Chỉ thị 3500/CT-UBND năm 2016 thực hiện và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 3500/CT-UBND
Ngày ban hành 09/12/2016
Ngày có hiệu lực 09/12/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lâm Quang Thi
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3500/CT-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 12 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN VÀ QUẢN LÝ QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

Sau hơn 02 năm thực hiện Chỉ thị số 01/2014/CT-UBND ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tập trung xử lý những chồng lấn, xung đột giữa các loại quy hoạch để giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư, đất đai, góp phần kêu gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất cơ bản đảm bảo phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và công tác quản lý sử dụng đất dần đi vào nề nếp, đáp ứng được nhu cầu về đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch sử dụng đất còn bộc lộ những hạn chế, đó là công tác chấp hành quy hoạch chưa được coi trọng đúng mức dẫn đến tình trạng quy hoạch thiếu tập trung, dàn trải; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu đồng bộ, tính dự báo chưa cao nên một số quy hoạch bị phá vỡ, nhiều quy hoạch phải điều chỉnh sau một thời gian ngắn được phê duyệt; quy hoạch ngành vẫn còn chồng lấn, không nhất quán với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành còn mang tính chất định hướng chung, việc điều chỉnh còn tùy tiện dẫn đến khó theo dõi, quản lý quy hoạch, đặc biệt gây ảnh hưởng đến công tác tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư; quy hoạch xây dựng điều chỉnh còn nhiều, kể cả tại các dự án đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây ảnh hưởng các quyền của người sử dụng đất; thực tiễn nhiều địa bàn đã có quy hoạch khu, cụm công nghiệp sản xuất tập trung nhưng nhiều dự án vẫn được chấp thuận đầu tư nằm bên ngoài gây tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Trên tinh thần quy định của Luật Đất đai 2013 và Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020…,cần thiết khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và tăng cường công tác thực hiện, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện sau khi được duyệt là căn cứ để xem xét cho chủ trương đầu tư, thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

2. Trong các đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị bị điều chỉnh bởi các quy hoạch xây dựng khi xem xét cho chủ trương đầu tư mà các dự án không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được duyệt, đảm bảo các chỉ tiêu sử dụng đất, các tiêu chí về môi trường thì xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư trước, Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện vào kỳ quy hoạch gần nhất.

3. Tại địa bàn huyện, thị xã, thành phố đã hình thành khu, cụm công nghiệp thì việc chấp thuận đầu tư mới các dự án, cơ sở sản xuất tập trung phải bố trí trong khu, cụm công nghiệp. Trường hợp địa bàn có quy hoạch khu, cụm công nghiệp nhưng chưa triển khai thì khi xem xét chấp thuận đầu tư phải buộc chủ đầu tư tạo quỹ đất phù hợp với địa điểm quy hoạch khu, cụm công nghiệp.

Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế, Sở Công thương chịu trách nhiệm xác định vị trí quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Đối với các dạng dự án còn lại đầu tư nằm ngoài khu vực tại khoản 2, 3 nêu trên khi xem xét chấp thuận đầu tư nếu không phù hợp quy hoạch sử dụng đất nhưng các dự án này đầu tư vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không tác động xấu đến môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại thì xem xét chấp thuận đầu tư trước, Ủy ban nhân dân cấp huyện cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sau khi đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Sở Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến thẩm định, đánh giá tác động của dự án đến môi trường và sự phù hợp các chỉ tiêu sử dụng đất.

b) Sở chuyên ngành cho ý kiến về sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch ngành.

5. Quy hoạch bảo vệ môi trường có quy hoạch các khu vực hạn chế đầu tư thì phải tuân thủ theo quy hoạch, không xem xét chấp thuận đầu tư các dự án mới tại các khu vực này.

6. Các khu vực sạt lở, cảnh báo nguy cơ sạt lở thì không xem xét cho phép triển khai thực hiện các dự án đầu tư, ngoại trừ các dự án khắc phục sạt lở hoặc các dự án có mục tiêu khác nhưng kết hợp với việc khắc phục sạt lở.

7. Không xem xét chấp thuận đầu tư đối với các cơ sở, nhà máy sản xuất gạch thủ công, sử dụng công nghệ lạc hậu tại các khu vực đã xóa bỏ quy hoạch theo lộ trình của Ủy ban nhân dân tỉnh.

8. Giao Sở Giao thông Vận tải và Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát lập lại các quy hoạch hành lang an toàn giao thông đường bộ, hành lang an toàn sông, kênh, rạch và tiến hành công bố công khai theo quy định. Trên cơ sở đó, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành khi lập, điều chỉnh phải tuân thủ hành lang an toàn giao thông đã được công bố, tránh trường hợp dự án được chấp thuận đầu tư nhưng lại nằm trong hành lang an toàn giao thông, hành lang sông, kênh, rạch.

9. Đối với các dự án dân cư, thương mại đa mục đích đã có Quyết định giao đất để thực hiện dự án mà chủ đầu tư muốn điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất đã được duyệt thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị có liên quan thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Sau khi được chấp thuận điều chỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh Quyết định giao đất thực hiện dự án. Mọi phát sinh về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp của chủ đầu tư do điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sử dụng đất phải được xác định lại theo quy định pháp luật.

10. Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân cấp huyện xây dựng bộ bản đồ quy hoạch dùng chung trên nền bản đồ địa chính. Các ngành, các cấp căn cứ vào bộ bản đồ quy hoạch dùng chung để thẩm định mức độ phù hợp quy hoạch trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

Tất cả các quy hoạch ngành và quy hoạch xây dựng có ảnh hưởng đến việc sử dụng đất khi có điều chỉnh, bổ sung phải lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường về các chỉ tiêu sử dụng đất trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Quang Thi

 

 

 

4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ