Chỉ thị 29/CT-UBND năm 2013 tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Số hiệu | 29/CT-UBND |
Ngày ban hành | 02/12/2013 |
Ngày có hiệu lực | 02/12/2013 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Đồng Nai |
Người ký | Nguyễn Thành Trí |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29/CT-UBND |
Đồng Nai, ngày 02 tháng 12 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI QUAN HỆ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, việc kết hôn với người nước ngoài là quyền nhân thân của mỗi công dân trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, hạnh phúc. Quyền kết hôn - quyền hiến định - quyền dân sự của công dân được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và bảo hộ trong những điều kiện nhất định. Điều 64 Hiến pháp năm 1992 quy định “…Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng…” và Điều 39 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn, việc tự do kết hôn giữa những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài mà chủ yếu là với người Đài Loan, Hàn Quốc tăng nhanh và ngày càng trở nên phức tạp. Phần lớn các quan hệ hôn nhân do mục đích kinh tế hoặc theo trào lưu, kết quả gia đình không hạnh phúc; phụ nữ Việt Nam trước khi ra nước ngoài sinh sống cùng chồng chưa được tư vấn đầy đủ để có những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nước sở tại; do đó, đã gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với cộng đồng và ổn định cuộc sống ở nước ngoài. Một số phụ nữ Việt Nam sau khi ra nước ngoài bị rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nhưng chưa được pháp luật nước sở tại bảo vệ kịp thời.
Thực trạng nêu trên xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài chưa được thực hiện tốt, việc xử lý những vi phạm, tiêu cực trong lĩnh vực này chưa nghiêm, chưa kịp thời.
Do đó, để tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg ngày 25/02/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phù hợp với quy định pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Tư pháp
a) Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tham mưu cho Hội đồng chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo Luật Hôn nhân và gia đình, Nghị định số 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và các quy định pháp luật liên quan; nâng cao nhận thức cho các cá nhân về hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng… góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
b) Tổ chức tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, phải tổ chức phỏng vấn trực tiếp tại Sở Tư pháp đối với hai bên nam, nữ để kiểm tra, xác định rõ nhân thân, sự tự nguyện kết hôn và mức độ hiểu biết của hai bên nam, nữ, báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; tiếp nhận, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài và giải quyết theo thẩm quyền.
c) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là UBND cấp xã) trong việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân Việt Nam cư trú trong nước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; chủ động kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin cần thiết của người yêu cầu cấp Giấy xác nhận theo quy định, có văn bản trả lời Ủy ban nhân dân cấp xã kèm trả hồ sơ; trường hợp từ chối giải quyết, Sở Tư pháp có văn bản giải thích lý do gửi UBND cấp xã để thông báo cho người yêu cầu.
d) Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai trong việc thành lập, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo đúng quy định.
đ) Rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến việc đăng ký kết hôn; công nhận việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài; đăng ký việc nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài; ghi vào sổ hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài; đăng ký hoạt động, cấp lại Giấy đăng ký hoạt động của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 24/2013/NĐ-CP trình Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung vào Bộ thủ tục hành chính.
e) Thống kê số liệu đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài đã giải quyết hàng tháng gửi Công an tỉnh Đồng Nai để phối hợp quản lý nhà nước về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
g) Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo quy định của pháp luật.
h) Thực hiện việc thống kê số liệu, báo cáo Bộ Tư pháp theo định kỳ 06 tháng và hàng năm về tình hình đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con; ghi vào sổ việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con theo quy định; tình hình thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở địa phương.
2. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa xác minh và thông báo kết quả đúng thời hạn theo yêu cầu của Sở Tư pháp trong hồ sơ đăng ký kết hôn; phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
3. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, trình UBND tỉnh ký và trả kết quả giải quyết hồ sơ cho Sở Tư pháp đúng hạn theo quy định tại Quyết định số 2198/QĐ-UBND ngày 15/7/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính về nuôi con nuôi, quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tuyên truyền về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong quan hệ hôn nhân và gia đình gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng gia đình văn hóa - xây dựng nông thôn mới.
5. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa chỉ đạo Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hôn nhân – gia đình và tổ chức thi hành Nghị định số 24/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09b/2013/TT-BTP ngày 20/5/2013 của Bộ Tư pháp về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch và Thông tư số 05/2012/TT-BTP ngày 23/5/2012 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08.a/2010/TT-BTP và những quy định của pháp luật;
b) Trước khi cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đối với các trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, phải thực hiện việc thẩm tra, xác minh; niêm yết việc nhận cha, mẹ, con theo quy định nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, báo cáo bằng văn bản các trường hợp khiếu nại, tố cáo, các trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình;
c) Ghi chú vào Sổ hộ tịch việc đăng ký kết hôn; nhận cha, mẹ, con; công nhận việc kết hôn; ghi vào sổ hộ tịch việc nhận cha, mẹ, con khi nhận được thông báo của Sở Tư pháp theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 24/2013/NĐ-CP.
6. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh theo quy định tại Chương V Nghị định số 24/2013/NĐ-CP, thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quan hệ hôn nhân – gia đình, góp phần lành mạnh hóa quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
7. Đề nghị Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Nai phối hợp với Sở Tư pháp trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài cho đoàn viên, thanh niên trong độ tuổi kết hôn.
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên theo dõi quá trình thực hiện, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp.
Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |