Chỉ thị 44/2009/CT-UBND thực hiện nhiệm vụ, giải pháp để cơ bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 07/2007/NQ12 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 44/2009/CT-UBND
Ngày ban hành 09/07/2009
Ngày có hiệu lực 19/07/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Ngọc Phi
Lĩnh vực Bất động sản

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 44/2009/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 09 tháng 07 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP ĐỂ CƠ BẢN HOÀN THÀNH CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, LẬP HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 07/2007/NQ12 CỦA QUỐC HỘI

Ngày 04 tháng 12 năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Chỉ thị số 02/2008/CT-BTNMT về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính theo Nghị quyết số 07/2007/QH 12 của Quốc hội. Ngay sau khi có Chỉ thị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện; tuy nhiên, hiện nay việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (dưới đây gọi là Giấy chứng nhận) ở nhiều địa phương còn chậm, số lượng diện tích đất chưa cấp Giấy chứng nhận còn nhiều. Trong đó, đặc biệt là loại đất chuyên dùng còn 66% diện tích, đất nông nghiệp còn 36,3% diện tích. Mặt khác, hồ sơ địa chính ở nhiều nơi chưa được lập đầy đủ và không được cập nhật, chỉnh lý biến động kịp thời, đồng bộ ở các cấp.

Những hạn chế, tồn tại nói trên do các nguyên nhân chủ yếu: Nhận thức về công tác cấp Giấy chứng nhận, lập Hồ sơ địa chính của các cấp, ngành ở địa phương chưa đầy đủ, chưa có kế hoạch tổ chức và triển khai thực hiện cụ thể; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều công việc; tổ chức bộ máy Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện chậm được thành lập, kiện toàn; điều kiện về vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nhiều địa phương còn nghèo nàn, lạc hậu, đầu tư chưa thỏa đáng.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, phấn đấu cơ bản hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (đạt trên 90% diện tích cần cấp giấy) đối với tất cả các loại đất vào năm 2010 theo Chỉ thị 02/2008/CT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm thực hiện Nghị quyết số 07/2007/NQ 12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội và hoàn thành xây dựng hồ sơ địa chính phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm chỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện Nghị quyết số 07/2007/NQ12 của Quốc hội và Chỉ thị số 02/2008/CT-BTNMT về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ:

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp tích cực tuyên truyền các quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về công tác này;

b) Giúp UBND tỉnh chỉ đạo rà soát đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện ở địa phương để khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 07/2007/NQ12 của Quốc hội; xây dựng phương án đẩy nhanh tiến độ đo đạc bản đồ địa chính với phương châm hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh vào năm 2015. Đồng thời chỉ đạo áp dụng các công nghệ tiên tiến trong việc thành lập hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng chính quy, hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai trên địa bàn;

c) Thường xuyên đôn đốc và kịp thời hướng dẫn các địa phương trong quá trình thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính;

d) Phối hợp cùng UBND các huyện (thành, thị) tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lập, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở tất cả các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân cấp xã để bảo đảm nguyên tắc mọi thửa đất đã cấp giấy chứng nhận phải được thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở các cấp;

đ) Giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và lập hồ sơ địa chính ở các địa phương, đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại do lịch sử để lại;

e) Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính (còn gọi là hồ sơ địa chính dạng số) để sử dụng ở các cấp tỉnh, huyện thay thế cho việc lập hồ sơ địa chính trên giấy nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý đất đai và yêu cầu công khai hóa thông tin đất đai trong thị trường bất động sản hiện nay. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho các phường, thị trấn và các xã đồng bằng, trung du và đến năm 2020 sẽ hoàn thành cho các xã còn lại;

f) Đôn đốc và chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tập trung mọi nguồn lực lập bản đồ, trích đo và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ quan, các tổ chức đóng trên địa bàn tỉnh;

g) Có kế hoạch cụ thể để thực hiện việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cho toàn thể đội ngũ cán bộ chuyên môn về quản lý đất đai, đặc biệt là cán bộ địa chính cấp xã và nhân viên Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp để bảo đảm sự ổn định, tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay;

h) Chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp giúp UBND tỉnh tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên việc chấp hành các quy định của pháp luật đất đai trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở tất cả các cấp để phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời các sai phạm trong quá trình thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính có trách nhiệm: Căn cứ vào kế hoạch hàng năm để cân đối, bố trí đủ kinh phí (ngoài phần hỗ trợ của Trung ương) theo chỉ đạo của Chính phủ tại điểm b khoản 2 mục III của Nghị quyết số 02/2008/NQ-CP, nhất là trong 2 năm (2009 và 2010) nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2010 theo Nghị quyết số 07/2007/QH12 của Quốc hội.

3. Sở Nội vụ có trách nhiệm: Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện xong trước quý III năm 2009. Đề xuất với UBND tỉnh bố trí cho Văn phòng cấp huyện từ 3 - 4 viên chức trong năm 2009 để đảm bảo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện hoạt động hiệu quả.

4. Đài phát thanh và truyền hình Vĩnh phúc, Báo Vĩnh phúc, cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Phúc có trách nhiệm: phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên đưa tin về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính trên địa bàn tỉnh. Tăng cường các chương trình, chuyên mục phổ biến Luật Đất đai nói chung và các quy định về cấp Giấy chứng nhận, lập và hoàn thiện hồ sơ địa chính đến toàn thể nhân dân.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị có trách nhiệm:

a) Căn cứ Kế hoạch và Quyết định giao chỉ tiêu thực hiện của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch cụ thể của địa phương; xác định rõ khối lượng và mục tiêu hoàn thành từng năm đối với từng địa bàn cụ thể.

b) Thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện xong trước Quý III năm 2009. Địa phương nào đã thành lập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phải rà soát, kiện toàn bộ máy văn phòng, bố trí đủ nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đất đai.

c) Chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện, UBND cấp xã tập trung lực lượng chủ động đôn đốc và tổ chức cho tất cả các hộ gia đình và cá nhân đang sử dụng đất thực hiện việc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất mà không thụ động chờ họ đến làm thủ tục như hiện nay. Tăng cường phối hợp, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo UBND cấp xã trong việc xét duyệt cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo đảm việc xét duyệt được thực hiện kịp thời, dứt điểm, không để dây dưa kéo dài quá thời hạn quy định;

d) Rà soát các văn bản liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp quy định pháp luật và yêu cầu thực tế của địa phương;

đ) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn cấp Giấy chứng nhận; không được đặt thêm các yêu cầu, giấy tờ, phí và lệ phí ngoài quy định của pháp luật hiện hành;

e) Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường để đẩy nhanh tiến độ công tác đo đạc lập bản đồ địa chính; chỉnh lý biến động đất đai thường xuyên để thực hiện cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính ngay sau khi đo đạc bản đồ.

6. UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm:

a) Đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc đo vẽ xong bản đồ địa chính đến đâu phải thực hiện ngay việc cấp giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính đến đó.

Các xã đã có bản đồ địa chính mà chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa đáng kể cho việc cấp giấy chứng nhận thì phải tập trung phối hợp với Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện và đơn vị thực hiện công tác lập hồ sơ địa chính tiến hành rà soát, chỉnh lý biến động và thực hiện công tác kê khai để hoàn thành cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính trong năm 2009.

[...]