Chỉ thị 9/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu | 9/CT-UBND |
Ngày ban hành | 10/04/2020 |
Ngày có hiệu lực | 10/04/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hải Dương |
Người ký | Nguyễn Dương Thái |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 9/CT-UBND |
Hải Dương, ngày 10 tháng 4 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai; Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020; Chỉ thị số 1391/CT-BNN-PCTT ngày 25/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2020; Chỉ thị số 1786/CT-BNN-TCTL ngày 10/3/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2020.
Để chủ động Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương chỉ thị các cấp, các ngành chủ động triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác PCTT & TKCN năm 2019; quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2020;
2. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN; tổ chức, tập huấn, tập dượt cho các lực lượng tham gia công tác PCTT & TKCN; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai.
- Tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp, các ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của Pháp luật. Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trong xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả;
- Thành lập và tổ chức tập huấn, tập dượt, diễn tập cho các lực lượng tham gia thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu, trong đó chú ý phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn và lực lượng tăng cường để chuẩn bị hộ đê theo phương án, kế hoạch được duyệt; hoàn thành việc tổ chức thành lập Đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu;
- Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, phương án, nhiệm vụ PCTT & TKCN cần thực hiện trong năm 2020 sát với tình hình thực tế; xây dựng, cập nhật, hoàn thiện các phương án ứng phó với thiên tai như: Phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; ứng phó với các tình huống ngập lụt hạ du các hồ chứa nước trên các lưu vực sông theo các kịch bản ngập lụt do Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai đề ra;
3. Tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để đưa vào sử dụng phòng chống thiên tai.
- Tổ chức tổng kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều, thủy lợi nội đồng, các công trình phòng chống thiên tai, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình để xây dựng phương án hộ đê tương ứng với từng tuyến đê, từng khu vực trọng điểm theo phương châm "4 tại chỗ";
- Vận hành thử các trạm bơm tiêu, cống tiêu, cửa van, thiết bị xả lũ của các hồ chứa nước, bố trí đủ thiết bị dự phòng đảm bảo vận hành công trình trong mọi tình huống; khơi thông hệ thống kênh tiêu để chủ động tiêu úng, thoát lũ. Các đơn vị được giao quản lý cống dưới đê phải có quy chế, phân công trách nhiệm cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và địa phương trong thực hiện phương án bảo vệ, xử lý các sự cố; chấp hành nghiêm ngặt quy trình đóng mở cống trong mùa lũ;
- Đẩy nhanh tiến độ tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng công trình đê điều, thủy lợi, các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo chất lượng, kịp đưa công trình vào phòng, chống thiên tai năm 2020 và các năm tiếp theo.
4. Chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện, thiết bị và thông tin liên lạc phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Căn cứ kế hoạch, phương án hộ đê, tìm kiếm cứu nạn năm 2020, chủ động chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê theo từng tuyến đê, các vị trí xung yếu. Ngoài số lượng vật tư, phương tiện, thiết bị dự trữ chuyên dùng của Nhà nước hiện có trên địa bàn, cần có kế hoạch, phương án huy động vật tư, phương tiện, thiết bị trong nhân dân kể cả vật tư, phương tiện, thiết bị của các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn phục vụ công tác hộ đê, tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu;
- Xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, đặc biệt khi có bão; xây dựng phương án dự phòng đảm bảo thông tin liên lạc cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra (xuất hiện bão mạnh, siêu bão; vỡ đê; tình huống ngập lụt khẩn cấp hạ du các hồ chứa nước trên các lưu vực sông...);
- Bố trí các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị thông tin liên lạc cho Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT & TKCN các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, trong đó ưu tiên đảm bảo kết nối trực tuyến giữa Văn phòng Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh với Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai;
5. Thực hiện tốt công tác cảnh báo, dự báo, truyền thông và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng.
- Tiếp tục nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi xảy ra thiên tai;
- Lập kế hoạch, tổ chức thực hiện tăng cường thông tin truyền thông về phòng, chống thiên tai; hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai thường hay xảy ra trên địa bàn để nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác truyền tin về công tác cảnh báo, chỉ huy, ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra tới các cấp, các ngành, cộng đồng, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, chính xác;
- Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của toàn dân trên địa bàn tỉnh;
- Tiếp tục triển khai Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng gắn với thực hiện tiêu chí 3.2. "Đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng, chống thiên tai tại chỗ" trong chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Chú trọng việc tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn việc triển khai thực hiện và đánh giá tiêu chí đảm bảo thực chất, tránh hình thức;
6. Tập trung chỉ huy, ứng phó với các diễn biến thiên tai có thể xảy ra.
- Xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu và của toàn dân, toàn xã hội;
- Khi xuất hiện tình huống thiên tai phải chủ động thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung các nguồn lực, quyết liệt trong công tác chỉ huy, ứng phó, khắc phục hậu quả, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra;
- Tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm túc việc tuần tra canh gác đê trong mùa lũ theo cấp báo động, phát hiện kịp thời các sự cố công trình đê điều, thủy lợi để xử lý ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình;
- Thực hiện tốt công tác thống kê thiệt hại sau thiên tai và hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai theo quy định;