Chỉ thị 22/CT-UBND năm 2024 tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các nhóm thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Số hiệu | 22/CT-UBND |
Ngày ban hành | 14/11/2024 |
Ngày có hiệu lực | 14/11/2024 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Trần Việt Trường |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/CT-UBND |
Cần Thơ, ngày 14 tháng 11 năm 2024 |
Thời gian gần đây, tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Trong 10 tháng đầu năm 2024, xảy ra 11 vụ, 131 đối tượng thanh, thiếu niên thực hiện hành vi sử dụng vũ khí, hung khí đánh nhau, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. So cùng kỳ năm 2023, tăng 08 vụ, 61 đối tượng. Lực lượng Công an đã điều tra làm rõ, khởi tố 06 vụ, 39 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 02 vụ, 14 đối tượng, các vụ còn lại đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Nguyên nhân chủ yếu do lứa tuổi thanh, thiếu niên chưa phát triển đầy đủ về nhân cách, đạo đức. Ở độ tuổi này, các em phát triển nhanh về thể chất, nhưng tâm sinh lý thường bất ổn, thiếu các kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc, nhận thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo, kích động tham gia vào những việc làm sai trái, có tính chất bộc phát, có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Do đó, bên cạnh công tác đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan các nhóm thanh, thiếu niên, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn với sự tham gia chủ động, tích cực của các sở, cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh kiềm chế tình trạng thanh, thiếu niên phạm tội, vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng phức tạp đến tình hình an ninh, trật tự; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu:
1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan các nhóm thanh, thiếu niên nói riêng, trọng tâm là: Kết luận số 13-KL/TW ngày 16 tháng 8 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01 tháng 12 năm 2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1472/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 506/KH-BCA-C02 ngày 15 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công an về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi (giai đoạn 2021 - 2025); Chương trình số 15/CTr-BCĐ ngày 28 tháng 12 năm 2022 của Ban Chỉ đạo Kế hoạch 506, Bộ Công an về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi năm 2023, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và Nhân dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm;
b) Tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các quy định của pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, khu vực dân cư, giúp cho các tầng lớp Nhân dân hiểu được tâm lý thanh, thiếu niên để chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tội phạm do người ở tuổi vị thành niên gây ra. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên cần tập trung vào đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao do tác động bởi hoàn cảnh như: Sống trong môi trường thiếu lành mạnh, bỏ học sớm, không có việc làm ổn định; gia đình có bố mẹ ly hôn hoặc bố mẹ đang chấp hành án phạt tù...;
c) Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nắm chắc tình hình, nâng cao chất lượng công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật ở các địa bàn, lĩnh vực, địa phương quản lý;
d) Chủ động phối hợp rà soát, lập danh sách quản lý tất cả các đối tượng thanh, thiếu niên có tiền án, tiền sự về hành vi giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép...; các đối tượng thanh, thiếu niên có hành vi gây rối an ninh, trật tự, có biểu hiện sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn. Vận động quần chúng Nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật để giải quyết kịp thời.
a) Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến băng nhóm thanh, thiếu niên trên địa bàn thành phố; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền vận động Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thanh, thiếu niên để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật;
b) Tăng cường nắm chắc diễn biến tình hình, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động của các đối tượng thanh, thiếu niên có tính chất côn đồ, không chịu học hành, tham gia tệ nạn xã hội tụ tập thành các băng nhóm sử dụng vũ khí, hung khí giải quyết mâu thuẫn, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng trên địa bàn, từ đó triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả với các loại tội phạm này; thực hiện việc phân công, phân cấp quản lý giữa Công an các cấp để quản lý các đối tượng, thực hiện các biện pháp để cảm hóa, giáo dục, kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng có dấu hiệu hoạt động phạm tội;
c) Rà soát, quản lý số đối tượng thanh, thiếu niên có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy; nắm tình hình các hội nhóm thanh, thiếu niên trên các ứng dụng mạng xã hội để phát hiện các trường hợp tụ tập, lôi kéo giải quyết mâu thuẫn, từ đó triển khai thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, các địa điểm vui chơi, giải trí như: Karaoke, bar, vũ trường..., kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật;
d) Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến các nhóm thanh, thiếu niên, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự trên các tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý “tội phạm đường phố”, đặc biệt là tình trạng thanh, thiếu niên “hỗn chiến”, tổ chức đua xe, cổ vũ đua xe trái phép;
đ) Thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, công tác điều tra, xử lý các hội, nhóm trên không gian mạng với phương châm thượng tôn pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, nhất là đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Đồng thời, trao đổi thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp về áp dụng biện pháp ngăn chặn, tội danh đối với các đối tượng có tính chất côn đồ, liều lĩnh, lộng hành, coi thường pháp luật, đảm bảo chặt chẽ yêu cầu chính trị, pháp luật, nghiệp vụ.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với cơ quan chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn thành phố về những hệ lụy của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến các nhóm thanh, thiếu niên; đưa tin, bài về kết quả phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng chức năng với các vụ án, vụ việc do các nhóm thanh, thiếu niên gây ra, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đời sống kinh tế Nhân dân còn nhiều khó khăn.
a) Phối hợp rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật do các đối tượng thanh, thiếu niên gây ra;
b) Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Triển khai các mô hình hay, sáng tạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với xu hướng hiện nay.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (karaoke, bar, vũ trường...) nhằm kịp thời phát hiện, phối hợp ngăn chặn các trường hợp thanh, thiếu niên tụ tập gây mất an ninh, trật tự; lồng ghép các buổi biểu diễn văn hóa, nghệ thuật với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho quần chúng Nhân dân, hướng đến đối tượng là thanh, thiếu niên.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo; các Trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố
a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, học viên, sinh viên, học sinh về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến các băng nhóm, đối tượng thanh, thiếu niên bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận, giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức, cảnh giác trước các hành vi lôi kéo tham gia hoạt động phạm tội; kịp thời tố giác tội phạm, hỗ trợ lực lượng chức năng trong đấu tranh với loại tội phạm này. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; nâng cao trách nhiệm trong việc định hướng lối sống, văn hóa, đạo đức cũng như ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với học sinh, sinh viên, tạo điều kiện để các em có ý thức chấp hành kỷ luật, hình thành thói quen ngay từ khi còn nhỏ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thầy, cô giáo trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh, sinh viên.
7. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu giúp người dân giảm nghèo nhanh, bền vững và thực hiện lồng ghép công tác giới thiệu, giải quyết việc làm cho người lao động gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.