Công văn 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 năm 2008 về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu | 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 |
Ngày ban hành | 19/06/2008 |
Ngày có hiệu lực | 19/06/2008 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Viện kiểm sát nhân dân tối cao |
Người ký | Trần Quốc Vượng |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2008/CT-VKSTC-VPT1 |
Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2008 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM HÌNH SỰ
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị những bản án hoặc quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân. Đây là một quyền năng pháp lý quan trọng nhằm đảm bảo cho bản án, quyết định của Tòa án có căn cứ, đúng pháp luật.
Trong những năm qua, công tác kháng nghị phúc thẩm đối với bản án, quyết định sơ thẩm hình sự của Tòa án nhân dân (sau đây gọi tắt là bản án, quyết định sơ thẩm) đã có những cố gắng nhất định. Viện kiểm sát đã chú trọng phát hiện vi phạm để kháng nghị phúc thẩm. Chất lượng kháng nghị đã từng bước được nâng lên; nhìn chung đã đảm bảo về hình thức, nội dung có căn cứ pháp lý; nhiều kháng nghị được Viện kiểm sát cấp phúc thẩm bảo vệ, số kháng nghị Tòa án chấp nhận được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự còn không ít những bất cập. Tỷ lệ kháng nghị được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận thường chỉ chiếm 65%. Số lượng kháng nghị phúc thẩm có chiều hướng giảm, trong khi số án sơ thẩm phải cải sửa, hủy án thông qua kháng cáo chiếm tỷ lệ không nhỏ (từ 15-20% số vụ án xét xử phúc thẩm). Một số Viện kiểm sát cấp huyện hoặc cấp tỉnh trong nhiều năm liền không có kháng nghị phúc thẩm đối với những bản án, quyết định của Tòa án cấp huyên.
Những tồn tại, thiếu sót trên đây có nhiều, trong đó chủ yếu do năng lực và trách nhiệm của Kiểm sát viên, lãnh đạo ở một số đơn vị chưa cao; sự phối kết hợp giữa Viện kiểm sát các cấp trong công tác kháng nghị phúc thẩm chưa chặt chẽ; trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ cho công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử chưa đáp ứng yêu cầu.
Để khắc phục tình trạng trên và nhằm nâng cao chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương thực hiện tốt những nội dung sau đây:
1. Thường xuyên quan tâm, coi trọng công tác kháng nghị phúc thẩm, coi đây là một trong những công việc trọng tâm của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong kế hoạch, chương trình công tác hàng năm phải để ra chỉ tiêu phát hiện những bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm về áp dụng pháp luật, về thủ tục tố tụng để kháng nghị phúc thẩm; hàng năm được đánh giá kết quả thi đua đối với đơn vị.
Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh, cấp huyện và Viện trưởng các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là các Viện phúc thẩm) phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác kháng nghị phúc thẩm. Viện trưởng phải nghe báo cáo và duyệt nội dung kháng nghị. Trước khi mở phiên tòa, việc bổ sung, thay đổi, rút kháng nghị phải do lãnh đạo Viện quyết định.
2. Khi ban hành kháng nghị phải chú ý đảm bảo chặt chẽ từ hình thức đến nội dung và đúng thủ tục, thời hạn pháp luật quy định.
Hình thức kháng nghị phải thực hiện đúng mẫu quy định (Mẫu số 138 ban hành kèm theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKSTC ngày 17/9/2007). Trước khi phát hành kháng nghị phải thận trọng rà soát kỹ văn bản, không để xảy ra những sai sót.
Nội dung kháng nghị phải phân tích, làm rõ căn cứ kháng nghị như bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; áp dụng không đúng điều khoản Bộ luật hình sự, áp dụng không đúng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; kết luận của bản án hoặc quyết định sơ thẩm không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án; xử quá nặng hoặc quá nhẹ không phù hợp với chính sách hình sự, không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Kháng nghị phải phân tích rõ vi phạm của bản án, quyết định sơ thẩm, đối chiếu với các quy định cụ thể của điều luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đối với vụ án có đồng phạm hoặc nhiều bị cáo bị kháng nghị, phải phân tích vai trò tham gia thực hiện tội phạm và những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đặc điểm nhân thân của từng bị cáo; đánh giá một cách toàn diện các căn cứ, cơ sở quyết định hình phạt để đề xuất việc xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Quyết định kháng nghị phải nêu rõ nội dung và phạm vi kháng nghị.
3. Viện kiểm sát địa phương phải thực hiện đúng Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự; Quy chế về chức trách, nhiệm vụ và chế độ làm việc của các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm thuộc VKSNDTC về việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm; báo cáo kết quả xét xử sơ thẩm, kháng nghị phúc thẩm cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm.
Viện kiểm sát các cấp khi gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp phải có phiếu kiểm sát bản án, quyết định sơ thẩm (có mẫu kèm theo Chỉ thị này). Phiếu kiểm sát do Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm lập, trong đó, nêu rõ ý kiến đề xuất của Kiểm sát viên; ý kiến của lãnh đạo đơn vị (Viện trưởng đối với Viện kiểm sát cấp huyên; Trưởng phòng đối với Viện kiểm sát cấp tỉnh).
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định, Viện kiểm sát cấp sơ thẩm phải gửi bản án, quyết định sơ thẩm, phiếu kiểm sát cho Viện kiểm sát cấp phúc thẩm.
Viện kiểm sát cấp huyện và Viện kiểm sát cấp tỉnh phải khắc phục ngay việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm quá chậm, dẫn đến không còn thời hạn kháng nghị phúc thẩm.
Viện kiểm sát cấp phúc thẩm phải cử Kiểm sát viên được phân công theo dõi địa bàn kiểm tra phiếu kiểm sát; nghiên cứu bản án, quyết định sơ thẩm; có quan điểm về kết quả kiểm tra và nghiên cứu của mình. Lãnh đạo đơn vị phải có ý kiến về đề xuất của Kiểm sát viên.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh phải tập hợp tình hình thực hiện Điều 182, Điều 229 Bộ luật TTHS về việc gửi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm ở cả hai cấp (tỉnh và huyện), có kiến nghị kịp thời những trường hợp vi phạm về thời hạn theo luật định và báo cáo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) để tập hợp, có kiến nghị chung với ngành Tòa án.
4. Các Viện phúc thẩm phải có bộ phận chuyên trách quản lý, theo dõi, kiểm tra bản án, quyết định sơ thẩm, thu thập thông tin về việc xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm; phối kết hợp chặt chẽ với các Viện kiểm sát địa phương thu thập bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm để kháng nghị theo thẩm quyền; định kỳ có kế hoạch kiểm tra việc thực hiện gửi bản án, quyết định sơ thẩm và phiếu kiểm sát của các Viện kiểm sát cấp tỉnh trong khu vực.
Các Viện kiểm sát cấp tỉnh giao cho Phòng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm án hình sự thực hiện việc theo dõi, kiểm tra các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện để phát hiện vi phạm và quyết định việc kháng nghị.
Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện khi phát hiện bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm pháp luật, nếu không còn đủ thời gian để kháng nghị thì báo cáo ngay Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp để xem xét kháng nghị theo thẩm quyền. Nếu không còn thời hạn kháng nghị phúc thẩm, nhưng bản án, quyết định sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng thì báo cáo Viện kiểm sát cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Trong báo cáo phải nêu đầy đủ lý do, cơ sở của đề xuất kháng nghị.
5. Tăng cường rút kinh nghiệm về những thiếu sót, hạn chế của từng kháng nghị phúc thẩm mà Viện kiểm sát cấp phúc thẩm rút kháng nghị hoặc kháng nghị không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Đối với trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị mà không có căn cứ, báo cáo đề nghị cấp giám đốc thẩm nghiên cứu, xem xét theo thẩm quyền. Đối với các kháng nghị có nội dung tốt, Viện kiểm sát cấp phúc thẩm thông báo cho Viện kiểm sát cấp sơ thẩm để cùng tham khảo. Hàng năm, các Viện phúc thẩm và Viện kiểm sát cấp tỉnh cần tổng hợp để rút kinh nghiệm chung theo địa bàn về công tác kháng nghị phúc thẩm. Vụ 3 chịu trách nhiệm tổng hợp rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành về công tác kháng nghị phúc thẩm; tập hợp những vi phạm của Tòa án trong việc chấp hành các quy định của pháp luật vé thời hạn gửi bản án, quyết định sơ thẩm để kiến nghị với ngành Tòa án.
6. Các Viện phúc thẩm phối hợp với các Viện kiểm sát địa phương, Viện khoa học kiểm sát, Vụ 3 nghiên cứu những vấn đề có liên quan đến kháng nghị phúc thẩm để phục vụ cho việc xây dựng dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), như: Căn cứ kháng nghị phúc thẩm; việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp; thời hạn gửi bản án, quyết định sơ thẩm; thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm trong trường hợp có kháng nghị về việc áp dụng chế định án treo v.v...
7. Các Viên phúc thẩm có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác kháng nghị phúc thẩm theo khu vực được phân công. Vụ 3 có trách nhiệm chính trong việc tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao kết quả công tác kháng nghị phúc thẩm trong toàn ngành. Vụ 11 chủ trì, phối hợp với Cục thống kê tội phạm nghiên cứu trang bị các phương tiện hỗ trợ để các đơn vị trong toàn ngành áp dụng công nghệ thông tin trong việc gửi bản án, quyết định sơ thẩm và phiếu kiểm sát.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Viện kiểm sát quân sự TW căn cứ Chỉ thị này để triển khai trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp./.
|
VIỆN TRƯỞNG |