Chương trình phối hợp số 250/CTr/BGDĐT-HLHPNVN-HKHVN về thực hiện phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2009 - 2013 do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - Hội Khuyến học Việt Nam ban hành

Số hiệu 250/CTr/BGDĐT-HLHPNVN-HKHVN
Ngày ban hành 22/04/2009
Ngày có hiệu lực 22/04/2009
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo,Hội Khuyến học Việt Nam,Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam
Người ký Nguyễn Mạnh Cầm,Nguyễn Thiện Nhân,Nguyễn Thị Thanh Hòa
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO -
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM - HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số : 250/CTr/BGDĐT-HLHPNVN-HKHVN

Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2009

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

THỰC HIỆN PHONG TRÀO THI ĐUA “XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC” GIAI ĐOẠN 2009 - 2013

- Thực hiện Luật Giáo dục số 38/2005/QH 11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội;
- Thực hiện Chỉ thị số 71/2008/CT-BGDĐT ngày 23/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên;
- Căn cứ Chương trình phối hợp hoạt động số 02–CTr–BGDĐT-TWHLHPNVN ngày 02/01/2009 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kì đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước;
- Căn cứ vào Kế hoạch phối hợp công tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam số 70/KH/BGDĐT-HKHVN ngày 13/02/2009 về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Khuyến học Việt Nam,

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam thống nhất ban hành Chương trình phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” giai đoạn 2009-2013.

I. MỤC ĐÍCH

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam cùng với ngành Văn hóa, thể thao và du lịch, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp các hoạt động nhằm triển khai, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Mỗi ngành, đoàn thể đóng góp vào phong trào thi đua phù hợp với thế mạnh của mình, thông qua chương trình phối hợp để tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, vì tương lai của mỗi gia đình và tương lai của Tổ quốc.

2. Chỉ đạo tập trung theo ngành dọc, có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các bên; đảm bảo việc thực hiện một cách sáng tạo và có hiệu quả những nội dung của phong trào thi đua của mọi cơ sở giáo dục và các cấp Hội ở địa phương.

3. Việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học đặc biệt nhằm vào mục tiêu phát huy vị trí hết sức quan trọng của gia đình trong việc tạo điều kiện học tập và giáo dục nhân cách cho các em, khai thác tốt nhất mọi chính sách của Nhà nước, sự hỗ trợ của cá nhân hoặc đơn vị để đảm bảo yêu cầu “3 đủ” đối với mỗi học sinh: “đủ ăn, đủ sách vở, đủ quần áo”, yêu cầu “1 có”: “Có chỗ học tập ổn định, thuận tiện” và yêu cầu “3 biết”: “biết các chính sách của Nhà nước hỗ trợ việc học tập của con em các gia đình thuộc các vùng miền khác nhau, có hoàn cảnh gia đình khác nhau trong đó có chính sách khuyến khích học nghề đối với con em nông dân; biết nhu cầu lao động và việc làm ở địa phương và vùng lân cận để từ đó quyết định việc học nghề, học đại học, cao đẳng, trung cấp một cách hợp lý; biết chọn các cơ sở học tập và đào tạo phù hợp với điều kiện của bản thân và gia đình”.

II. NỘI DUNG

1. Xây dựng trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn

- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Các cấp Hội phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động thiết thực cho học sinh, giáo viên, phụ nữ và cộng đồng trong việc xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, không có tụ điểm kinh doanh trái phép ở gần trường học, đảm bảo an toàn trong trường học cho học sinh, nhất là học sinh nữ, đảm bảo an toàn giao thông; trồng và chăm sóc cây xanh; vận động các thành viên trong gia đình tích cực tham gia cuộc vận động “Phụ nữ cả nước thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”.

- Đối với Hội Khuyến học Việt Nam

Vận động các tổ chức và cá nhân ủng hộ quỹ khuyến học để cấp học bổng cho học sinh nghèo, khuyến khích học sinh học giỏi vượt khó đi lên và góp phần vận động nhân dân nâng cấp cơ sở vật chất các nhà trường.

- Đối với ngành giáo dục

+ Các sở và các phòng giáo dục và đào tạo phải đảm bảo hoặc có kế hoạch để đảm bảo cho các trường có khuôn viên và cây xanh; đủ lớp học và các phòng chức năng với đủ tiện nghi và đồ dùng dạy học; có nhà vệ sinh riêng cho giáo viên, học sinh, cho nam, nữ phù hợp với tiêu chuẩn học đường;

+ Có biện pháp giáo dục và tổ chức cho học sinh giữ gìn trường lớp sạch đẹp; tham gia các hoạt động trồng cây trong khu vực nhà trường. Nơi nào có điều kiện thì mỗi trường đảm nhận một công trình “con đường xanh sạch đẹp” dẫn tới cổng trường; nơi nào có điều kiện về đất thì khuyến khích trường có một vườn rau sạch để cải thiện đời sống cho giáo viên, học sinh và làm cho nhà trường xanh sạch đẹp.

2. Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương, giúp các em tự tin trong học tập

- Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

+ Nâng cao nhận thức cho các gia đình, đặc biệt là người mẹ về vai trò của giáo dục đối với sự phát triển toàn diện của con em mình, của thế hệ trẻ, của tương lai đất nước và dân tộc;

+ Các cấp Hội có biện pháp cụ thể vận động các gia đình, đặc biệt là người mẹ quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn đến việc học tập cho con em bằng những việc làm thiết thực: dành đủ thời gian học tập ở nhà, có góc học tập với đủ bàn ghế, ánh sáng và đồ dùng học tập, hằng ngày dành thời gian ít nhất 10 phút để xem xét bài vở và kết quả học tập, liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ kịp thời việc học tập, rèn luyện của con em mình;

+ Nếu gia đình thuộc diện khó khăn, Hội phụ nữ cơ sở phối hợp với nhà trường để vận dụng tất cả các chính sách, khai thác sự hỗ trợ của cuộc vận động “Quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho học sinh vùng khó khăn” của ngành giáo dục hàng năm (từ tháng 6 đến tháng 9) để thực hiện cho được yêu cầu “3 đủ” với mức ngày một tốt hơn;

+ Cung cấp cho các bà mẹ những kiến thức và phương pháp chăm sóc, giáo dục con em phù hợp với từng độ tuổi, đặc biệt phát hiện sớm những biểu hiện rối loạn tâm thần ở trẻ em;

+ Cung cấp địa chỉ những dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng để giúp các bà mẹ chăm sóc giáo dục con em; chú ý giáo dục phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

+ Phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền về giới và bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đưa thành một tiêu chuẩn bình xét phong trào thi đua của Hội;

+ Chỉ đạo các cấp Hội có hình thức biểu dương các gia đình hiếu học, khen thưởng kịp thời các em học sinh giỏi hoặc có cố gắng vượt bậc; vận động xây dựng quỹ giúp học sinh nghèo vượt khó; vận động các bà mẹ cho con đi học đúng độ tuổi, không bỏ học;

+ Khuyến khích các cấp Hội phản ánh kịp thời với nhà trường những ý kiến đóng góp của phụ huynh và cộng đồng về các hoạt động trong và ngoài nhà trường nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục;

+ Tuyên truyền, vận động xây dựng môi trường thân thiện trong từng gia đình, trong đó mọi thành viên yêu thương và tôn trọng lẫn nhau; người lớn gương mẫu về cách sống, làm việc, nói năng và hành vi ứng xử; cha mẹ gần gũi, chia sẻ các ý kiến và nguyện vọng chính đáng, biểu dương kịp thời sự tiến bộ dù nhỏ của con mình.

[...]