Thứ 7, Ngày 02/11/2024

Chỉ thị 32/2008/CT-TTg thi hành Luật phòng, chống ma túy sửa đổi và Nghị quyết 16/2008/QH12 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 32/2008/CT-TTg
Ngày ban hành 11/11/2008
Ngày có hiệu lực 07/12/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 32/2008/CT-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2008/QH12 CỦA QUỐC HỘI

Ngày 3 tháng 6 năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết số 16/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 về việc giải quyết một số vấn đề sau khi Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm Đề án tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương hết hiệu lực thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.

Để tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết số 16/2008/QH12 ngày 3 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng; cai nghiện ma túy tập trung tại cơ sở cai nghiện; tổ chức quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, tại các cơ sở quản lý sau cai nghiện đối với người có nguy cơ tái nghiện cao; hỗ trợ người đã cai nghiện trở về tái hòa nhập cộng đồng, phòng, chống tái nghiện.

b) Chủ trì, xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về vấn đề tiêu chí xác định đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao, thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục đưa vào cơ sở quản lý sau cai nghiện, tổ chức và hoạt động của cơ sở sau cai nghiện, người cai nghiện được hưởng thành quả lao động tại cơ sở quản lý sau cai nghiện;

c) Thống kê, đánh giá tình hình cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện.

2. Bộ Công an:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành xây dựng Chiến lược phòng, chống ma túy đến năm 2015, tầm nhìn 2020 để trình Chính phủ phê duyệt;

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Quyết định 133/2002/QĐ-TTg ngày 9 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp giữa lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển và Đề án tổng thể kiểm soát ma túy qua biên giới đến năm 2010;

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy và cơ quan thường trực giúp Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trong việc kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, các cấp, các lực lượng tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và đấu tranh chống tội phạm ma túy ở khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới trên biển, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

4. Bộ Tư pháp

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống ma túy.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức việc rà soát, kiểm tra, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật không còn phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy và Nghị quyết số 16/2008/QH12 của Quốc hội nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Việc rà soát các văn bản pháp luật trên đây phải được hoàn thành trước ngày 01 tháng 01 năm 2009.

5. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan bố trí ngân sách, bảo đảm nguồn kinh phí thường xuyên cho việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;

b) Chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ phương tiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở các cửa khẩu, các địa điểm thông quan trong nội địa, tăng cường lực lượng và phương tiện để đấu tranh chống tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần qua biên giới.

6. Bộ Y tế:

a) Hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục xác định người nghiện ma túy và chỉ đạo các cơ sở y tế có trách nhiệm phối hợp xét nghiệm, xác định người nghiện ma túy và tham gia chữa trị, cai nghiện cho người nghiện ma túy;

b) Quy định việc nghiên cứu thuốc và phương pháp cai nghiện ma túy, cấp, thu hồi giấy phép lưu hành thuốc, phương pháp cai nghiện ma túy;

c) Kiểm soát chặt chẽ tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trong lĩnh vực y tế.

7. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát, bổ sung nội dung phòng, chống ma túy trong chương trình giáo dục chính khóa; chỉ đạo tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa về phòng, chống ma túy phù hợp với các cấp học và trình độ đào tạo; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý học sinh, sinh viên, giáo viên nghiện ma túy nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi nhà trường.

8. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban dân tộc và các cơ quan, tổ chức hữu quan tuyên truyền, giáo dục, tổ chức xóa bỏ cây có chứa chất ma túy; thực hiện chương trình trợ giúp chuyển hướng sản xuất có hiệu quả, ổn định đời sống nhân dân.

9. Bộ Công Thương kiểm soát xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, sản xuất, mua bán, sử dụng tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp theo quy định của pháp luật không để bọn tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép chất ma túy.

10. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đến nhân dân ở các vùng sâu, vùng xa và đối tượng có nguy cơ cao liên quan đến nghiện ma túy và tội phạm ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch.

11. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn, báo chí ở Trung ương và các địa phương tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy; biểu dương những gương điển hình trong phòng, chống tội phạm ma túy, cai nghiện ma túy, xóa bỏ việc trồng cây có chứa chất ma túy, v.v…, thành một  chương trình thường xuyên, liên tục với các hình thức cụ thể, thiết thực.

[...]