Chỉ thị 24/CT-UB năm 1987 về tăng cường công tác xét giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 24/CT-UB
Ngày ban hành 01/07/1987
Ngày có hiệu lực 01/07/1987
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------

Số: 24/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 7 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÉT GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN

Ngày 27 tháng 11 năm 1981 Hội đồng Nhà nước đã ban hành pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại tố cáo của công dân. Ngày 29 tháng 3 năm 1982 Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định 58/HĐBT quy định việc thi hành Pháp lệnh ngày 27 tháng 11 năm 1981 của Hội đồng Nhà nước.

Hơn 5 năm thi hành Pháp lệnh và Nghị định nêu trên, các ngành, các cấp của thành phố có nhiều cố gắng, đã giải quyết được nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của công dân, phát hiện uốn nắn nhiều sai sót trong quản lý kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó cũng còn nhiều khuyết điểm cần được khắc phục: nhiều vụ khiếu tố để tồn đọng kéo dài quá lâu vi phạm thời gian quy định của Pháp lệnh; cùng một đơn khiếu nại, tố cáo gởi cho nhiều ngành, nhiều cấp, đơn được chuyển qua lại, lên xuống lòng vòng, nhưng không cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết đến nơi đến chốn…

Nhằm khắc phục các tồn tại thiếu sót nêu trên, để chấp hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả Pháp lệnh của Hội đồng Nhà nước và Nghị định của Hội đồng Bộ trưởng về xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân, xử lý đúng người, đúng việc, đúng thời hạn quy định, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; Ủy ban nhân dân thành phố quy định việc phân công trách nhiệm các ngành các cấp, các cơ quan, trong việc xét giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân tại thành phố Hồ Chí Minh như sau:

I.- TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CÁC KHIẾU NẠI TỐ CÁO CỦA CÔNG DÂN:

Nguyên tắc chung: Thủ trưởng các Sở, Ngành thành phố, các tổ chức quản lý cấp trên cơ sở, các đơn vị cơ sở, Ủy ban nhân dân các cấp, quận, huyện, phường, xã có trách nhiệm xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi đơn vị, ngành, cấp mình. Ủy ban nhân dân thành phố xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo mà thủ trưởng các cơ quan, sở ngành thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện đã giải quyết nhưng đương sự còn khiếu nại, tố cáo.

Phân công cụ thể:

1) Ủy ban nhân dân phường, xã thị trấn có trách nhiệm xét và giải quyết:

- Các đơn khiếu nại, tố cáo của tập thể hoặc cá nhân thuộc phạm vi trách nhiệm của chánh quyền phường, xã.

- Các khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân quận, huyện giao.

- Đôn đốc giúp đỡ Ban kiểm soát Hợp tác xã, tổ sản xuất hoặc tập đoàn sản xuất giải quyết những việc do xã viên, tổ viên khiếu nại trong nội bộ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, theo điều lệ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

- Xét giải quyết các khiếu nại đối với chủ nhiệm hoặc Ban quản trị hợp tác xã, các khiếu nại đối với tập đoàn trưởng hoặc Ban quản lý tập đoàn sản xuất.

- Xét giải quyết hòa giải các khiếu nại, xích mích tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân ở phường, xã.

2) Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm xét và giải quyết:

- Các khiếu nại hoặc tố cáo đối với thủ trưởng hoặc Ban lãnh đạo của các cơ quan đơn vị thuộc quyền quản lý như: các thành viên của Ủy ban nhân dân phường xã, thị trấn, các trưởng phó phòng chuyên môn thuộc Ủy ban, Giám đốc, Phó Giám đốc các Công ty xí nghiệp thuộc quận, huyện quản lý, Ban quản trị hoặc Ban kiểm soát hợp tác xã TTCN, vận tải mua bán thuộc quận huyện quản lý.

- Các tố cáo đối với Chủ nhiệm hoặc Ban quản trị hợp tác xã, tập đoàn trưởng hoặc Ban quản trị tập đoàn sản xuất do Ủy ban nhân dân phường, xã quản lý.

- Xét lại và giải quyết các khiếu nại tố cáo mà cấp phường, xã hoặc các đơn vị trực thuộc đã giải quyết nhưng đương sự không đồng ý, hoặc phát hiện có sai lầm.

- Các khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân thành phố giao.

3) Thủ trưởng các sở, ban, ngành chuyên môn và đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

- Các khiếu nại về việc thực hiện chính sách, chế độ chuyên môn do Nhà nước quy định cho ngành quản lý.

- Các khiếu nại, tố cáo cán bộ công nhân viên, các đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của sở ban ngành.

- Các khiếu nại, tố cáo do Ủy ban nhân dân thành phố giao hoặc Ủy ban thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân đã phát hiện là giải quyết không chính xác yêu cầu các cơ quan hưu quan xem xét, giải quyết lại.

4) Ủy ban nhân dân thành phố xét, giải quyết:

- Các khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý của ngành đã được Thủ trưởng các cơ quan, sở, ngành thành phố, hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện giải quyết, nhưng đượng sự còn khiếu nại, tố cáo, hoặc Ủy ban thanh tra thành phố phát hiện giải quyết không chính xác có kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết lại.

- Các khiếu nại, tố cáo đối với Thủ trưởng sở, ngành cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, hoặc đối với các thành viên Ủy ban nhân dân quận, huyện.

5) Cơ quan thanh tra các cấp các ngành ở thành phố có trách nhiệm: giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp và Thủ trưởng ngành mình xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong phạm vi ngành, cấp mình; trực tiếp xét giải quyết các khiếu nại tố cáo do Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng sở ngành giao; kiểm tra, kiến nghị Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Thủ trưởng sở ngành xem xét giải quyết lại các vụ khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan, đơn vị Ủy ban nhân dân cấp dưới giải quyết, nhưng phát hiện có sai lầm.

6) Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ sở phường, xã, đơn vị sản xuất, kinh doanh hành chánh, sự nghiệp tham gia ý kiến với Ủy ban nhân dân phường, xã hoặc với Thủ trưởng đơn vị cơ sở trong việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo, các kiến nghị của cán bộ công nhân viên chức trong phạm vị phường, xã và đơn vị cơ sở.

[...]