Chỉ thị 317/1999/CT-BGTVT về chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách đường bộ và tổ chức quản lý bến xe ôtô khách do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 317/1999/CT-BGTVT
Ngày ban hành 13/07/1999
Ngày có hiệu lực 28/07/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 317/1999/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 13 tháng 7 năm 1999

 

CHỈ THỊ

VỀ CHẤN CHỈNH HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI HÀNH KHÁCH ĐƯỜNG BỘ VÀ TỔ CHỨC QUẢN LÝ BẾN XE Ô TÔ KHÁCH

Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, một trong những thành tựu quan trọng của ngành giao thông vận tải là đã từng bước đáp ứng được yêu cầu vận tải hàng hoá của nền kinh tế quốc dân và yêu cầu đi lại của nhân dân. Hiện nay, yêu cầu đi lại của mọi người dân tại mọi nơi mọi lúc cơ bản được đáp ứng, tuỳ theo nhu cầu của hành khách, tuy chất lượng phục vụ có thể còn khác nhau.

Bên cạnh những thành tựu quan trọng đó, việc quản lý họat động vận tải hành khách cũng như tổ chức quản lý bến xe ô tô khách (bến xe) còn nhiều điều bất cập nên đã để xẩy ra các hiện tượng như xe chạy vòng vo, không vào bến đón trả khách, xe chở khách quá tải, khách bị chèn ép, "bán" dọc đường. Một số điểm trông giữ xe nhưng lại đón trả khách như bến xe, hình thành các "bến dù, bến cóc" hoạt động bất hợp pháp, gây bất bình trong dư luận và hành khách đi xe, phá vỡ trật tự vận tải, tạo tiền đề cho các hiện tượng tiêu cực khác. An tòan, an ninh trên một số xe khách không được bảo đảm do hiện tượng cờ bạc, đỏ đen, trộm cắp, thậm chí trên một vài tuyến còn có cả hoạt động phạm tội có sử dụng vũ khí, gây hoang mang dao động cho hành khách đi xe. Nhiều hoạt động tiêu cực đã bị xoá bỏ nhưng vẫn chưa đảm bảo ổn định tâm lý cho hành khách đi xe.

Nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách đi xe trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, lập lại trật tự kỷ cương vận tải hành khách, tuân theo pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, chủ xe kinh doanh có hiệu quả, ngày 24-3-1999 Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đã ban hành các Quyết định số 727/1999/QĐ-BGTVT về công bố danh mục đợt 1 tuyến vận tải hành khách liên tỉnh quốc gia hiện hành bằng phương tiện đường bộ, Quýêt định số 729/1999/QĐ-BGTVT ban hành quy chế về tổ chức quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng, Quyết định số 730/1999/QĐ-BGTVT ban hành quy chế về tổ chức quản lý bến xe ô tô khách và ngày 12-4-1999 ban hành Quyết định số 890/1999/QĐ-BGTVT về tiêu chuẩn xe khách liên tỉnh.

Để thực hiện tốt các văn bản đã ban hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hành khách đi xe và người kinh doanh vận tải hành khách, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Chỉ thị Cục trưởng cục Đường bộ Việt nam, Cục trưởng Cục Đăng kỉểm Việt nam, các Giám đốc sở Giao thông vận tải (GTCC) tổ chức thực hiện các công việc sau đây:

1- Cục Đường bộ Việt nam, Cục Đăng kiểm Việt nam chủ trì và phối hợp với các Sở giao thông vận tải (GTCC) chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đối với các doanh nghiệp vận tải, phương tiện và người điều khiển phương tiện, đặc biệt là lái xe khách. Thông qua việc cấp các loại giấy phép để nắm số lượng và chất lượng phương tiện, nắm vững thị trường vận tải, đề xuất chính sách điều tiết cung cầu. Yêu cầu chủ doanh nghiệp luôn luôn kiểm tra, giáo dục, nhắc nhở người điều khiển phương tiện ý thức chấp hành luật lệ giao thông (đặc biệt là không phóng nhanh, vượt ẩu, nhất là tại các đường dèo dốc, đường núi, đường đang xây dựng chưa đủ biển báo tín hiệu, đường mới xây dựng xong), không giao xe cho người không có giấy phép lái xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng không hợp lệ.

Kiểm tra giấy phép lái xe của người lái (kể cả người lái xe thay thế) và tư cách lái xe, thường xuyên nhắc nhở uốn nắn. Chủ doanh nghiệp phải có sổ theo dõi thời gian lái xe an toàn của từng người điều khiển để động viên, sử lý kịp thời.

Trên cơ sở luồng tuyến vận tải hành khách mà Bộ đã công bố, chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức thí điểm một số tuyến mẫu "vận tải hành khách chất lượng cao" trên một số tuyến hiện hành tiến tới mở rộng ra trên tất cả các tuyến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và góp phần lập lại trật tự vận tải.

2- Các Sở giao thông vận tải (GTCC):

- Nghiên cứu mạng lưới vận tải hành khách nội tỉnh thuộc địa phương, phối hợp với Sở giao thông vận tải (GTCC) có liên quan để thoả thuận và bố trí đủ số lượng phương tiện trên mỗi tuyến liền kề, không để cạnh tranh vô tổ chức, hạn chế dần và tiến tới chấm dứt việc xe chạy dù, chạy vòng vo đón khách trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định và tình trạng hạ giá cước, giảm chất lượng phục vụ.

- Chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với cảnh sát giao thông trật tự và chính quyền địa phương sử lý kiên quyết và dứt điểm tệ xe bán khách dọc đường, đón khách ngoài bến (ngoài các điểm được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã cho phép) thông qua việc sử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật kết hợp với việc đình chỉ, thu hồi giấy phép vận tải, giấy phép lái xe trong thời hạn 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm, trường hợp đặc biệt có thể tước giấy phép. Đối với xe của tỉnh bạn thì sau khi sử lý, thông báo và gửi hồ sơ cho Sở giao thông vận tải (GTCC) tỉnh bạn để có biện pháp xử lý tiếp.

Các xe ô tô vận tải hành khách theo phương thức hợp đồng thuê bao trọn gói không được cạnh tranh với xe hoạt động trên các tuyến cố định, chỉ được phép đón trả khách tại nơi đã hợp đồng theo văn bản hoặc nơi được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Nghiêm cấm các xe hợp đồng chạy vòng vo đón khách, chạy không có hợp đồng, hành trình cụ thể, lấy khách xung quanh khu vực bến xe hoặc lập hợp đồng ma, hợp đồng khống.

- Lập báo cáo hoặc phương án và giải pháp xử lý trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương về hiện trạng các bãi trông xe, giữ xe có đón trả khách -các "bến dù, bến cóc"- để tranh thủ ý kiến chỉ đạo. Đối với các bãi trông giữ xe phù hợp với nhu cầu đi lại, không vi phạm quy hoạch của thành phố, thị xã, bảo đảm cơ bản điều kiện về mặt bằng thì có thể đề nghị hợp pháp hoá theo trình tự thủ tục hiện hành. Công việc này cần tiến hành thận trọng, dựa trên cơ sở tính toán khoa học về quy luật, yêu cầu đi lại, không để phát triển các bến xe tràn lan, quá nhiều gây lãng phí. Những bãi xe tự hình thành trá hình, ngoài xử phạt hành chính còn phải xử lí như đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề trông giữ xe. Các điểm đón trả khách đã được phê duyệt cần được công bố công khai để chủ xe và nhân dân biết.

- Chỉ đạo việc huy động vốn cải tạo và nâng cấp xây dựng bến xe theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm dân chủ, công khai, có bước đi thích hợp, vững chắc. Đối với các bến chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, cần có kế hoạch sửa chữa, cải tạo, nâng cấp.

- Hoàn thiện tổ chức quản lý tại bến xe đối với những bến xe đã là doanh nghiệp theo hướng cải cách hành chính, giảm phiền hà cho lái xe, chủ phương tiện có xe hoạt động ra vào bến đón trả khách. Bảo đảm việc hiệp thương giữa các chủ xe cùng chạy trên tuyến, việc xếp nốt (tài chuyến), quay vòng nốt để giữ công bằng. Trước khi ký lệnh xuất bến phải kiểm tra việc xếp hành lý, hàng hoá, các điều kiện an toàn tối thiêủ. Các xe không vào bến cương quyết không cấp tiếp giấy phép vận tải lần sau.

- Đối với các bến xe chưa phải là doanh nghiệp, sở Giao thông vận tải (GTCC) cần tranh thủ thêm ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiến hành theo quy định hiện hành của pháp luật, đồng thời phải đảm bảo có sự quản lý của Nhà nước về giao thông vận tải tại bến, đối xử bình đẳng đối với xe ra vào bến của các thành phần kinh tế. Có thể cho phép doanh nghiệp vận tải lựa chọn bến xe đón trả khách, nếu phù hợp quy luật đi lại, hạn chế chồng chéo, quá tải của một vài bến. Chỉ cho phép thành lập các bến xe nằm trong quy hoạch (nếu không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch), có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Đối với các bến chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn cần có kế hoạch bổ sung, sửa chữa, cải tạo hoặc nâng cấp.

- Báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về những tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh thuộc địa phương còn mất trật tự, an ninh để tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp, công an, cảnh sát giao thông trật tự để phối hợp giải quyết các tệ nạn trên xe, hiện tượng chở quá tải gây mất an toàn cho xe, các lái xe "bán" khách dọc đường. Từng bước khắc phục tệ cò mồi, cửu vạn, chèo kéo khách tại bến và điểm dừng đón trả khách đã công bố, bảo đảm cho hành khách yên tâm đi lại. Trường hợp nghiêm trọng cần thu thập đầy đủ thông tin báo cáo với Bộ Công an để đề nghị giúp đỡ ngăn chặn và xử lý.

3- Hiệp hội vận tải ô tô có trách nhiệm phối hợp chỉ đạo các thành viên, hội viên thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, kể cả trong khâu kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các thành viên, hội viên đạt kết quả kinh doanh cao và nâng dần chất lượng phục vụ hành khách.

4- Bộ giao thông vận tải đề nghị Bộ công an, các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các Sở giao thông vận tải (GTCC), thanh tra giao thông, các doanh nghiệp vận tải và bến xe, bảo đảm việc thực hiện tốt các văn bản về quản lý ngành, hạn chế và đẩy lùi từng bước các hiện tượng tiêu cực. Phối hợp xử lý đúng, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

Yêu cầu các Cục trưởng cục Đường bộ Việt nam, Đăng kiểm Việt nam, các Giám đốc sở Giao thông vận tải (GTCC) khẩn trương tổ chức triển khai các công việc nêu trong Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, có khó khăn vướng mắc, đề nghị báo cáo kịp thờì về Bộ giao thông vận tải để nghiên cứu giải quyết.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ