Công điện 201/CĐ-TTg năm 2022 về bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại U-crai-na do Thủ tướng Chính phủ điện

Số hiệu 201/CĐ-TTg
Ngày ban hành 26/02/2022
Ngày có hiệu lực 26/02/2022
Loại văn bản Công điện
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Quyền dân sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 201/CĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2022

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ VIỆC BẢO HỘ CÔNG DÂN VÀ PHÁP NHÂN VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN LƯU Ý TRƯỚC TÌNH HÌNH TẠI U-CRAI-NA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:

 

- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ ngày 24/02/2022, tình hình xung đột vũ trang ở U-crai-na diễn biến phức tạp, nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ U-crai-na, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp trong đó có khoảng 7.000 người Việt Nam đang cư trú tại U-crai-na, chủ yếu là Kharkiv, Odessa và thủ đô Kyiv và một số nơi khác... Trong tình hình phức tạp hiện nay tại U-crai-na, với mong muốn hòa bình, ổn định và cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại tại U-crai-na, một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở U-crai-na và các nơi có liên quan.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Ngoại giao

- Xây dựng Phương án đảm bảo an ninh, an toàn; sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.

- Chỉ đạo các Cơ quan đại diện Việt Nam tại U-crai-na và các nước lân cận lập danh sách công dân Việt Nam đang ở trong khu vực chiến sự, tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ, nhanh chóng đưa công dân rời khỏi các khu vực nguy hiểm, lánh nạn ở các nước láng giềng khi cần thiết và có phương án đưa những người có nhu cầu về Việt Nam theo đề nghị.

Trong trường hợp cần sự hỗ trợ, đề nghị liên hệ theo đường dây nóng bảo hộ công dân: Đại sứ quán Việt Nam tại U-crai-na (+380 (63) 8638999); Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga (+79916821617) hoặc Bộ Ngoại giao (+84 965411118; +84 981848484; Email: baohocongdan@gmail.com).

- Trao đổi với các nước trong khu vực, các tổ chức quốc tế, các tổ chức nhân đạo đề nghị hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.

2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các hãng hàng không của Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đưa người Việt và thành viên gia đình về nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao và kiến nghị biện pháp phù hợp đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan rà soát, thống kê số lượng người Việt Nam đang công tác, lao động, học tập tại U-crai-na và thông báo cho Bộ Ngoại giao để triển khai hỗ trợ, sơ tán công dân khỏi khu vực nguy hiểm.

4. Bộ Công an phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phát giấy tờ xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam, người gốc Việt và thành viên gia đình.

5. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan chủ động theo sát diễn biến tình hình và tác động đối với hợp tác song phương với các đối tác liên quan, kịp thời kiến nghị biện pháp phù hợp để bảo đảm lợi ích chính đáng của quốc gia và công dân, doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tình hình, kiến nghị các biện pháp phù hp bảo hộ hoạt động đầu tư, kinh doanh và các lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam tại các địa bàn có liên quan. Bộ Công thương theo dõi, tăng cường kiểm soát, chủ động các biện pháp bình ổn thị trường trong nước, kịp thời ngăn chặn các hành vi gây lũng đoạn, trục lợi; ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp.

6. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan bố trí kinh phí phù hợp để triển khai các phương án bảo hộ công dân cần thiết.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn, báo chí phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, có tính chất cảnh báo về diễn biến tại U-crai-na để có cơ sở ứng phó phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

8. Chủ tịch y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trong việc bảo hộ công dân và các lợi ích liên quan đến địa phương mình.

9. Trong tình hình diễn biến phức tạp hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đề nghị cộng đồng và các doanh nghiệp Việt Nam, các Hội đoàn người Việt tại U-crai-na và các nước liên quan, nhất là các nước lân cận phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực tự cường, tương thân tương ái “lá lành đùm rách” trong hoạn nạn khó khăn, tham gia hỗ trợ đối với các gia đình, tổ chức, cá nhân người Việt tại U-crai-na, góp phần chia sẻ, giảm thiểu những rủi ro, thiệt hại phát sinh.

Bộ Ngoại giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Công điện này thay thế Công điện số 200/CĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các y ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Báo Nhân dân, TTXVN, Đài THVN, Đài TNVN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ:
TH, KTTH, CN, NC, KGVX;
- Lưu: VT, QHQT (3). NL

THỦ TƯỚNG




Phạm Minh Chính