Chỉ thị 38/2003/CT-BGDĐT về nhiệm vụ của toàn ngành trong năm học 2003-2004 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 38/2003/CT-BGDĐT
Ngày ban hành 04/08/2003
Ngày có hiệu lực 02/09/2003
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 38/2003/CT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ NHIỆM VỤ CỦA TOÀN NGÀNH TRONG NĂM HỌC 2003 - 2004

Năm học 2002 - 2003, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và Chương trình hành động thực hiện kết luận Hội nghị TW 6 (khoá IX), đặc biệt là về các mặt đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, cải tiến công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học, chuyên nghiệp, phát triển giáo dục mầm non, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành và nhiều hoạt động khác.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, giáo dục nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; còn có nhiều hạn chế, bất cập. Điều đó đòi hỏi toàn ngành phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đạt được các mục tiêu và yêu cầu đã được xác định trong Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 và Kết luận Hội nghị TW 6 (khoá IX); nhất là các yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; mở rộng quy mô gắn với điều chỉnh cơ cấu đào tạo, gắn đào tạo với sử dụng, thực hiện công bằng trong giáo dục.

Trước tình hình đó, trong năm học 2003 - 2004, toàn ngành giáo dục cần tập trung thực hiện thật tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục ở tất cả các bậc học, cấp học, ngành học.

Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 2, lớp 7; đưa việc giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 6 vào nền nếp; tiếp tục thí điểm ở các lớp tiểu học và trung học cơ sở còn lại; tiến hành thí điểm chương trình, sách giáo khoa trung học phổ thông phân ban và trung học phổ thông kỹ thuật ở lớp 10. Đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng biên soạn, thẩm định, chỉnh lý, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tích cực chuẩn bị các điều kiện về bồi dưỡng giáo viên, mua sắm thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở các lớp tiếp theo.

Đẩy mạnh việc xây dựng chương trình khung, biên soạn và xuất bản giáo trình ở đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; phấn đấu để tất cả các ngành đào tạo ở các trình độ đều sớm có đủ giáo trình và tài liệu dạy học bảo đảm yêu cầu liên thông và theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tiếp cận trình độ chung của thế giới.

Gắn việc đổi mới nội dung với đổi mới phương pháp trong giảng dạy, học tập. Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Bảo đảm các yêu cầu về thực hành, thực tập; kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giáo dục.

Cải tiến thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp; bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, chính xác, công bằng, giảm bớt căng thắng, tốn kém, đổi mới việc đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên.

Tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng, đạo đức cho học sinh, sinh viên, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 23-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề theo yêu cầu của Chỉ thị 33/2003/CT-BGD&ĐT. Tạo chuyển biến rõ rệt về giáo dục thể chất, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục quốc phòng, giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật. Coi trọng công tác y tế học đường; tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoại khoá; tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để học sinh, sinh viên phát triển toàn diện. Toàn ngành chuẩn bị và tiến hành việc tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng từ cơ sở đến toàn quốc.

2. Phát triển giáo dục mầm non; củng cố mạng lưới trường học, mở rộng quy mô hợp lý, thực hiện phổ cập giáo dục, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

Tiếp tục xây dựng và củng cố cơ sở giáo dục mầm non ở nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu xoá xã trắng về giáo dục mầm non. Chăm sóc, giáo dục toàn diện trẻ em trong trường, lớp mầm non. Tích cực chuẩn bị các điều kiện về thể chất, tâm lý và tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi trước khi vào học lớp 1 theo chương trình, sách giáo khoa mới. Thí điểm mô hình trường trung học phổ thông kỹ thuật. Củng cố các trường dân tộc nội trú tỉnh và trường dự bị đại học nhằm mục tiêu đào tạo cán bộ con em đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển trường phổ thông bán trú. Thực hiện nghiêm túc quy hoạch mạng lưới đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tạo điều kiện phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Củng cố, duy trì kết quả xoá mù chữ; đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; thực hiện phổ cập trình độ trung học (phổ thông hoặc chuyên nghiệp) phù hợp với nhu cầu và điều kiện địa phương. Hỗ trợ địa phương phát triển giáo dục ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thực hiện nghiêm túc chế độ cử tuyển, dự bị đại học và các chế độ, chính sách khác đối với học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, con em gia đình thuộc diện hưởng chính sách xã hội, con em gia đình nghèo.

3. Xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất chính trị và đạo đức, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hoá về trình độ đào tạo.

Triển khai thực hiện Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; coi trọng cả ba mặt: đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ, đánh giá và sàng lọc.

Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên, khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ, giảm dần sự khác biệt về sử dụng và đãi ngộ giữa giảng viên theo hợp đồng và giảng viên trong biên chế. Nâng dần tỷ lệ giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và có chức danh giáo sư, phó giáo sư ở đại học, cao đẳng. Tiến hành củng cố, kiện toàn đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Các trường, các khoa sư phạm phải bám sát thực tiễn đổi mới giáo dục phổ thông, nâng cao chất lượng đào tạo bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chủ trì công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông. Hai trường đại học sư phạm trọng điểm phải làm nòng cốt trong việc nghiên cứu khoa học giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu.

Cơ quan quản lý giáo dục phải đổi mới quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với sử dụng. Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm phải đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá, đồng bộ hoá, địa phương hoá đội ngũ giáo viên phổ thông; giao trách nhiệm và phân bổ chỉ tiêu đào tạo cụ thể cho các trường sư phạm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy các môn ngoại ngữ, giáo dục công dân, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, giáo dục quốc phòng, công nghệ và giáo viên làm nhiệm vụ giáo dục trẻ khuyết tật.

Phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Giáo dục Việt Nam thực hiện cuộc vận động "dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm", giúp đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục rèn luyện, trau dồi đạo đức nhà giáo, bản lĩnh sư phạm, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp về người thầy, làm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.

4. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá, hiện đại hoá.

Khẩn trương, nghiêm túc thực hiện Chương trình kiên cố hoá trường, lớp học, xoá bỏ tình trạng học ba ca trong năm 2003, hoàn thành việc thay thế phòng học tranh tre, phòng học tạm bằng phòng học kiên cố trong năm 2005; bảo đảm hiệu quả sử dựng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, kiên quyết ngăn chặn tình trạng lãng phí, tham ô; tổ chức tốt công tác kiểm tra, giám định và nghiệm thu, bảo đảm chất lượng công trình xây dựng.

Các địa phương cần sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp bổ sung, phần trích 6 - 10% kinh phí chi thường xuyên và các nguồn khác để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm và sách thư viện trường học, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, có chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy ở lớp 2, lớp 7. Làm tốt công tác xây dựng phòng học bộ môn. Thực hiện kết nối Internet cho các trường trung học phổ thông. Khuyến khích giáo viên sử dụng và tự làm đồ dùng dạy học.

Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp cần khai thác mọi nguồn vốn, tăng cường xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá; ưu tiên xây dựng phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thư viện điện tử, nối mạng máy tính, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục chuyên nghiệp.

Các cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa việc tranh thủ hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo; đặc biệt cần chú trọng hơn nữa việc nâng cao hiệu quả các dự án vốn vay, các dự án viện trợ song phương và đa phương trong việc xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Các đại học, trường đại học và địa phương được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng trung tâm giáo dục quốc phòng cần khẩn trương triển khai thực hiện, bảo đảm các yêu cầu về tiến độ và chất lượng.

5. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng để phát triển giáo dục và xây dựng xã hội học tập.

Thực hiện kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người; hoàn thiện mô hình và mở rộng mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng, phối hợp với Truyền hình Việt Nam xây dựng kênh truyền hình giáo dục, sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận với giáo dục, xây dựng phong trào học tập sôi nổi trong xã hội.

[...]
12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ