Chỉ thị 47/2004/CT-TTg về giải pháp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 47/2004/CT-TTg
Ngày ban hành 22/12/2004
Ngày có hiệu lực 22/12/2004
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 47/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO SỨC CẠNH TRANH CỦA CÁC SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP XUẤT KHẨU

Thực hiện kế hoạch 5 năm 2001 - 2005, hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Kim ngạch xuất khẩu luôn duy trì được đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng rất nhanh; xuất khẩu ngày càng đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP hàng năm, trong đó nổi bật của xuất khẩu những năm qua là sự đóng góp to lớn của các ngành sản xuất công nghiệp.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng IX đã đề ra, còn rất nhiều thách thức đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu của cả nước nói chung và xuất khẩu hàng công nghiệp nói riêng. Về xuất khẩu hàng công nghiệp, một số điểm yếu đã bộc lộ như tỷ trọng các sản phẩm đã qua chế biến, chế tạo còn thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực; giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm thấp; chủng loại mặt hàng chưa đa dạng, còn tập trung nhiều vào các mặt hàng bị giới hạn bởi hạn ngạch... Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh trên thị trường thế giới gay gắt hơn, khả năng cạnh tranh của hàng hoá đã trở thành một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp khi vươn ra thị trường ngoài nước. Trong khi đó, những lợi thế cạnh tranh của hàng công nghiệp Việt Nam dựa trên nguồn lao động rẻ, tài nguyên thiên nhiên sẵn có ... đang có xu hướng giảm nhanh. Do vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải nhanh chóng, tích cực tìm kiếm và đề ra các giải pháp, chính sách mới, phù hợp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp có khả năng hoặc tiềm năng xuất khẩu cao.

Để nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp có khả năng xuất khẩu cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là các tỉnh), các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp, các cơ quan có liên quan quán triệt những nội dung cơ bản và triển khai thực hiện những nhiệm vụ dưới đây:

1. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp xuất khẩu một cách toàn diện trên tất cả các mặt năng lực sản xuất, cơ cấu mặt hàng, giá cả, chất lượng, phương thức phân phối...

a) Bộ Công nghiệp:

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản phẩm công nghiệp. Khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu của những sản phẩm đang có lợi thế cạnh tranh như hàng may mặc, giày - dép, đồng thời tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn, có giá trị gia tăng cao như cơ khí chế tạo (xe máy, xe đạp, máy động lực, máy nông nghiệp, đóng và sửa chữa tàu thuyền...), thiết bị điện, điện tử - máy vi tính, phần mềm công nghệ thông tin, sản phẩm nhựa, sản phẩm gỗ, thực phẩm chế biến... để sớm hình thành các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, mũi nhọn mới. Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu hàng công nghiệp theo hướng gia tăng các sản phẩm chế biến, chế tạo, chú trọng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và tri thức cao. Phấn đấu nâng tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu đã qua chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ 50% hiện nay lên 70 - 75% vào năm 2010. Bên cạnh đó, cần quan tâm khai thác các mặt hàng sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động như chế biến nông - lâm - thủy sản, thủ công mỹ nghệ...

- Chỉ đạo các Tổng công ty, công ty, hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện chương trình cắt giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, phấn đấu sản phẩm công nghiệp Việt Nam có giá thành bằng hoặc thấp hơn các sản phẩm cùng loại trong khu vực.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xác định các sản phẩm công nghiệp có khả năng xuất khẩu cao trong từng thời kỳ, trên cơ sở đó chỉ đạo các Tổng công ty, công ty, hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của mình từ nay đến năm 2010 phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập của kinh tế thế giới và khu vực.

- Trên cơ sở chiến lược xuất khẩu đã xây dựng, chỉ đạo các Tổng công ty, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng các chương trình, dự án xuất khẩu có mục tiêu, trong đó xác định cụ thể sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh, thị trường, phương thức cạnh tranh. Các chương trình, dự án xuất khẩu có mục tiêu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đi vào hoạt động, xét thấy có hiệu quả sẽ được nhà nước hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi về đầu tư, tài chính, tín dụng, đất đai ...

- Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và các hệ thống quản lý như hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9000), hệ thống quản lý môi trường (ISO 14000)... trong sản xuất kinh doanh để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng uy tín, thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm Việt Nam. Tiến hành đánh giá trình độ khoa học công nghệ của các ngành công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp có khả năng xuất khẩu cao, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao mặt bằng trình độ công nghệ chung của ngành.

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách các doanh nghiệp nhà nước; tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có hiệu quả; đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, rà soát lại các cơ chế, chính sách hiện hành, kết hợp đề xuất các cơ chế, chính sách mới về khuyến khích đầu tư, sản xuất và xuất khẩu hàng hoá với trọng tâm là hàng công nghiệp, báo cáo Chính phủ trong quý I năm 2005.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ phát triển bố trí kế hoạch vốn tín dụng nhà nước cho các chương trình, dự án sản xuất và xuất khẩu hàng công nghiệp; bảo đảm cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu cũng được hưởng ưu đãi như các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công nghiệp và các Bộ, ngành có liên quan đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất hàng công nghiệp có khả năng xuất khẩu cao, đầu tư có áp dụng công nghệ hiện đại, lĩnh vực phân phối bán buôn và bán lẻ, nhằm từng bước gắn kết các doanh nghiệp trong nước vào các công đoạn sản xuất - kinh doanh - phân phối của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

c) Bộ Tài chính:

- Chủ trì nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo hiểm xuất khẩu và Đề án thành lập Ngân hàng Xuất nhập khẩu chuyên làm nhiệm vụ cung cấp tín dụng, bảo lãnh cho các hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có các sản phẩm công nghiệp có khả năng xuất khẩu cao để trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2005.

- Nghiên cứu trình Chính phủ cơ chế hình thành nguồn vốn hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, nguồn vốn hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và khoa học công nghệ.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Bưu chính, Viễn thông, Giao thông vận tải và các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát lại các loại phí, nghiên cứu, đẩy nhanh lộ trình giảm giá cước viễn thông, phí cảng biển, bến bãi... nhằm tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm để cuối năm 2004 xuống bằng mức của các nước trong khu vực.

- Nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, bỏ chế độ thu chênh lệch giá, tính giá tối thiểu đối với nguyên liệu đầu vào cho sản xuất mà trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa việc cải tiến quy trình, thủ tục hải quan, đơn giản hoá thủ tục thu thuế, hoàn thuế và kiểm tra hải quan. Tăng cường và chấn chỉnh công tác kiểm tra sau khi thực hiện các nghiệp vụ thuế và hải quan (hậu kiểm); tăng thêm mặt hàng xuất khẩu được miễn kiểm tra để rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan xuống ngang bằng với các nước trong khu vực.

d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

- Chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục thế chấp cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, được tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư, sản xuất, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; đặc biệt là đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn đối với các dự án, chương trình xuất khẩu có mục tiêu.

- Phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện và đa dạng hoá các dịch vụ tài chính ngân hàng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

đ) Bộ Bưu chính, Viễn thông:

- Xây dựng Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm điện tử - tin học và viễn thông, trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2005.

- Chủ trì chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong công tác xuất nhập khẩu.

[...]