Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2016 về đẩy mạnh phát triển hợp tác xã theo Luật hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
Số hiệu | 22/CT-UBND |
Ngày ban hành | 13/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 13/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Khánh Hòa |
Người ký | Nguyễn Đắc Tài |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND |
Khánh Hòa, ngày 13 tháng 09 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC XÃ THEO LUẬT HỢP TÁC XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Trong thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các Sở, ngành và các huyện, thị xã, thành phố đã nỗ lực hỗ trợ, tham mưu ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để HTX phát triển; nhiều mô hình HTX mới đã hình thành, hoạt động có hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, công tác quản lý nhà nước về HTX còn bất cập, chưa theo kịp với nhu cầu đổi mới, đa số các HTX nông nghiệp hiện nay hoạt động kém hiệu quả, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa HTX với thành viên; vốn ít, lợi nhuận và doanh thu thấp.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã, Chỉ thị 2940/CT-BNN-KTHT ngày 13/4/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đẩy mạnh phát triển HTX theo Luật Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh yêu cầu các các Sở, ban, ngành UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai thực hiện những nội dung sau:
1. Quán triệt về sự cần thiết phát triển HTX và kinh tế hợp tác trong tất cả các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả để tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, người dân về vai trò, vị trí, tổ chức hoạt động của HTX.
2. Hiện nay công tác triển khai, hướng dẫn đăng ký lại cho các hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 còn chậm. Vì vậy, yêu cầu các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch cụ thể, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các HTX đăng ký lại đúng theo thời gian quy định của pháp luật hoặc chuyển sang các hình thức tổ chức hợp tác khác.
Chỉ đạo xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác đối với các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX không đủ điều kiện tổ chức, đăng ký lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
3. Xây dựng và phát triển các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với HTX và nông dân sản xuất theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng kinh tế nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, tổ chức sơ kết đánh giá hiệu quả rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, địa bàn để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học... cùng với HTX, nông dân tham gia xây dựng chuỗi giá trị sản xuất trong mô hình liên kết theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
4. Tăng cường công tác đào tạo, dạy nghề và bồi dưỡng cán bộ:
a) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ chủ chốt của HTX; đào tạo tập trung cho cán bộ trẻ có trình độ trung cấp trở lên nhằm củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ kế thừa cho HTX.
b) Phối hợp với các trường của Hệ thống Liên minh HTX và các trường cao đẳng, trung cấp nghề của tỉnh gửi cán bộ, thành viên hợp tác xã đi đào tạo các ngành nghề có nhu cầu từ thực tế của các HTX.
c) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cập nhật kiến thức chung cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, điều hành hợp tác xã.
5. Các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thông tin, phổ biến rộng rãi và triển khai hướng dẫn kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác và các chính sách khác có liên quan đến thành viên hợp tác xã trên địa bàn và ngành quản lý, nhằm giúp thành viên HTX nhanh chóng tiếp cận và thực hiện các chính sách có hiệu quả.
6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tập thể:
a) Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh cần phải xây dựng quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ từng thành viên Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể; bố trí đủ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.
b) Hàng năm Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức hội nghị đối thoại chính sách với các hợp tác xã và một số thành viên để có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp các HTX và thành viên thụ hưởng các chính sách được thuận lợi, tiếp tục tạo động lực thúc đẩy các hợp tác xã đổi mới và phát triển.
c) UBND huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng có cán bộ chuyên trách để giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế tập thể; ở các xã, phường, thị trấn bố trí 01 cán bộ kiêm nhiệm, phân công một Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách, theo dõi chỉ đạo hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn.
d) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật hợp tác xã ở các địa phương và các hợp tác xã nông nghiệp để có giải pháp khắc phục và xử lý kịp thời các vi phạm nhằm hướng các hoạt động của HTX thực hiện đúng quy định của pháp luật hiện hành.
đ) Các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác phù hợp thực tế hiện nay; quan tâm theo dõi, đánh giá và phân loại HTX để có phương pháp chỉ đạo cụ thể.
Nhận được Chỉ thị này, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các nội dung trên, định kỳ báo cáo kết quả về UBND tỉnh (thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư). Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh) thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị này báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh vào tháng 12 hàng năm./.
|
KT. CHỦ TỊCH |