Chỉ thị 41-TTg năm 1964 về công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 41-TTg
Ngày ban hành 05/05/1964
Ngày có hiệu lực 20/05/1964
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Hùng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-TTg

Hà Nội,, ngày 05 tháng 05 năm 1964 

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC TÍN DỤNG VÀ TIỀN TỆ Ở NÔNG THÔN

Từ ngày hòa bình lập lại đến nay, công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn đã góp phần tích cực vào công cuộc khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, xóa bỏ về căn bản nạn cho vay nặng lãi, xây dựng quan hệ vay mượn mới ở nông thôn.

Tuy vậy, đối chiếu với phương hướng trong các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 và lần thứ 8 của Trung ương Đảng và so với yêu cầu của nhiệm vụ phát triển sản xuất, đẩy mạnh lưu thông, tăng cường quản lý kinh tế tài chính hện nay, công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn làm chưa tốt. Vốn cho vay chưa thật tập trung vào các mặt chính của sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Những chế độ và nguyên tắc tín dụng xã hội chủ nghĩa chưa được thực hiện đầy đủ, gây nên tư tưởng ỷ lại vào vốn của Nhà nước và làm lãng phí vốn trong các hợp tác xã. Công tác thu nợ còn rất yếu, nợ quá hạn ngày càng tăng, làm khó khăn cho việc tập trung vốn phục vụ tái sản xuất mở rộng. Công tác huy động vốn, quản lý quỹ xã và quỹ hợp tác xã cũng còn yếu; việc huy động và sử dụng vốn chưa thống nhất vào hệ thống tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, Kế hoạch tín dụng, tiền tệ chưa thực hiện đầy đủ. Các hình thức cho vay tự do lấy lãi vẫn còn trong nông dân và trong một số hợp tác xã sản xuất. Các hợp tác xã tín dụng (và quỹ tín dụng ở miền núi) nói chung chưa được củng cố, chưa thực sự làm cánh tay đắc lực của cơ quan Ngân hàng ở nông thôn.

Để bổ khuyết tình hình nói trên, căn cứ vào quyết định của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp thường vụ ngày 13-11-1963, Thủ tướng Chinh phủ chỉ thị một số điểm cơ bản dưới đây về công tác tín dụng và tiền tệ ở nông thôn, nhằm góp phần phát triển nhanh chóng lực lượng sản xuất, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở nông thôn, làm cho nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh cho việc thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà.

I. VỀ NGUỒN VỐN.

Tín dụng ở nông thôn có hai loại: tín dụng dài hạn và tín dụng ngắn hạn, do đó nguồn vốn cũng chia ra nguồn vốn tín dụng dài hạn và nguồn vốn tín dụng ngắn hạn.

Nguồn vốn dài hạn trong năm gồm có:

- Vốn do ngân sách Nhà nước cấp,

- Số nợ dài hạn thu hồi được.

- Một phần số dư vững chắc tăng thêm trong năm của vốn tích lũy, vốn khấu hao cơ bản của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp gửi ở cơ quan Ngân hàng.

Vốn tín dụng dài hạn dùng để bổ sung vốn cơ bản của hợp tác xã sản xuất nhằm tăng thêm tài sản cố định cần thiết cho việc thực hiện tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa.

Nguồn vốn tín dụng ngắn hạn gồm có:

- Số dư tiết kiệm và tiền gửi tư nhân ở nông thôn do Ngân hàng huy động tăng thêm trong năm,

- Số dư tiền gửi của các hợp tác xã và các cơ quan, đoàn thể ở xã, do cơ quan Ngân hàng quản lý,

- Số nợ ngắn hạn thu hồi được trong khu vực kinh tế hợp tác xã.

Vốn tín dụng ngắn hạn nhằm bổ sung cho vốn lưu động của các hợp tác xã sản xuất để dùng vào chi phí sản xuất: trồng trọt, chăn nuôi,chế biến sản phẩm nông nghiệp, làm nghề phụ … Cơ quan Ngân hàng có nhiệm vụ điều hòa nguồn vốn tín dụng ngắn hạn trong khu vực kinh tế hợp tác.

Vốn ở nông thôn phải được quản lý chặt chẽ theo mấy điểm sau đây:

1. Để thực hiện nguyên tắc tập trung tín dụng, chỉ cơ quan Ngân hàng và hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban hành chính các cấp và sự giúp đỡ của các tổ chức quần chúng, có trách nhiệm huy động và tập trung mọi nguồn tiền tạm thời chưa dùng đến trong nông dân, trong các tổ chức kinh tế, các cơ quan, đoàn thể ở xã để phân phối lại theo kế hoạch tín dụng thống nhất của Ngân hàng Nhà nước.

Các hợp tác xã nông nghiệp, dưới sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước có thể động viên để tăng thêm vốn của xã viên để tăng thêm vốn mở rộng sản xuất, như đầu tư dài hạn vào các công trình thủy lợi, khoanh vùng đắp bờ, xây dựng cơ sở chăn nuôi, chế biến nông sản… nhưng không được trả lãi cao hơn lãi xuất tiền gửi tiết kiệm của Ngân hàng và khi trả chỉ được trích một phần khấu hao, tích lũy, chứ không được lấy vốn của Ngân hàng và các quỹ khác của hợp tác xã để trả số nợ này. Cũng có thể dùng một số sản phẩm không hoặc chưa nằm trong diện thu mua của Nhà nước mà các hợp tác xã sản xuất ra được để trả nợ nếu được người cho vay đồng ý (thí dụ: gạch, ngói, vôi…), tuyệt đối không được dùng lương thực, thực phẩm và các loại nông sản chủ yếu… để trả nợ làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu mua của Nhà nước.

2. Các hợp tác xã nông nghiệp, nghề cá, nghề muối, thủ công nghiệp, hợp tác xã mua bán cần mở tài khoản và gửi các loại vốn cố định (quỹ tích lũy, khấu hao, cổ phần công hữu), vốn lưu động và các quỹ chuyên dùng khác vào cơ quan Ngân hàng hoặc hợp tác xã tín dụng được cơ quan Ngân hàng ủy nhiệm. Khi rút tiền ra để sử dụng, các hợp tác xã sản xuất nên phân biệt các loại vốn khác nhau để sử dụng cho đúng mục đích của nó.

Ủy ban hành chính các cấp, các tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, các hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng ủy nhiệm, có trách nhiệm kiểm tra và hướng dẫn, giúp đỡ về tài vụ cho các hợp tác xã nhằm sử dụng tốt các loại vốn tự có và vốn đi vay vào việc phát triển sản xuất là chính, tránh đầu tư vào những việc chưa cần thiết cho sản xuất, hết sức tranh chi tiêu lãng phí, triệt để chống lợi dụng, tham ô.

II. VỀ CHO VAY, THU NỢ

Cơ quan Ngân hàng và các hợp tác xã tín dụng cho vay vốn, cũng chư các tổ chức vay vốn đều phải thực hiện đầy đủ ba nguyên tắc cơ bản của tín dụng xã hội chủ nghĩa sau đây:

1. Vốn vay phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng ghi trong kế hoạch và chỉ được nhận tiền dần dần theo mức thực hiện kế hoạch.

2. Vốn vay phải được trả lại cả vốn và lãi đúng thời hạn quy định.

3. Vốn vay phải được bảo đảm bằng giá trị vật chất tương đương hoặc phải sử dụng vào việc tạo ra của cải vật chất thực sự.

Muốn được vay vốn, các hợp tác xã sản xuất phải có những điều kiện sau đây:

[...]