Chỉ thị 23/CT-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Số hiệu 23/CT-UBND
Ngày ban hành 19/09/2017
Ngày có hiệu lực 19/09/2017
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Lê Tuấn Quốc
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/CT-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 19 tháng 9 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Trong những năm qua, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ngày càng được coi trọng, cơ bản đã đi vào nề nếp. Đa số các công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước đã cơ bản tuân thủ các quy định của Nhà nước về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nhiều công trình được chủ đầu tư nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo tốt về chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, công năng sử dụng, phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt của cộng đồng xã hội và sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ở một số dự án trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại, hạn chế, phải xử lý kỹ thuật; nguyên nhân xảy ra ở các bước sau: Khảo sát, thiết kế, thẩm định, thi công; nghiệm thu và sử dụng công trình; một số chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng; một số chủ đầu tư chưa nhận thức đầy đủ và chưa quan tâm đúng mức đến công tác chất lượng công trình xây dựng; công tác quản lý chất lượng vật tư, vật liệu, sản phẩm chế tạo sẵn tại một số công trình chưa được quản lý chặt chẽ dẫn tới tình trạng sử dụng vật liệu xây dựng chưa đảm bảo chất lượng, không đúng chất lượng sản phẩm...; quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng chưa được tuân thủ nghiêm túc; công tác giám sát của chủ đầu tư, tư vấn giám sát chưa chặt chẽ, thiếu kinh nghiệm, chưa thường xuyên; việc lập các hồ sơ tài liệu về chất lượng, nhất là việc kiểm định, thí nghiệm còn buông lỏng; năng lực của chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công xây dựng còn hạn chế, chưa quan tâm củng cố, kiện toàn; công tác báo cáo về tình hình chất lượng và công tác quản lý chất lượng của các chủ đầu tư còn hình thức, chưa kịp thời, chưa đảm bảo theo quy định.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị

1. Về chấp hành các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng phải xác định chất lượng công trình xây dựng là uy tín, danh dự và trách nhiệm của mình đối với nhân dân; trên cơ sở đó xác định và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ được giao; triển khai đồng bộ các biện pháp, các quy định pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công trình xây dựng;

- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước bao gồm: Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/52015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng (Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015); Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng (Nghị định số 59/2015/NĐ-CP); Nghị định số 42/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Thông tư số 26/2016/TT-BXD ngày 26/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Thông tư số 18/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình và các quy định khác có liên quan về quản lý chất lượng, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong lĩnh vực xây dựng;

- Tăng cường công tác quản lý chất lượng nhất là quản lý chất lượng đầu vào như vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị xây dựng lắp đặt vào công trình và các thiết bị khác; tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật trong quá trình thi công xây dựng công trình. Tổ chức thực hiện công tác giám sát thi công xây dựng và giám sát tác giá một cách nghiêm túc, chặt chẽ, thường xuyên. Tổ chức lập đầy đủ các hồ sơ, tài liệu quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định; thực hiện báo cáo về chất lượng công trình nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời gian;

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành xây dựng; làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể đối với những vi phạm trong quản lý chất lượng công trình xây dựng; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý;

- Củng cố, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, các chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án chuyên ngành và khu vực. Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng phải có kế hoạch nâng cao năng lực hoạt động, nhất là đối với các tổ chức tư vấn và nhà thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh;

- Tăng cường sự giám sát của các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, cộng đồng dân cư, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

2. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng:

a) Sở Xây dựng:

- Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ đầu tư, các tổ chức và cá nhân có liên quan trong hoạt động về xây dựng trên địa bàn tỉnh;

- Lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ hằng năm, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư theo quy định đối với giai đoạn chuyển bước thi công và nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng;

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra điều kiện năng lực hoạt động của tổ chức, chứng chỉ hành nghề của cá nhân khi tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tổ chức xử lý những vi phạm hoặc kiến nghị xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng một cách kịp thời; thống kê, đăng tải trên trang thông tin điện tử các nhà thầu tư vấn, thi công xây dựng vi phạm chất lượng công trình; thu hồi hoặc kiến nghị thu hồi có thời hạn chứng chỉ năng lực hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của tổ chức, cá nhân có những vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm lặp đi lặp lại nhiều lần;

b) Các sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành:

- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, quản lý việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo chuyên ngành trên địa bàn tỉnh;

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra định kỳ hằng năm, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng công trình theo chuyên ngành;

- Tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với giai đoạn chuyển bước thi công và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo chuyên ngành.

- Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trong việc phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, kiểm soát các loại xe quá khổ, quá tải; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm chở quá khổ, quá tải luu thông trên các tuyến đường liên xã, liên huyện, tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn tỉnh để bảo vệ kết cấu, chống hư hỏng các công trình giao thông.

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh:

- Chịu trách nhiệm toàn diện về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng do mình quyết định đầu tư và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn quản lý;

- Thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình, chỉ đạo và tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu theo phân cấp, ủy quyền;

- Có trách nhiệm bố trí cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, kinh nghiệm chuyên môn phù hợp để thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Các chủ đầu tư xây dựng công trình:

Tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý dự án đầu tư xây dựng; lựa chọn hình thức quản lý dự án theo đúng quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ; không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm trong tổ chức quản lý thực hiện dự án; lựa chọn các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng có đủ điều kiện, năng lực phù hợp với quy mô, loại công trình để thực hiện dự án; tăng cường công tác kiểm tra hiện trường để theo dõi, kiểm soát tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh lao động; kiên quyết xử lý những nhà thầu vi phạm về tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh lao động theo quy định, giải quyết các tồn tại, vướng mắc và những kiến nghị của nhà thầu nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho nhà thầu thực hiện tốt các cam kết về tiến độ, chất lượng công trình xây dựng. Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công và nghiệm thu, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng; trong đó cần tập trung vào các nội dung chủ yếu sau đây:

[...]
14
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ