Chỉ thị 30/2005/CT-UBND tăng cường công tác phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 30/2005/CT-UBND
Ngày ban hành 02/11/2005
Ngày có hiệu lực 12/11/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Phan Lâm Phương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2005/CT-UBND

Đồng Hới, ngày 02 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ CỦA DOANH NGHIỆP

Tài sản trí tuệ của doanh nghiệp là các đối tượng sở hữu trí tuệ, gồm: Các sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... Thông qua việc xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình phát triển sản xuất.

Thời gian qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm quản lý, điều chỉnh các quan hệ sở hữu trí tuệ trong nền kinh tế thị trường và đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế. Nhờ vậy công tác quản lý các đối tượng sở hữu trí tuệ ở tỉnh ta bước đầu đã có chuyển biến tích cực: Công tác tuyên truyền hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, công tác thanh tra xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ được thực hiện thường xuyên, góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ thương mại. Các tổ chức, cá nhân bước đầu đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nói riêng và xác lập quyền sở hữu trí tuệ nói chung.

Tuy vậy, công tác phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập như: Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ. Do đó, nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị mất hoặc bị chiếm đoạt. Tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ còn khá phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực lưu thông hàng hoá.

Để các hoạt động về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh có hiệu quả và thực sự là công cụ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh:

- Nâng cao nhận thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhằm chủ động xây dựng, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình.

- Xây dựng kế hoạch phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, thực hiện các biện pháp bảo hộ tài sản trí tuệ như: Đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... nhằm bảo vệ bền vững tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

2. Giám đốc các sở chuyên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho cán bộ quản lý sở hữu trí tuệ và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Rà soát, lập danh mục các đối tượng sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình để phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng và đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ, nhất là các sản phẩm truyền thống, đặc sản mang tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý của địa phương.

3. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm tổ chức quản lý và triển khai công tác sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh và khẩn trương tiến hành một số nhiệm vụ sau:

- Triển khai chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp theo quyết định số 68/2005/QĐ- CP ngày 04 tháng 04 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt là nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hoá, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống của Quảng Bình.

- Xây dựng và thường xuyên cập nhật thông tin vào hệ thống cơ sở dữ liệu sở hữu trí tuệ, tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin, tổ chức hướng dẫn khai thác thông tin, tập huấn kỹ năng tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, phục vụ yêu cầu quản lý và đảm bảo quyền thực thi sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, tổ chức giải quyết các tranh chấp về xâm phạm các quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thương mại và Du lịch, Cục Hải quan và các cơ quan có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và Sở Kế hoạch - Đầu tư đề xuất các chính sách tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư để theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện chỉ thị này, định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp tình hình báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

4. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Quảng Bình phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ trên các phương tiện thông tin đại chúng .

5. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc các doanh nghiệp triển khai thực hiện tốt chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Khoa học và Công nghệ) để xem xét, xử lý kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH& CN);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Giám đốc các doanh nghiệp;
- Báo QB, Đài PTTH QB (Để đưa tin);
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT + NN.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương