Chỉ thị 42/2006/CT-UBND về tăng cường các biện pháp phòng chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng trong mùa khô năm 2007 do Tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu | 42/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 15/12/2006 |
Ngày có hiệu lực | 25/12/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bình Dương |
Người ký | Trần Thị Kim Vân |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2006/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 15 tháng 12 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG HẠN, NHIỄM MẶN VÀ CHÁY RỪNG TRONG MÙA KHÔ NĂM 2007
Theo nhận định Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương sẽ xuất hiện hiện tượng Elnino, trên phạm vi cả nước nền nhiệt độ sẽ ở mức cao và tổng lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm. Tỉnh Bình Dương nhiệt độ cao nhất lên đến 370C ÷ 380C vào khoảng nửa cuối tháng 3 và tháng 4/2007; nguồn nước mặt và nước ngầm có khả năng bị suy giảm.
Để chủ động phòng chống hạn và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống hạn, nhiễm mặn và phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2007 như sau:
1. Thực hiện kiểm tra, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước hiện có của từng vùng, từng khu vực để bố trí cơ cấu sản xuất cây trồng cho phù hợp; tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt có biện pháp giải quyết nước sinh hoạt, chăn nuôi cho nhân dân các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về nguồn nước.
2. Đối với các vùng có công trình thủy lợi:
- Các hồ chứa nước: Tăng cường các biện pháp trữ nước, lập kế hoạch tưới cụ thể cho từng khu vực, phù hợp với từng loại cây trồng; tổ chức vận hành tưới phù hợp, đảm bảo đủ nước tưới phục vụ cho sản xuất.
- Các trạm bơm: Cần có kế hoạch nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để nâng cao hiệu quả phục vụ, giảm chi phí tưới nước (lượng điện năng, nhiên liệu tiêu thụ).
3. Các vùng tưới sử dụng nguồn nước triều:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH 1 thành viên Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương làm việc với Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng xả nước qua tràn với lưu lượng và thời điểm phù hợp để đẩy mặn trên sông Sài Gòn (vùng hạ du hồ), đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ven sông.
- Cần tuyên truyền, vận động nhân dân xuống giống vụ Đông xuân 2006-2007 sớm và đồng loạt, đề phòng nguồn nước sông có thể bị nhiễm mặn sớm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng giống cây trồng.
4. Các vùng đồi, gò cao: Cần khuyến cáo nhân dân chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn cây trồng chịu hạn, tổ chức tưới tiết kiệm. Đặc biệt đối với những vùng có khó khăn về nguồn nước và thường xảy ra hạn hán vào mùa hàng năm như khu vực: xã An Bình, An Linh, An Long, An Thái, Tân Long, Tam Lập (huyện Phú Giáo), xã Minh Hòa, Định An, Định Hiệp (huyện Dầu Tiếng), xã Hiếu Liêm, Đất Cuốc (huyện Tân Uyên), cần tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo người dân kịp thời điều chỉnh thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới; hạn chế gieo trồng các cây chịu hạn kém, dùng các biện pháp ủ rơm và lá cây xung quanh gốc để giữ ẩm cho cây.
5. Đối với vụ Hè Thu 2007: Các đơn vị, địa phương cần theo dõi, cập nhật tình hình khí tượng thủy văn kịp thời. Vì tình trạng khô hạn có thể kéo dài đến tháng 4,5 năm 2007, khi đó nguồn nước đã cạn kiệt, tình hình nhiễm mặn tại khu vực ven sông Sài Gòn, Đồng Nai cao. Do đó tùy theo tình hình thời tiết cần khuyến cáo nhân dân hạn chế xuống giống vụ Hè Thu sớm trước khi mùa mưa bắt đầu.
6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị, Công ty TNHH 1 thành viên Cấp thoát nước – Môi trường chủ động lập kế hoạch, phương án phòng chống hạn cụ thể cho từng vùng, từng công trình, tăng cường các biện pháp bổ sung nguồn nước sinh hoạt, sản xuất; tổ chức nạo vét, tu bổ hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng do đơn vị, địa phương quản lý. Tập trung máy bơm khai thác nước từ các sông, suối, giếng khoan, giếng đào…Hướng dẫn, tuyên truyền vận động người dân có ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm, chống rò rỉ làm thất thoát nguồn nước.
7. Chi cục Kiểm lâm tập trung chỉ đạo công tác phòng chống cháy rừng, tăng cường kiểm tra việc thực hiện các phương án của các đơn vị quản lý rừng và phương án phối hợp trong công tác chữa cháy rừng với các đơn vị, địa phương nơi có rừng. Bố trí cán bộ, nhân viên kiểm lâm thường xuyên tuần tra, trực phòng cháy chữa cháy rừng 24/24 giờ tại các nơi có rừng trong thời gian cao điểm. Tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng phòng chống cháy, chữa cháy rừng cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng, các đơn vị chủ rừng và tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương án đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Xử lý nghiêm các tổ chức, chủ rừng và cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.
8. Sở Văn hóa - Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài phát thanh - Truyền hình Bình Dương, Báo Bình Dương… thường xuyên đưa tin phản ánh về công tác phòng chống hạn, phòng chống cháy rừng, tình hình khắc phục hạn hán và thiếu nước sinh hoạt; thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân và các ngành, các cấp biết để chủ động trong việc phòng chống hạn, mặn, phòng chống cháy rừng.
9. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh củng cố, thành lập Ban Chỉ huy Phòng cháy và chữa cháy rừng theo Quyết định số 1282/QĐ-TTg ngày 29/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ; làm thường trực công tác phòng chống hạn năm 2007, có nhiệm vụ tổng hợp tham mưu và báo cáo kịp thời cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, đề xuất các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức thực hiện tốt các nội dung của Chỉ thị này và báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Chi cục Thủy lợi, để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh kịp thời chỉ đạo và báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN |