Chỉ thị 35/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả viện trợ phi Chính phủ nước ngoài của thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 35/2011/CT-UBND
Ngày ban hành 22/11/2011
Ngày có hiệu lực 02/12/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/2011/CT-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Để việc tiếp nhận và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đúng quy định, đạt hiệu quả; đồng thời, tăng cường trách nhiệm và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan của Thành phố phù hợp với quy định của Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 07/2010/TT-BKH), Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện triển khai thực hiện nghiêm túc các vấn đề sau:

I. Về chuẩn bị, thẩm định và phê duyệt các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài

1. Về chuẩn bị tiếp nhận khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài:

Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài là các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, các tổ chức khác theo quy định tại Điều 1 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài ban hành kèm theo Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ (gọi tắt là Quy chế) được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, có nhiệm vụ:

Làm đầu mối phối hợp với các tổ chức trong nước và Bên tài trợ trong quá trình lập văn kiện chương trình, dự án, hồ sơ viện trợ phi dự án, đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng, nội dung của văn kiện chương trình, dự án và hồ sơ viện trợ phi dự án.

Lập kế hoạch, tổ chức huy động các nguồn lực thích hợp cho việc chuẩn bị chương trình, dự án và hồ sơ viện trợ phi dự án, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Trong trường hợp cần thiết, kiến nghị với cơ quan chủ quản về việc thành lập Ban chuẩn bị khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, dự thảo Quy chế tổ chức hoạt động của Ban và các văn bản cần thiết khác.

d) Đề xuất bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị và vốn đối ứng đối với các chương trình, dự án thuộc nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Đối với các chương trình, dự án không thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài tự cân đối và bố trí vốn chuẩn bị, vốn đối ứng theo quy định hiện hành.

Trường hợp nhà tài trợ cung cấp hỗ trợ tài chính để chuẩn bị chương trình, dự án, chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài có trách nhiệm đưa nguồn vốn chuẩn bị vào tổng vốn chung của khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

2. Về thẩm định:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định đối với chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài; Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị thành phố là cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ viện trợ phi dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

b) Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài lập 08 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Quy chế và Điểm c, Điểm d Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2010/TT-BKH gửi cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định.

c) Khi cần thiết, cơ quan chủ trì tổ chức việc thẩm định mời các cơ quan chuyên môn ở trung ương và thành phố, các tổ chức tư vấn và chuyên gia tư vấn độc lập để hỗ trợ thẩm định. Các cơ quan hữu quan tham gia thẩm định chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thẩm định chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài cũng như hồ sơ viện trợ phi dự án liên quan đến phạm vi trách nhiệm quản lý của mình.

d) Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, lập báo cáo thẩm định trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung văn kiện chương trình, dự án, hồ sơ viện trợ phi dự án. Báo cáo thẩm định phải kèm theo dự thảo quyết định phê duyệt nội dung chương trình, dự án, quyết định phê duyệt hồ sơ phi dự án.

đ) Khi tiếp nhận đối với các khoản viện trợ trang thiết bị, hàng hóa có kết cấu đơn giản đã qua sử dụng nhưng còn trên 80% giá trị sử dụng (chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục), các đơn vị tiếp nhận viện trợ phi Chính phủ nước ngoài phải trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị hồ sơ cho Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định hiện hành và đảm bảo việc tiếp nhận hàng hóa không thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu.

Quy trình thẩm định và thời hạn thẩm định thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 07/2010/TT-BKH.

3. Về phê duyệt:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài theo quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều 15 Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.

Sau 06 tháng kể từ ngày chương trình, dự án được phê duyệt, nếu chương trình, dự án vẫn chưa triển khai được hoạt động nào mà không có lý do chính đáng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét thu hồi quyết định phê duyệt chương trình, dự án.

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố gửi Quyết định phê duyệt khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố (bản gốc) kèm theo văn kiện chương trình, dự án, thỏa thuận viện trợ phi Chính phủ nước ngoài, hồ sơ viện trợ phi dự án có đóng dấu giáp lai cũng như các tài liệu liên quan khác cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ủy ban Công tác về các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài được phê duyệt.

Đối với các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (theo Điểm a Khoản 1 Điều 15 Quy chế), Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị hồ sơ để Ủy ban nhân dân thành phố gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định.

II. Về quản lý thực hiện các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài

1. Hình thức quản lý, thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi Chính phủ nước ngoài:

- Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện hoặc giao cho một đơn vị thuộc thẩm quyền làm chủ dự án trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật.

- Chủ khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện chương trình, dự án đầu tư.

[...]