Chương trình 1901/CTPH-BLĐTBXH-BHXHVN phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 1901/CTPH-BLĐTBXH-BHXHVN
Ngày ban hành 11/06/2010
Ngày có hiệu lực 11/06/2010
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam,Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Lê Bạch Hồng,Phạm Minh Huân
Lĩnh vực Bảo hiểm

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1901/CTPH-BLĐTBXH-BHXHVN

Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2010

 

CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP

TRONG XÂY DỰNG VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Để tăng cường sự phối hợp trong xây dựng và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là bảo hiểm xã hội) đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống nhất Chương trình phối hợp như sau:

I. PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ NGUYÊN TẮC PHỐI HỢP

1. Phạm vi áp dụng

Chương trình phối hợp này được áp dụng với các đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội); các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bảo hiểm xã hội tỉnh) trong việc xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

2. Nguyên tắc phối hợp

a) Việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan.

b) Trong quá trình phối hợp cần đảm bảo vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của từng cơ quan.

c) Việc phối hợp phải kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước và thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

II. NỘI DUNG PHỐI HỢP

A. Phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

1. Phối hợp trong nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

a) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội đã ban hành, nghiên cứu tiếp thu các kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

b) Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm:

- Đề xuất, kiến nghị các nội dung cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Tham gia nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

2. Phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội

a) Hàng năm Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng có liên quan.

b) Trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội nếu có vướng mắc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để kịp thời giải quyết.

c) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội ở các địa phương, từng bước thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cùng ngày với việc trả trợ cấp ưu đãi người có công vào trước ngày 10 hàng tháng.

d) Vào tuần cuối của tháng 6 và tháng 12 hàng năm, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp đánh giá về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội để tổng hợp báo cáo lãnh đạo hai bên. Địa điểm và thời gian cụ thể do Văn phòng hai bên bố trí.

đ) Trung tâm thông tin – Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục Việc làm – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng chương trình phần mềm để từng bước kết nối cơ sở dữ liệu về thu bảo hiểm thất nghiệp, cơ sở dữ liệu về giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp giữa Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

3. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội

a) Ngoài kế hoạch thanh tra bảo hiểm xã hội theo chức năng được giao, hàng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội. Tùy theo yêu cầu và tính chất vụ việc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra theo đề nghị của mỗi bên.

[...]