Công văn 100/TCTCCTTHC năm 2023 tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ do Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính ban hành

Số hiệu 100/TCTCCTTHC
Ngày ban hành 14/11/2023
Ngày có hiệu lực 14/11/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

TỔ CÔNG TÁC CẢI CÁCH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/TCTCCTTHC
V/v tiếp tục đẩy mạnh phân cấp thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ.

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2023

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2022-2025, các bộ, cơ quan ngang bộ phải sửa đổi, bổ sung để ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành 232 văn bản quy phạm pháp luật phân cấp 699 thủ tục hành chính (TTHC)[1]; các bộ, cơ quan, địa phương phải xác định danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý, công bố, công khai và rà soát để cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC nội bộ[2].

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, các bộ, cơ quan, địa phương đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả cụ thể. Về phân cấp TTHC theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg, 13/21 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành và tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật[3] để thực thi phương án phân cấp 139 TTHC[4], tuy nhiên mới đạt tỷ lệ 20% TTHC đã được phê duyệt phương án phân cấp. Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg, 21/22 bộ, cơ quan ngang bộ, 61/63 địa phương đã công bố danh mục 4.028 TTHC nội bộ thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước và trong nội bộ từng bộ, địa phương; 05 địa phương đã rà soát tổng số 117 TTHC nội bộ, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 32 TTHC nội bộ. (Chi tiết tại Phụ lục I, II).

Kết quả nêu trên còn khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Còn 08 bộ, cơ quan chưa thực hiện phân cấp, trong đó nhiều phương án phân cấp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng chưa được các bộ chủ động thực thi[5]; một số phương án phân cấp đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành. Một số bộ, cơ quan, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của TTHC nội bộ; dẫn đến nhận diện chưa đúng, công bố thiếu TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý[6]. Còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động trong rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ. Tiến độ rà soát đối với các nhóm TTHC nội bộ trọng tâm ưu tiên còn chậm so với yêu cầu[7] (trừ Bộ Giao thông vận tải), kết quả rà soát chưa bảo đảm chất lượng, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Theo đánh giá của một số vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, TTHC nội bộ trên một số lĩnh vực[8] còn chưa phù hợp, là rào cản, là nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước chưa cao, làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý, trong đó có một số vướng mắc chậm được tháo gỡ.

Để tiếp tục thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phân cấp TTHC và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, góp phần khơi thông các nguồn lực, phát triển kinh tế - xã hội; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

a) Nêu cao trách nhiệm và tinh thần chủ động trong thực hiện các phương án phân cấp đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg; phấn đấu đến hết tháng 6 năm 2024, hoàn thành phân cấp đối với các phương án phân cấp[9] thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã được phê duyệt hiện chưa được thực thi; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC ngay trong quá trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có quy định TTHC để phân cấp theo thẩm quyền.

b) Rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành, tham mưu ban hành và các công việc mà bộ, cơ quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để công bố bổ sung đầy đủ các TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý; công khai 100% TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo đúng hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ; hoàn thành trong tháng 12 năm 2023.

c) Rà soát đối với ít nhất 50% trên tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC, hoàn thành trong tháng 12 năm 2023; 50% TTHC còn lại hoàn thành trong năm 2024.

Các bộ, cơ quan cần tham vấn, lấy ý kiến Tổ công tác triển khai Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trong quá trình rà soát, để bảo đảm chất lượng của phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

d) Thực hiện kiểm soát TTHC nội bộ ngay trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật; quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung TTHC nội bộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, Kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của bộ, cơ quan.

đ) Phát huy tốt vai trò điều phối, đánh giá, rà soát độc lập của đơn vị kiểm soát TTHC tại các bộ, cơ quan; vai trò chủ trì rà soát của các vụ, cục, đơn vị tham mưu ban hành TTHC nội bộ; vai trò của các chuyên gia độc lập; cũng như vai trò phối hợp của các cơ quan, đơn vị là đối tượng thực hiện TTHC nội bộ.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chủ động rà soát, quyết định phân cấp đối với các TTHC thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phân cấp, ủy quyền, bảo đảm việc phân cấp phù hợp, khả thi nhằm giảm tầng nấc, khâu trung gian, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

b) Rà soát toàn bộ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành và các công việc mà địa phương thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để công bố bổ sung đầy đủ các TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý; hoàn thành trong tháng 12 năm 2023.

c) Rà soát đối với ít nhất 50% trên tổng số TTHC thuộc phạm vi quản lý, đề xuất phương án đơn giản hóa bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC, hoàn thành trong tháng 12 năm 2023; 50% TTHC còn lại hoàn thành trong năm 2024.

d) Thực hiện kiểm soát TTHC nội bộ ngay trong quá trình dự thảo văn bản pháp luật; quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung TTHC nội bộ trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình, Kế hoạch của địa phương.

đ) Phát huy tốt vai trò điều phối, đánh giá, rà soát độc lập của đơn vị kiểm soát TTHC tại các địa phương; vai trò chủ trì rà soát của các sở, ngành, đơn vị tham mưu ban hành TTHC nội bộ; vai trò của các chuyên gia độc lập; cũng như vai trò phối hợp của các đơn vị là đối tượng thực hiện TTHC nội bộ.

e) Chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa đối với các TTHC nội bộ thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực mà địa phương là đối tượng thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trong quá trình rà soát, đơn giản hóa các TTHC này để bảo đảm phương án cắt giảm, đơn giản hóa phù hợp, khả thi.

3. Các bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ rà soát, đơn giản hóa TTHC trọng tâm ưu tiên theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg và Quyết định số 933/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2023, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa; bảo đảm mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% TTHC và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ TTHC, hoàn thành trong tháng 12 năm 2023.

4. Văn phòng Chính phủ giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phân cấp giải quyết TTHC và cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ; tổng hợp kết quả thực hiện, kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc lồng ghép trong Báo cáo công tác cải cách TTHC trình Chính phủ.

5. Các đồng chí Bộ trưởng, Thứ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện các yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ nêu tại văn bản này; định kỳ hàng tháng tổng hợp kết quả thực hiện vào Báo cáo công tác cải cách TTHC gửi Văn phòng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTgCP (để báo cáo);
- Các thành viên TCT CCTTHC;
- Các thành viên HĐTV CCTTHC;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP,
các Vụ, Cục, đơn vị;
- Lưu: VT, TCTCCTTHC (2). NTTL

TỔ TRƯỞNG




PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Trần Lưu Quang

 

PHỤ LỤC I

KẾT QUẢ PHÂN CẤP GIẢI QUYẾT TTHC TỪ NĂM 2022 ĐẾN NAY
(Kèm theo Công văn số: 100/TCTCCTTHC ngày 14 tháng 11 năm 2023 của Tổ công tác cải cách TTHC)

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ