Chỉ thị 9/2005/CT-UB thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 09/2005/CT-UB |
Ngày ban hành | 07/04/2005 |
Ngày có hiệu lực | 17/04/2005 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Nguyễn Thành Tài |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2005/CT-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 04 năm 2005 |
CHỈ THỊ
VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG,CHỐNG TỘI PHẠM MUA BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM
Trong những năm qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số tổ chức đưa phụ nữ ra nước ngoài để bán dâm dưới hình thức đi du lịch, lao động ; lợi dụng một số phụ nữ mong muốn xuất ngoại bằng hình thức lấy chồng nước ngoài để gả bán, làm hồ sơ giả kết hôn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài trái pháp luật ; lợi dụng việc cho nhận con nuôi với người nước ngoài để mua bán trẻ em.
Trước tình hình trên, để triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 đến năm 2005 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các ngành, các cấp triển khai thực hiện một số Đề án công tác sau :
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em trong nhân dân dưới nhiều hình thức ; lồng ghép nội dung tuyên truyền vào phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng phường-xã lành mạnh không có tệ nạn xã hội ; hỗ trợ, tư vấn cho gia đình nạn nhân và phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán (đề án 1).
1.1- Giao Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai đề án trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ; phối hợp cùng các sở-ngành, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng và Ủy ban nhân dân các quận-huyện để thực hiện.
1.2- Mở rộng hoạt động tư vấn hôn nhân với người nước ngoài cho số phụ nữ từ các tỉnh bị dụ dỗ đưa về thành phố cho người nước ngoài tuyển chọn (do Công an thông báo và bố trí tiếp xúc trước khi bố trí cho nạn nhân trở về địa phương).
1.3- Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chỉ đạo Hội phụ nữ ở cơ sở đưa ra sinh hoạt phê phán trong Chi hội nơi cư trú các trường hợp cưỡng ép hôn nhân với người nước ngoài, giả mạo giấy tờ, môi giới hôn nhân trái phép bị xử lý theo thông báo của Công an. Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho số gia đình có phụ nữ trẻ gặp hoàn cảnh khó khăn để ngăn chặn tình trạng cưỡng ép hôn nhân với người nước ngoài.
2. Công an thành phố tổ chức điều tra, rà soát tình hình phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên từng phường-xã nhằm đánh giá đúng tình hình, xác định địa bàn, đối tượng trọng điểm để tiến hành đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em (đề án 2).
2.1- Công an thành phố chủ trì phối hợp cùng Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em, Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân các quận-huyện và đề nghị Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể cùng tham gia xây dựng và triển khai đề án.
2.2- Thực hiện chặt chẽ quy định không làm thủ tục cấp hộ chiếu thông qua các tổ chức dịch vụ và người môi giới ; tổ chức rà soát thống kê và đưa vào diện quản lý bằng nghiệp vụ đối với các phụ nữ dưới 30 tuổi không nghề nghiệp và thu nhập, nhiều lần xuất cảnh, du lịch đến các nước có nhiều tệ nạn nhằm ngăn chặn đi bán dâm ở nước ngoài.
2.3- Hướng dẫn thủ tục và bổ sung hoàn chỉnh giấy tờ hộ tịch để tiến hành đăng ký hộ khẩu tập thể cho trẻ em tại các Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em ; xác minh xử lý nghiêm các trường hợp nghi vấn đánh tráo hoặc hợp thức hóa đưa vào các Trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em để bán ra nước ngoài dưới dạng cho con nuôi hoặc đưa đi chữa bệnh, trên cơ sở định kỳ hàng quý kiểm tra hộ khẩu của Công an quận-huyện.
3. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ giáo dục, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị buôn bán (đề án 3).
3.1- Chủ trì và phối hợp cùng Công an thành phố, Sở Tư pháp, Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em, Ủy ban nhân dân quận-huyện và đề nghị Mặt trận, các đoàn thể tham gia xây dựng và triển khai thực hiện đề án. Trong quá trình xây dựng và triển khai đề án cần chú trọng kết hợp lồng ghép với đề án nâng cao hiệu quả giáo dục và giúp đỡ hội nhập cho phụ nữ lỡ lầm.
3.2- Chấn chỉnh hoạt động của Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình và Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp trong việc nhận con nuôi, đưa trẻ đi trị bệnh ở nước ngoài ; đề xuất quy trình tiếp nhận chờ xác minh, giải quyết phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về đến cửa khẩu thành phố Hồ Chí Minh.
4. Sở Tư pháp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện, triển khai các văn bản và quy phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em trên các lĩnh vực hình sự, hành chính, hôn nhân, cho nhận con nuôi, du lịch và xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh, xử lý vi phạm và tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân (đề án 4).
4.1- Chủ trì phối hợp cùng Công an thành phố, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội , Ủy ban Dân số-Gia đình và trẻ em, Sở Y tế tham gia xây dựng và triển khai thực hiện đề án.
4.2- Nghiên cứu đề xuất quy chế hành nghề dịch vụ môi giới kết hôn với người nước ngoài ; tổ chức triển khai các hướng dẫn của Bộ Tư pháp về yếu tố tự nguyện trong hôn nhân với người nước ngoài ; triển khai các quy định xử phạt về vi phạm hành chính về hôn nhân và gia đình cho cán bộ hộ tịch phường-xã. Nghiên cứu đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố quy định về điều kiện có tổ chức hoặc cá nhân giám hộ hợp pháp khi giải quyết cho trẻ em cư trú tại thành phố.
4.3- Phối hợp cùng Sở Y tế nghiên cứu đề xuất quy định cấm các cơ sở y tế xác nhận còn trinh tiết theo yêu cầu của cá nhân nếu không có lý do bệnh lý.
4.4- Nghiên cứu ban hành biểu mẫu và biên bản ghi nhận trẻ em bị bỏ rơi, xác định gia đình tạm thời không có khả năng nuôi dưỡng ; quy chế cụ thể về các trường hợp đưa trẻ em ra nước ngoài trị bệnh ; đề xuất Bộ Tư pháp giải quyết các trường hợp trẻ em đang điều trị tại nước ngoài nếu có người ở nước ngoài xin nhận con nuôi.
5. Tổ chức thực hiện :
5.1- Giao Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối, theo dõi Công an thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố xây dựng triển khai thực hiện các đề án của chương trình.
5.2- Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể thành phố phối hợp với các sở-ngành được phân công và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố thực hiện nội dung các đề án theo phân công để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội về công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.
5.3- Sở Văn hóa và Thông tin hướng dẫn các cơ quan truyền thông đưa tin, lên án các tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lợi dụng kinh doanh trên thân thể phụ nữ và trẻ em sau khi đã bị xử lý.
5.4- Giao Sở Tài chính phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Công an thành phố, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Tư pháp lập dự trù kinh phí từ ngân sách thành phố, tiếp nhận kinh phí do Ban chỉ đạo 130/CP của Chính phủ, đề xuất và phân bổ kinh phí để triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án.
5.5- Ủy ban nhân dân quận-huyện chỉ đạo Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy quận-huyện lồng ghép nội dung các đề án của chương trình vào kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ để thực hiện ở địa phương theo Quyết định số 333/QĐ-UB ngày 29 tháng 12 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm tại thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 – 2010.
5.6- Định kỳ 6 tháng, 1 năm, các sở-ngành được phân công, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ủy ban nhân dân các quận-huyện sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em về Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố (Công an thành phố).
Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và ma túy thành phố (Công an thành phố) chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em để báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban chỉ đạo 130/CP của Chính phủ theo đúng quy định./.
Nơi nhận : |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- Ban chỉ đạo 130/CP của Chính phủ |
KT. CHỦ TỊCH |