Chỉ thị 268-TTg năm 1997 về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994-1999 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 268-TTg |
Ngày ban hành | 26/04/1997 |
Ngày có hiệu lực | 11/05/1997 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 268-TTg |
Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 1997 |
CHỈ THỊ
VỀ CUỘC BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHOÁ X VÀ BẦU BỔ SUNG ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 1994 - 1999
Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 2 tháng 4 năm 1997 về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X. Chỉ thị của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh bầu cử Quốc hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn của nước ta, là nhiệm vụ trọng đại của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để nhân dân cả nước lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí và nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Vì vậy, cuộc bầu cử Quốc hội khoá X phải được tập trung chỉ đạo chặt chẽ của các cấp, các ngành để đạt kết quả thật tốt.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X, bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1994 - 1999 ở các địa phương mới chia và điều chỉnh địa giới hành chính vào chủ nhật, 20 tháng 7 năm 1997.
Để tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội khoá X và bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 1994 - 1999 ở các địa phương bảo đảm thực sự dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, tạo nên không khí ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X và bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994 - 1999. Cụ thể là phải làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, phổ biến Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân đề làm cho mọi công dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình; nắm vững những quy định, hướng dẫn của các cơ quan Nhà nước cấp trên về công tác bầu cử. Thông qua đó mà nâng cao ý thức làm chủ, tự giác tham gia của các tổ chức và công dân vào công tác bầu cử từ lúc chuẩn bị đến khi kết thúc.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đồng thời chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp dưới thực hiện tốt các bước chuẩn bị theo hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Trung ương. Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan của Đảng và Nhà nước cấp trên. Đặc biệt chú ý quán triệt về những tiêu chuẩn của Đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở tiêu chuẩn mà xác định cơ cấu thành phần đại biểu để Quốc hội thể hiện ý chí của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
Đồng thời với việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá X phải quan tâm chỉ đạo tốt việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân gắn với việc kiện toàn Uỷ ban nhân dân ở một số địa phương mới được chia và điều chỉnh địa giới hành chính.
3. Bộ trưởng và Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng của mình, chỉ đạo các tổ chức, các đơn vị, cán bộ nhân viên trong ngành tham gia tích cực và phục vụ tốt cho cuộc bầu cử như bảo đảm các phương tiện, điều kiện vật chất; có kế hoạch phòng chống bão lụt và tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hoá Thông tin và các ngành có liên quan có kế hoạch ngay từ bước đầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, chống các âm mưu, hành động lợi dụng bầu cử để gây rối; Bộ Giao thông vận tải, tổng cục Bưu điện, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình có kế hoạch bảo đảm về giao thông, liên lạc thông suốt, tuyên truyền kịp thời phục vụ cho quá trình chuẩn bị bầu cử và ngày bỏ phiếu.
4. Bộ trưởng - Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ có trách nhiệm lập kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện công tác tổ chức bầu cử theo Luật định; tổ chức việc phối hợp với Bộ Tài chính về lập kế hoạch và cấp kinh phí đã được duyệt kịp thời cho các địa phương; nắm tình hình chuẩn bị, tiến độ thực hiện công tác bầu cử ở địa phương trong cả nước và từ tháng 5 năm 1997, cứ 2 tuần một lần báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |