Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 41/1998/CT-TTg về việc tiếp tục tổ chức thực hiện các luật thuế mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 41/1998/CT-TTG
Ngày ban hành 17/12/1998
Ngày có hiệu lực 01/01/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/1998/CT-TTG

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC LUẬT THUẾ MỚI

Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới có hiệu lực thi hành từ đầu năm 1999, đây là bước quan trọng trong chương trình cải cách thuế bước 2 mà Chính phủ đang tiến hành nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển. Các luật thuế mới được triển khai thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới đang có nhiều biến động nên khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc ban đầu.

Việc chuẩn bị thực hiện các luật thuế mới được triển khai tích cực, đã soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật, cấp mã số cho đối tượng nộp thuế, củng cố bộ máy tổ chức thu, tuyên truyền các luật thuế mới... song, còn nhiều công việc cần phải tiếp tục tiến hành hết sức khẩn trương.

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu trên, đồng thời để thực hiện tốt Chỉ thị số 44/CT-TW ngày 04 tháng 11 năm 1998 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng và các luật thuế mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai gấp các việc sau đây:

1. Các Bộ, ngành, địa phương tiến hành ngay việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các luật thuế mới do một đồng chí lãnh đạo cơ quan Bộ, ngành, ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban, thành viên bao gồm đại diện các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc liên quan.

2. Ban Chỉ đạo triển khai các luật thuế mới của Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm:

a) Tổ chức nghiên cứu, quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của công cuộc cải cách bước hai hệ thống chính sách thuế; trọng tâm là nội dung của từng luật thuế mới cho cán bộ chủ chốt trong ngành và địa phương.

b) Tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu về mục đích, ý nghĩa và nội dung các luật thuế mới làm cho đối tượng nộp thuế hiểu và chấp hành tốt việc mở và ghi chép sổ sách kế toán, hạch toán kế toán các loại thuế mới, thực hiện nghiêm chỉnh việc sử dụng, ghi chép hóa đơn, chứng từ, đăng ký thuế; tự kê khai, tính thuế và nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước theo thông báo thuế.

c) Chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các luật thuế mới theo thẩm quyền. Trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo đề xuất biện pháp xử lý với Ban Chỉ đạo triển khai các luật thuế mới của Chính phủ.

d) Xây dựng và thực hiện các biện pháp ổn định giá cả, không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, hướng dẫn các doanh nghiệp trực thuộc tính toán lại giá thành, đảm bảo nộp đủ thuế mà không được tăng giá.

3. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm :

a) Tổ chức phổ biến, học tập cho cán bộ nhân viên quản lý doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa, nội dung các luật thuế mới để cán bộ quản lý thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của luật.

b) Tổ chức sắp xếp lại phương án sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản lý, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí đảm bảo thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của các luật thuế mới.

c) Kiện toàn bộ máy kế toán tài chính trong doanh nghiệp để thực hiện nghiêm chỉnh chế độ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán theo chế độ quy định.

d) Tự giác tính thuế, kê khai thuế và nộp thuế qua Kho bạc Nhà nước theo thông báo của cơ quan thuế các cấp.

đ) Rà soát lại chi phí, xác định lại giá bán hợp lý, tuyệt đối không được lợi dụng việc áp dụng thuế giá trị gia tăng để tăng giá, phải thực hiện đăng ký, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không để xảy ra đột biến về giá làm tác động xấu đến kinh tế - xã hội.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Tổ chức tập huấn các luật thuế mới cho cán bộ trong và ngoài ngành.

b) Kiện toàn tổ chức, sắp xếp lại bộ máy ngành thuế từ Trung ương đến địa phương nhằm nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm, phát huy vai trò quản lý nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ thu, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các luật thuế, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp gian lận, trốn thuế hoặc chống đối việc thực hiện các luật thuế mới.

c) Phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 26/1998/CT-TTg ngày 11 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật thuế.

d) Chuẩn bị điều kiện phục vụ cho việc quản lý thuế mới như in ấn hóa đơn bán hàng, cung cấp cho cơ sở kinh doanh, xây dựng quy trình quản lý thuế bằng máy vi tính, đào tạo cán bộ, trang bị máy tính cho các cơ quan thuế phục vụ việc quản lý thuế.

đ) Tập hợp và giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các luật thuế mới. Nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất biện pháp giải quyết, báo cáo Ban Chỉ đạo triển khai các luật thuế mới của Chính phủ.

5. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn cụ thể việc áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu; tổ chức tập huấn các luật thuế mới cho cán bộ trong ngành; sắp xếp lại bộ máy thu thuế phù hợp với việc quản lý các loại thuế mới.

b) Phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Bộ Công an và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiến hành các biện pháp chống buôn lậu có hiệu quả như tăng cường kiểm tra kiểm soát trên biển, biên giới đất liền, tiếp tục dán tem các mặt hàng nhập khẩu...

6. Ban Vật giá Chính phủ có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát lại chi phí, tính toán và xử lý giá bán hợp lý trên nguyên tắc:

[...]