Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 449-TTg năm 1977 về tổ chức thực hành tiết kiệm vật tư kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng và tiêu dùng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 449-TTg
Ngày ban hành 08/12/1977
Ngày có hiệu lực 23/12/1977
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 449-TTg

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1977 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM VẬT TƯ KỸ THUẬT TRONG SẢN XUẤT, XÂY DỰNG VÀ TIÊU DÙNG

Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của nước ta, nhu cầu về vật tư kỹ thuật ngày càng tăng; nhiều loại vật tư kỹ thuật quan trọng còn phải nhập khẩu, nhưng việc sử dụng vật tư hiện nay còn rất lãng phí: tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu phần nhiều vượt định mức; nhiều loại vật tư chưa có định mức sử dụng hợp lý; phế liệu, phế phẩm và sản phẩm cũ hỏng chưa được thu hồi tận dụng; công suất máy móc được sử dụng ở mức thấp, tình trạng mất cắp vật tư xảy ra khá phổ biến. Việc tiêu dùng vật tư trong sinh hoạt của các cơ quan Nhà nước và nhân dân cũng còn nhiều lãng phí.

Để bảo đảm thực hiện những mục tiêu về kinh tế mà Đại hội lần thứ IV của Đảng đã đề ra, một mặt chúng ta phải đẩy mạnh sản xuất vật tư trong nước và giải quyết tốt việc nhập khẩu vật tư; mặt khác, phải triệt để tiết kiệm vật tư trong sản xuất và tiêu dùng.

Vấn đề tiết kiệm vật tư – kỹ thuật trong sản xuất và đời sống là một chính sách lớn, một nguyên tắc quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa cần được quán triệt trong suốt cả quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt, trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm 1976-1980, vấn đề tiết kiệm càng hết sức bức thiết và là một biện pháp đang có nhiều tiềm năng cần khai thác để góp phần giải quyết tình trạng khó khăn, thiếu cân đối trên nhiều mặt của nền kinh tế hiện nay.

I. YÊU CẦU VÀ BIỆN PHÁP CHUNG VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

Vấn đề tiết kiệm vật tư kỹ thuật cần được đặt ra một cách toàn diện và triệt để, trong tất cả các ngành, các cấp, kể cả trong các lực lượng vũ trang, và phải thành một phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhằm thực hiện các yêu cầu chính dưới đây:

1. Giảm mức tiêu hao vật tư (cho một đơn vị sản phẩm) trong sản xuất và xây dựng, tăng tỷ lệ sử dụng thời gian và công suất thiết bị; trước mắt phải mau chóng trở lại định mức sử dụng vật tư và các chỉ tiêu sử dụng thiết bị đã đạt được trước chiến tranh (1964-1965) và phải phấn đấu đạt mức tiến bộ hơn trong những ngành, những đơn vị có điều kiện.

2. Đẩy mạnh sản xuất và tích cực sử dụng những thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu, vật liệu có thể chế tạo và khai thác trong nước; giảm bớt và tiến tới không nhập khẩu những vật tư, thiết bị, phụ tùng có thể sản xuất trong nước.

3. Triệt để thu hồi và tận dụng tất cả các loại phế liệu, phế phẩm có thể chế biến, phục hồi để sử dụng lại.

4. Hết sức tiết kiệm tiêu dùng vật tư trong đời sống và các hoạt động phi sản xuất, trước hết là tiết kiệm điện, xăng, dầu, xe ô-tô trong các cơ quan, đơn vị bộ đội và nhân dân thành thị.

Các biện pháp chung để thực hiện các yêu cầu về tiết kiệm nêu trên là:

- Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, cải tiết thiết kế sản phẩm, thiết kế công trình, áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương pháp gia công, cải tiến những máy móc lạc hậu, khi có điều kiện thay thế bằng những máy móc có năng suất cao hơn, nhằm nâng cao hệ số sử dụng vật tư, thiết bị và sử dụng được vật tư sản xuất trong nước thay cho vật tư nhập khẩu.

- Chấn chỉnh và cải tiến tổ chức quản lý sản xuất và xây dựng, đặc biệt là tổ chức quản lý vật tư kỹ thuật. Cấp bách những mắt là phải mau chóng xây dựng, bổ sung và cải tiến các định mức sử dụng thiết bị, vật tư, và tổ chức thực hiện tốt các định mức đó. Mức tiết kiệm vật tư, thu hồi phế liệu, phế phẩm và mức sản xuất, sử dụng vật tư trong nước thay thế vật tư nhập khẩu cần được xây dựng một cách tích cực và chặt chẽ từ dưới lên và được giao thành chỉ tiêu kế hoạch pháp lệnh. Đối với vật tư dùng trong sinh hoạt, phải có chế độ, tiêu chuẩn sử dụng chặt chẽ.

- Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân nắm vững kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất thiết bị, tiết kiệm vật tư, giảm tỷ lệ phế phẩm.

- Coi trọng công tác giáo dục tư tưởng, nêu cao ý thức tự lực, tự cường, phát huy tinh thần làm chủ tập thể của cán bộ, bộ đội và nhân dân, làm cho mọi người có ý thức tiết kiệm vật tư, tìm vật tư thay thế, thu nhặt các loại phế liệu, phế phẩm. Tiết kiệm vật tư trong sản xuất nhưng phải bảo đảm chất lượng sản phẩm, chất lượng công trình, không được làm dối, làm ẩu.

- Tổ chức tốt phong trào thi đua tiết kiệm vật tư trong các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, các tầng lớp nhân dân, có chương trình hành động thiết thực với mức phấn đấu cụ thể, có kiểm tra đôn đốc chặt chẽ; kịp thời biểu dương, khen thưởng những người tốt, việc tốt trong phong trào tiết kiệm vật tư; tích cực đấu tranh với những hiện tượng lãng phí bằng các biện pháp có hiệu lực, nghiêm trị những vụ ăn cắp vật tư của Nhà nước.

Căn cứ vào những yêu cầu và biện pháp chung nêu trên, các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phải đề ra mức phấn đấu và biện pháp cụ thể cho phù hợp, đưa ra thảo luận rộng rãi trong quần chúng và phải tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, có kiểm tra, sơ kết qua từng tháng và từng đợt thi đua.

II. MỘT SỐ YÊU CẦU TRƯỚC MẮT VÀ BIỆN PHÁP CỤ THỂ  VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM

Dưới đây là yêu cầu và biện pháp thực hiện tiết kiệm về một số mặt quan trọng nhất:

1. Giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trong sản xuất, xây dựng, vận tải.

Trong kế hoạch 5 năm 1976-1980 phải phấn đấu giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trong tất cả các lĩnh vực bình quân hàng năm từ 5-10% so với mức tiêu hao hiện nay, nhanh chóng trở lại bằng và thấp hơn mức tiêu hao vật tư năm 1964-1965.

Các ngành, các cấp cần chỉ đạo cụ thể các đơn vị cơ sở xây dựng, sửa đổi, bổ sung định mức tiết kiệm vật tư đối với từng loại sản phẩm, từng loại vật tư, như: sắt, thép, đồng, nhôm, xăng dầu, than, điện, gỗ, xi-măng, hóa chất, bông sợi, v.v…

Các ngành được Nhà nước phân công quản lý loại vật tư nào thì cần hướng dẫn cụ thể việc tiết kiệm loại vật tư do ngành mình quản lý.

2. Quản lý, sử dụng tốt máy móc.

Việc nâng cao mức sử dụng thiết bị máy móc cả về số lượng, thời gian, công suất đồng thời bảo đảm tuổi thọ của máy là một biện pháp tiết kiệm rất quan trọng. Tất cả các đơn vị kinh doanh và sử dụng thiết bị máy móc, kể cả các đơn vị không sản xuất, các đơn vị quân đội có sử dụng xe, máy đều phải soát lại và bổ sung chế độ bảo quản, sử dụng máy, tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh, kiểm tra thường xuyên, thưởng phạt nghiêm minh. Vấn đề bảo quản, bảo dưỡng không những phải làm tốt đối với máy móc đang sử dụng mà còn phải chú ý máy móc đang chờ lắp đặt, đặc biệt là các thiết bị nhập khẩu. Từ nay, mọi trường hợp để máy móc hư hỏng, mất mát cần phải quy rõ trách nhiệm và xử lý thích đáng.

Đối với các loại thiết bị như ô-tô vận tải, thiết bị thi công cơ giới, máy kéo, v.v… phải mau chóng đạt năng suất bằng và vượt mức năm 1964-1965.

Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và các ngành liên quan cần ban hành các điều lệ về quản lý kỹ thuật, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc chấp hành, nhanh chóng khắc phục tình hình buông lỏng quản lý kỹ thuật hiện nay.

[...]