Công văn 10246/BTC-CST về thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 10246/BTC-CST |
Ngày ban hành | 02/08/2011 |
Ngày có hiệu lực | 02/08/2011 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Đỗ Hoàng Anh Tuấn |
Lĩnh vực | Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:
10246/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2011 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Tài chính nhận được công văn số 1625/BKHCN-TĐC ngày 12/7/2011 của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi Thủ tướng Chính phủ về thuế nhập khẩu linh kiện ô tô. Về nội dung công văn này, Bộ Tài chính cơ bản thống nhất với báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ và xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hai vấn đề như sau:
1. Về chính sách thuế và tình hình thực hiện chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô
a) Về chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, láp ráp ôtô
Chính sách thuế quy định nếu bộ linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô mà có linh kiện không đảm bảo mức độ rời rạc theo quy định về tỷ lệ nội địa hoá ô tô thì phải nộp thuế cả bộ linh kiện theo mức thuế suất của sản phẩm ô tô nguyên chiếc đã được thực hiện nhất quán từ năm 2006 đến nay (mà không phải là vấn đề phát sinh khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 184/2010/TT-BTC ngày 15//1/2010). Cụ thể là:
Thực hiện Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 5/10/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, sau khi trao đổi với các Bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương); Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2006/TT-BTC ngày 15/3/2006 quy định cụ thể về nguyên tắc phân loại và điều kiện được tính thuế theo mã số, thuế suất của từng linh kiện đối với bộ linh kiện ô tô rời đồng bộ và không đồng bộ nhập khẩu của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Căn cứ pháp lý và nguyên tắc phân loại, tính thuế bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ nhập khẩu để sản xuất lắp ráp ô tô qua từng thời kỳ của Bộ Tài chính (từ Thông tư 19/2006/TT-BTC ngày 15/3/2006 đến nay) đều căn cứ vào Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/5/2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ để xác định độ rời rạc làm cơ sở xây dựng chính sách về phân loại, tính thuế bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ nhập khẩu để sản xuất lắp ráp ôtô. Cụ thể như sau:
- Một là, phụ tùng, linh kiện do các doanh nghiệp đảm bảo Tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công nghiệp (tại Quyết định số 115/2004/BCN ngày 27/10/2004 về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, Lắp ráp ô tô - nay là Bộ Công Thương) trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu.
- Hai là, các chi tiết, linh kiện rời có thể là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của thành phẩm để lắp ráp với nhau dưới mức độ rời rạc tối thiểu bằng mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN ngày 11/05/2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Trường hợp doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nhập khẩu bộ linh kiện rời đồng bộ hoặc không đồng bộ để sản xuất, lắp ráp ô tô có mức độ rời rạc thấp hơn mức ôtô rời rạc theo quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN thì phải nộp thuế nhập khẩu theo mức thuế suất của sản phẩm ô tô nguyên chiếc.
Quy định này được áp dụng nhất quán từ năm 2006 theo Thông tư số 19/2006/TT-BTC đến nay và được qui định tại các phụ lục ban hành kèm theo các văn bản ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi của Bộ Tài chính qua từng giai đoạn: Quyết định số 39/2006/QĐ-BTC ngày 28/7/2006 (áp dụng từ 15/9/2006 đến hết năm 2007), Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 (áp dụng từ 1/1/2008 đến hết năm 2009), Thông tư số 216/2009/TT-BTC ngày 12/11/2009 ban hành biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi (áp dụng từ 1/1/2010 đến hết năm 2010) và hiện nay, đang được qui định tại Thông tư số 184/2010/TT-BTC (quy định tại Thông tư số 184/2010/TT-BTC chỉ sửa đổi lại một số câu chữ cho rõ ràng dễ hiểu hơn nhưng không thay đổi về nội dung).
b) Về tình hình thực hiện quy định về thuế nhập khẩu đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô trong thời gian qua.
Việc thực hiện chính sách phân loại, tính thuế nhập khẩu linh kiện nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp ô tô như nêu trên trong thời gian qua. Bộ Tài chính không nhận được phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện. Từ tháng 5/2010 đến nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã phát hiện một số doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện ô tô đồng bộ hoặc không đồng bộ khai báo là nhập khẩu linh kiện để sản xuất lắp ráp ô tô đảm bảo các các điều kiện nêu trên đề được phân loại, tính thuế nhập khẩu theo linh kiện, cơ quan Hải quan đã thực hiện đúng quy định khi thông quan. Tuy nhiên, qua kiểm tra sau thông quan, cơ quan Hải quan phát hiện bộ linh kiện nhập khẩu của một số doanh nghiệp có một số linh kiện không bảo đảm mức độ rời rạc của Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN (không đáp ứng điều kiện để được phân loại và tính thuế theo linh kiện) do vậy, cơ quan Hải quan đã ra quyết định truy thu thuế theo qui định hiện hành (theo mức thuế suất của ô tô nguyên chiếc).
c) Nguyên nhân
Do doanh nghiệp không chú ý, chưa thật sự quan tâm đầu tư để đảm bảo mức độ rời rạc theo quy định nên trong thực tiễn triển khai việc xác định độ rời rạc theo Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN để phân loại, tính thuế đã phát sinh vướng mắc. Theo thông tin từ Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô (VAMA), trong tổng số 18 doanh nghiệp thành viên có 05 doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện chưa đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN là: Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (kính gắn sườn xe, ống xả, ghế), công ty Ford Việt Nam (ghế, ống xả), công ty Honda Việt Nam (ghế, lốp và vành xe), công ty Toyota Việt Nam (vành và lốp xe cho một số chủng loại xe), công ty GM Dawoo (ghế). Có 02 doanh nghiệp dự kiến sẽ nhập linh kiện có mức độ rời rạc thấp hơn quy định tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN là công ty Hino motors Việt Nam (cabin), công ty Isuzu Việt Nam (cabin), Có 11 doanh nghiệp thành viên đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN là các doanh nghiệp: Trường hải, Vinaxuki, Công ty SYM, Mecedez Ben, Suzuki. VMC (Công ty ô tô Hòa Bình), công ty VIM (Tổng công ty máy và điện lực), công ty Vina star, công ty Samco, công ty Vinancomin (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam), công ty Mêkong.
Sau khi trao đổi với các Bộ, ngành (Bộ Công Thương tại công văn số 4271/BCT-CCNg, Bộ Tư pháp tại công văn số 2902/BTP-PLQT) và Hiệp hội các nhà sản xuất lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính đã có công văn số 8056/BTC-CST ngày 20/6/2011 gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Văn phòng Chính phủ, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan tổ chức kiểm tra mức độ rời rạc của các bộ linh kiện đã nhập khẩu không đảm bảo mức độ rời rạc của một số trường hợp để xác định rõ nguyên nhân để có phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
2. Về việc xử lý của Tổ liên ngành đối với các lô hàng linh kiện đã được nhập khẩu và hướng sửa đổi các văn bản có liên quan.
Tại công văn số 1625/BKHCN-TĐC, Bộ Khoa học và Công nghệ có nêu: Để giải quyết vướng mắc, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức cuộc họp (ngày 5/7/2011) với các Bộ, thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết đối với các lô hàng linh kiện nhập khẩu trước ngày 5/7/2011 (thời điểm tổ chức họp liên ngành). Tổ liên ngành kiểm tra, xác nhận mức độ rời rạc của linh kiện là căn cứ để Bộ Tài chính tính thuế nhập khẩu đối với lô hàng đó. Bộ Tài chính thấy rằng, việc lấy ngày 5/7/2011 để xử lý là không có cơ sở, sẽ gây khó khăn cho cả người nhập khẩu và cả cơ quan hải quan khi phân loại hàng hoá vì:
- Công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô không dễ thay đổi;
- Các tập đoàn sản xuất ô tô có chiến lược phát triển dòng xe mới mất nhiều thời gian (không thể thay đổi ngay trong vài tháng), mỗi doanh nghiệp cũng chỉ có một vài dòng xe.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị:
a). Xử lý trước mắt:
- Về thời điểm xử lý: Không nên lấy ngày 5/7/2011 làm ngày xác định cách thức giải quyết thuế nhập khẩu linh kiện như đề xuất của Bộ KHCN mà việc xác định của Tổ liên ngành cần được áp dụng thống nhất đối với các trường hợp nhập khẩu bộ linh kiện ô tô trước khi chính sách về tỷ lệ nội địa hoá (tại Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN) hoặc chính sách thuế đối với linh kiện ô tô (tại Thông tư số 184/2010/TT-BTC) được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
- Về nguyên tắc xử lý; Cần đảm bảo minh bạch, rõ ràng, không thay đổi cơ chế hiện hành đang còn hiệu lực, không gây phiền hà đối với doanh nghiệp nhập khẩu bộ linh kiện để sản xuất, lắp ráp ô tô, cụ thể là linh kiện không đảm bảo mức độ rời rạc được tính thuế theo thuế suất của từng linh kiện phải đảm bảo điều kiện sau:
+ Tỷ lệ nội địa hoá của một linh kiện để đảm bảo mức độ rời rạc do Bộ Khoa học và Công nghệ quy định theo quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hoá đối với ô tô quy định tại Quyết định số 28/2004/QĐ-BKHCN ngày 01/10/2004 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
+ Tổng trị giá của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% (mười phần trăm) tổng trị giá của các linh kiện để sản xuất, lắp ráp thành ô tô hoàn chỉnh (không phân biệt theo từng loại xe mà tính chung cho các loại xe của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong kỳ).
+ Linh kiện đó không bao gồm khung gầm, thân xe, thùng xe, ca bin (đối với xe tải)
b) Về lâu dài:
Để phù hợp với Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ Công Thương đang soạn thảo (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào quý III/2011), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cả hai văn bản (Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN và Thông tư số 184/2010/TT-BTC) với định hướng như sau:
Quyết định số 05/2005/QĐ-BKHCN sửa đổi theo nguyên tắc: Cập nhật được yêu cầu mới (sự thay đổi của công nghệ trong sản xuất, Lắp ráp ô tô). Theo đó, văn bản này cần có quy định rõ trách nhiệm của cơ quan ban hành trong việc định kỳ (có thể hàng năm) phối hợp với các Bộ ngành, Hiệp hội có liên quan xem xét để điều Chỉnh cho phù hợp; mức độ rời rạc phải đảm bảo sự phát triển về tỷ lệ nội địa hoá của các doanh nghiệp sản xuất trong nước.