mà mỗi lần đánh bạc phải có nhiều người (ít nhất từ hai người trở lên) cùng tham gia đánh bạc với nhau hoặc đánh bạc với nhiều người khác nhau, cho nên đối với tội đánh bạc không thể lấy tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của tất cả các lần đánh bạc làm định mức để truy cứu trách nhiệm hình sự người đánh bạc, mà phải căn cứ vào từng lần đánh bạc đề xem xét; cụ thể là:

a. Nếu tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của từng lần đánh bạc đều dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (có nghĩa là dưới một triệu đồng theo hướng dẫn tại điểm 6.3 mục 6 phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một sôa quy định của Bộ luật Hình sự) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều 248 và Điều 249 Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm) thì người đánh bạc không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.

b. Nếu tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của lần đánh bạc nào mà bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (có nghĩa là từ một triệu đồng trở lên theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02 nêu trên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc đối với lần đánh bạc đó.

c. Nếu tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (ví dụ: cá độ bóng đá từ 2 lần trở lên) thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần" quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự.

d. Nếu phạm tội đánh bạc nhiều lần (ví dụ: cá độ bóng đá từ 5 lần trở lên), thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về thời gian và lấy tiền, hiện vật do đánh bạc mà có làm nguồn sống thì người đánh bạc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc với tình tiết định khung "có tính chất chuyên nghiệp" quy định tại điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Hình sự.

Trên đây là ý kiên của Viện khoa học xét xử Toà án nhân dân tối cao để quý Toà tham khảo, vận dụng trong quá trình giải quyết vụ án tại địa phương.

 

 

Nguyễn Thị Thanh Thuỷ

(Đã Ký)