Chỉ thị 26/2009/CT-UBND về tăng cường công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng cuối vụ Xuân 2009 do tỉnh Vĩnh Phúc ban hành

Số hiệu 26/2009/CT-UBND
Ngày ban hành 28/04/2009
Ngày có hiệu lực 08/05/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Nguyễn Ngọc Phi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2009/CT-UBND

Vĩnh Yên, ngày 28 tháng 04 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG TRỪ SÂU, BỆNH HẠI CÂY TRỒNG CUỐI VỤ XUÂN 2009

Thời gian gần đây, sâu, bệnh hại cây trồng vụ Xuân năm 2009 đang có chiều hướng gia tăng cả về quy mô và mức độ gây hại. Một số đối tượng sâu, bệnh như: bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, sâu đục thân, chuột, ốc bươu vàng, đặc biệt là rầy nâu và rầy lưng trắng, … đã xuất hiện, gây hại nặng, cháy cục bộ một số diện tích lúa tại: Thị trấn Vĩnh Tường, xã Ngũ Kiên, Kim Xá …huyện Vĩnh Tường; Thị trấn Hương Canh huyện Bình Xuyên; xã Đinh Xá, thị trấn Yên Lạc huyện Yên Lạc; xã Đôn Nhân, Phương Khoan, Nhân Đạo…huyện Sông Lô; xã Đồng Tĩnh huyện Tam Dương. Toàn tỉnh đã có trên 7,5 nghìn ha cây trồng bị nhiễm sâu, bệnh hại, trong đó có khoảng 1 ngàn ha lúa bị rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại.

Thời gian tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, mưa, nắng xen kẽ; đồng thời, cây trồng trong giai đoạn mẫn cảm với sâu, bệnh hại; Vì vậy, từ nay đến cuối vụ Xuân năm 2009, sâu bệnh có khả năng phát sinh, gây hại rộng, mức hại nặng, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng. Nếu không được phòng trừ kịp thời có thể gây cháy trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng và chất lượng nông sản, công tác phòng trừ sâu bệnh từ nay đến cuối vụ ảnh hưởng có tính quyết định đến kết quả sản xuất nông nghiệp vụ Xuân năm 2009.

Để chủ động ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, bảo vệ an toàn cho sản xuất vụ Xuân năm 2009 trên địa bàn tỉnh, thực hiện Công điện số: 13/CĐ-BNN ngày 07-4-2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc tích cực phòng trừ bệnh đạo ôn và sâu bệnh hại lúa Đông Xuân 2008-2009 các tỉnh, thành phía Bắc; Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để nông dân nhận thức rõ về tác hại của sâu, bệnh đối với sản xuất; các biện pháp phát hiện, phòng trừ sâu, bệnh hại nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng; cũng như trách nhiệm của mình trong việc tham gia phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, bảo vệ sản xuất.

2. Phát động chiến dịch, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt việc phát hiện và phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ an toàn sản xuất vụ Xuân năm 2009 trong cao điểm từ nay đến cuối vụ. Kiên quyết không để sâu bệnh lây lan gây hại trên diện rộng.

3. Thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); Trước hết cần tập trung:

- Kiểm tra, nắm chắc tình hình sinh trưởng, phát triển của các trà lúa, diễn biến của sâu, bệnh hại lúa trên đồng ruộng, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, sâu đục thân 2 chấm, …; Xác định chính xác thời gian, địa điểm, diện tích lúa cần phòng trừ cụ thể đối với từng đối tượng sâu, bệnh hại để tổ chức phòng trừ đạt hiệu quả cao.

- Hướng dẫn nông dân cách phát hiện sâu, bệnh hại, phương pháp phòng trừ kịp thời, đạt hiệu quả cao:

+ Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng: Sử dụng thuốc đặc hiệu: Bassa, Nibas, Vibasa, Azora …trừ rầy ở những nơi có mật độ cao từ 3000 con/m2 trở lên; giữ mực nước trong ruộng 2-3cm khi phun thuốc. Những diện tích lúa chín sữa – chín sáp, khi phun thuốc cần rẽ băng 0,8-1m, phun vào phần thân và gốc cây lúa để thuốc tiếp xúc với rầy, tăng hiệu quả phòng trừ.

+ Đối với các loại sâu, bệnh khác, phun thuốc đặc hiệu khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đến ngưỡng phòng trừ. Không phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ảnh hưởng xấu đến ký sinh, thiên địch, môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

+ Những diện tích cây trồng sinh trưởng – phát triển kém, nhất là cây lúa, cần tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá có hàm lượng kali cao để giúp cây trồng sinh trưởng – phát triển tốt, trỗ thoát nhanh, tăng năng suất và chất lượng nông sản.

4. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém phẩm chất, thuốc ngoài danh mục và tăng giá bán thuốc, … để bảo vệ lợi ích người nông dân.

5. Tổ chức thực hiện.

a. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT tạm dừng các công việc khác, tập trung phân công lãnh đạo, bố trí lực lượng cán bộ kỹ thuật toàn ngành xuống trực tiếp địa bàn cơ sở cùng địa phương tổ chức dập dịch; Chịu trách nhiệm và chỉ đạo Chi cục BVTV tăng cường ngay việc thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, phát hiện kịp thời sâu, bệnh hại, đặc biệt các trọng điểm rầy nâu, rầy lưng trắng, có biện pháp phòng trừ ngay, theo phương châm cấp thuốc, pha thuốc tại bờ ruộng; phối hợp với địa phương xây dựng và thống nhất quy trình để tổ chức phòng trừ, chuẩn bị đầy đủ, kịp thời thuốc BVTV phục vụ tốt công tác dập dịch;

b. UBND các huyện, thành, thị tạm dừng các công việc khác, phân công lãnh đạo, chỉ đạo các ban ngành trong huyện trực tiếp xuống địa bàn cơ sở tập trung tổ chức chỉ đạo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, theo chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, xác định huy động nông dân là lực lượng chính, trực tiếp phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hại;

c. Đài PT&TH tỉnh, Báo Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, các địa phương xây dựng nội dung chuyên mục, tăng cường thời lượng thông tin, đăng tải, phát sóng liên tục hàng ngày để hướng dẫn nông dân nhận thức đầy đủ, biết cách kiểm tra phát hiện nhanh, quy trình phòng trừ sâu bệnh và tích cực tham gia thực hiện để bảo vệ được sản xuất, trước nguy cơ sâu bệnh gây hại; đồng thời kịp thời biểu dương khích lệ những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, phê bình những đối tượng thiếu tích cực trong thực hiện nhiệm vụ này;

6. Về kinh phí. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ công phun, thuốc trừ sâu, Bình phun, xăng dầu, Bảo hộ lao động cho người tham gia phun theo cơ chế dập dịch đối với phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng. Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng Sở tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất cụ thể ngay, trình UBND tỉnh quyết định. Phần còn lại căn cứ tình hình thực tế từng địa phương để chủ động tham gia.

7. Giao các thành viên UBND tỉnh, theo địa bàn được phân công phụ trách, tạm dừng các công việc chưa cấp bách, xuống địa phương, cơ sở kiểm tra tình hình, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng, bảo vệ sản xuất.

8. Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể theo chức năng nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp & PTNT, các địa phương tích cực tổ chức tham gia phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng vụ Xuân 2009 để bạo vệ sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

9. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện trong toàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh mỗi ngày 01 lần.

10. Các cấp, các ngành, địa phương có trách nhiệm quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị trên tới cơ sở và mọi người dân để tổ chức thực hiện có hiệu quả./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Phi

 

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ