Chỉ thị 38/CT-UBND năm 2020 về ngăn chặn, xử lý tình trạng xe quá trọng tải hoạt động trên các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Số hiệu | 38/CT-UBND |
Ngày ban hành | 21/10/2020 |
Ngày có hiệu lực | 21/10/2020 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nghệ An |
Người ký | Hoàng Nghĩa Hiếu |
Lĩnh vực | Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 38/CT-UBND |
Nghệ An, ngày 21 tháng 10 năm 2020 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NGĂN CHẶN, XỬ LÝ TÌNH TRẠNG XE QUÁ TRỌNG TẢI HOẠT ĐỘNG TRÊN CÁC TUYẾN ĐÊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện duy tu, tu bổ, xử lý những hư hỏng của đê điều, trong đó có việc sửa chữa, cải tạo, gia cố mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng xe quá trọng tải hoạt động trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An diễn ra phổ biến, đặc biệt là những đoạn đê qua các khu đô thị, khu tập trung dân cư, khu vực có vật liệu và bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê, cơ đê, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều, giao thông trên đê và công tác phòng, chống thiên tai.
Để tiếp tục thực hiện quy định của pháp luật về đê điều, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phân cấp đê và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê; Công văn số 4671/BNN-PCTT ngày 14/7/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đề nghị ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải đi trên đê, nhằm bảo đảm an toàn đê điều, thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan, tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô quá trọng tải hoạt động trên tuyến đê Tả Lam (đê cấp III). Tổ chức kiểm tra, rà soát và bổ sung lắp đặt biển báo quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới hoạt động trên tuyến đê Tả Lam.
- Theo dõi, tổng hợp tình hình vi phạm của xe quá trọng tải hoạt động trên các tuyến đê thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An; chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới hoạt động trên đê.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã liên quan chỉ đạo tổng rà soát, khảo sát thực tế tại các tuyến đê, phối hợp tham mưu bố trí kinh phí để xử lý, khắc phục những hư hỏng của đê do tình trạng xe quá tải đi trên đê hoặc do các yếu tố khác gây ra, bảo đảm an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác ứng cứu hộ đê trong mùa mưa lũ năm 2020 và các năm tiếp theo.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn tỉnh Nghệ An (văn bản quy phạm pháp luật).
- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo và để báo cáo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định.
2. Sở Giao thông vận tải
- Chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành các huyện, thành phố, thị xã tuần tra, kiểm soát, xử lý xe quá trọng tải hoạt động trên đê.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, rà soát và bổ sung lắp đặt biển báo quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới hoạt động trên các tuyến đê.
3. Công an tỉnh
Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp xe quá trọng tải hoạt động trên các tuyến đê.
4. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí đầu tư hàng năm để xử lý các hư hỏng của đê, đảm bảo an toàn đê điều và giao thông trên đê phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An
Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đê điều, quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới hoạt động trên đê; đưa tin những hành vi vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm và biểu dương các đơn vị, địa phương, cá nhân làm tốt trong công tác bảo vệ đê điều.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có liên quan
- Thành lập các Đoàn kiểm tra của UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra hoạt động giao thông trên các tuyến đê thuộc địa bàn quản lý, có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp xe quá trọng tải hoạt động trên các tuyến đê; phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải kiểm tra, rà soát và bổ sung lắp đặt biển báo quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới hoạt động trên các tuyến đê thuộc thẩm quyền quản lý. Kinh phí xây dựng đề nghị các huyện, thành phố, thị xã bố trí từ nguồn thu Quỹ phòng chống thiên tai trích lại cho địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác do địa phương quản lý.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm túc; định kỳ 6 tháng, cuối năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi, chỉ đạo./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |