Chỉ thị 18/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Số hiệu | 18/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 25/08/2011 |
Ngày có hiệu lực | 04/09/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký | Nguyễn Thiện |
Lĩnh vực | Công nghệ thông tin |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 18/2011/CT-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 25 tháng 08 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TẦN SỐ VÀ THIẾT BỊ VÔ TUYẾN ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
Thời gian qua, mạng lưới thông tin vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phát triển khá nhanh, được ứng dụng hiệu quả trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực như: Viễn thông, phát thanh truyền hình, khoa học, y tế, an ninh, quốc phòng… góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ dân sinh, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Cùng với sự ra đời của Luật Tần số vô tuyến điện, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tần số và thiết bị vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, công tác quản lý, kinh doanh, sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại: một số tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện chưa nhận thức đầy đủ các quy định của Nhà nước; vì thế, không đăng ký, không xin giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; kinh doanh, sử dụng các thiết bị vô tuyến điện không đảm bảo chất lượng, không hợp chuẩn theo quy định, không đúng quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, đặc biệt các loại điện thoại không dây chuẩn DECT băng tần sử dụng từ 1900 MHz-1930MHz…gây can nhiễu cho mạng vô tuyến điện khác, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến an toàn thông tin và an ninh quốc phòng.
Để kịp thời khắc phục những tồn tại trên, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tần số vô tuyến điện, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh không tổ chức kinh doanh, sử dụng các loại thiết bị vô tuyến điện chưa được chứng nhận hợp quy, kém chất lượng và không phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia
2. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện trên địa bàn tỉnh phải có giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (trừ những trường hợp quy định tại Điều 27 Luật Tần số vô tuyến điện) và phải sử dụng đúng mục đích, tần số quy định trong giấy phép.
3. Sở Thông tin và Truyền thông:
a) Chủ trì, phối hợp với các cấp, ngành liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí và Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không kinh doanh, sử dụng các loại thiết bị phát sóng vô tuyến điện có tần số không phù hợp quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia;
b) Phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI tổ chức hướng dẫn, phổ biến các chính sách của Nhà nước về tần số vô tuyến điện; tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký cấp phép và gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định;
c) Chủ trì, phối hợp với Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI và các đơn vị liên quan tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về sử dụng, kinh doanh các thiết bị vô tuyến điện không có giấy chứng nhận hợp quy, không có giấy phép, có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện quốc gia, phát vượt công suất cho phép, gây can nhiễu cho các mạng thông tin vô tuyến điện khác.
4. Công an tỉnh:
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp kinh doanh sử dụng thiết bị vô tuyến điện và điện thoại không dây gây can nhiễu cho các mạng thông tin vô tuyến điện;
b) Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về kinh doanh các thiết bị vô tuyến điện bị cấm.
5. Sở Công Thương:
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý vi phạm trong việc lưu thông trên thị trường các loại điện thoại không dây chuẩn DECT băng tần 1900 MHz - 1930 MHz và các loại thiết bị vô tuyến điện khác không có nguồn gốc hợp pháp, không có chứng nhận hợp chuẩn của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
6. Hải quan Hà Tĩnh:
Kiểm soát và ngăn chặn việc nhập khẩu các loại thiết bị vô tuyến điện không nằm trong quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và các loại điện thoại không dây chuẩn DECT có băng tần sử dụng từ 1900 MHz - 1930 MHz
7. Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh:
a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản của Nhà nước về tần số vô tuyến điện và Chỉ thị này để các tổ chức, cá nhân biết và không kinh doanh, sử dụng các loại thiết bị vô tuyến điện không nằm trong quy hoạch tần số phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, gây can nhiễu đến các hệ thống thông tin vô tuyến khác;
b) Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn các Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, Trạm truyền thanh tuyến xã đầu tư sử dụng các thiết bị phát thanh, phát hình phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia; thực hiện việc đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị tần số vô tuyến điện theo quy định.
8. UBND các huyện, thị xã, thành phố:
a) Tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hiểu và tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước trong việc kinh doanh và sử dụng các thiết bị vô tuyến điện và các loại điện thoại không dây;
b) Chỉ đạo UBND cấp xã có nhu cầu đầu tư hệ thống trạm truyền thanh không dây phải phù hợp với quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia và thực hiện việc đăng ký cấp phép, gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật;
c) Tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, mua bán, sử dụng thiết bị vô tuyến điện theo quy định của pháp luật.
9. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông:
a) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh, sử dụng các thiết bị vô tuyến điện. Đăng ký cấp phép theo quy định, sử dụng đúng mục đích, đúng tần số đã được cấp phép.
b) Thông báo với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI khi xây ra can nhiễu, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi để Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VI xác định nguyên nhân, nguồn gây nhiễu và thực hiện các biện pháp xử lý nhiễu có hại; khuyến cáo khách hàng không kết nối điện thoại không dây có tần số không phù hợp với quy hoạch tần số vào mạng điện thoại cố định do doanh nghiệp quản lý; chấm dứt hợp đồng cung cấp dịch vụ với các thuê bao sử dụng điện thoại không dây gây can nhiễu cho mạng thông tin vô tuyến điện.