Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 2195/CT-UBND năm 2018 thực hiện nhiệm vụ trọng tâm công tác giáo dục và đào tạo của năm học 2018-2019 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 2195/CT-UBND
Ngày ban hành 10/09/2018
Ngày có hiệu lực 20/09/2018
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2195/CT-UBND

An Giang, ngày 10 tháng 9 năm 2018

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2018 - 2019

Căn cứ Chỉ thị số 2919/CT-BGDĐT ngày 10/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018-2019 của ngành Giáo dục;

Trên cơ sở những kết quả quan trọng đã đạt được trong năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh An Giang, năm học 2018-2019, ngành GDĐT tỉnh An Giang tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII, Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tiếp tục tập trung tổ chức triển khai đạt hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành GDĐT theo nội dung Chương trình Hành động số 05/CTr-TU của Ban Chấp hành Tỉnh Đảng bộ; Kế hoạch hành động số 495/KH-UBND của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh An Giang thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2018-2019 như sau:

1. Ngành Giáo dục và Đào tạo

a) Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh

Tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tiếp tục điều chỉnh quy mô mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương, điều chỉnh biên chế lớp học một cách hợp lý để từng bước chủ động phòng học chuẩn bị cho việc dạy học theo chương trình phổ thông mới và dạy học bán trú ở giáo dục mầm non nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục; chú trọng phát triển trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất.

b) Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; thực hiện đúng quy chế làm việc và văn hóa công sở.

- Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu giáo viên các cấp học theo quy định, phù hợp với việc rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý hệ thống, quy mô trường, lớp, đảm bảo chất lượng giáo dục.

- Thực hiện các nội dung của Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục: Triển khai việc bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy lớp 1. Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức Đoàn, Đội trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện học sinh. Tăng cường tự chủ cho cơ sở và tạo sự công bằng trong đào tạo, bồi dưỡng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập.

- Tiếp tục triển khai công tác bồi dưỡng về trình độ chính trị, năng lực quản lý, nghiệp vụ sư phạm, khả năng sử dụng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giảng dạy cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra ngày càng cao trong tình hình mới.

- Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị trong các cơ sở GDĐT. Thực hiện đánh giá, phân loại, bổ nhiệm ngạch chức danh nghề nghiệp, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý giáo dục theo tiêu chuẩn chức danh; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật, đạo đức lối sống đối với cán bộ quản lý giáo dục.

c) Đổi mới giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông

- Đảm bảo các điều kiện thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, triển khai các mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tiếp tục thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên ở các nhóm lớp mầm non độc lập tư thục.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện. Chú trọng chuyển dạy học từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất học sinh, đặc biệt tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống. Lấy nội dung đổi mới phương pháp dạy và học làm động lực chủ yếu, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành cho học sinh.

- Tăng cường giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, văn hóa ứng xử trong nhà trường; thực hiện tốt hoạt động chào cờ, hát quốc ca trong các cơ sở giáo dục; chú trọng giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; bố trí học sinh trực tiếp tham gia hoạt động vệ sinh và ý thức bảo quản nhà vệ sinh, đảm bảo trường lớp sạch, đẹp; củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả, đổi mới công tác y tế trường học, bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho học sinh.

- Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ; đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

- Củng cố, nâng cao kết quả công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, nhất là phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tăng tỷ lệ học sinh đi học so dân số độ tuổi. Ngành GDĐT chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học theo Chỉ thị số 30- CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 15/KH-UBND của UBND tỉnh; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU về công tác chống bỏ học, đánh giá kết quả thực hiện qua từng giai đoạn, định hướng tham mưu văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình hiện nay.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đáp ứng mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin rộng rãi về sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, đưa hoạt động tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề cho học sinh vào thực chất; tham mưu xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ giáo viên và chương trình hướng nghiệp trong trường phổ thông gắn với điều kiện kinh tế xã hội và đặc trưng cơ cấu ngành nghề của địa phương.

d) Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của châu Âu đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình tiếng Anh 10 năm đối với giáo dục phổ thông và triển khai chương trình học ngoại ngữ trong cộng đồng tại các cơ sở giáo dục nhằm triển khai có hiệu quả Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên dạy các môn học khác bằng ngoại ngữ; tăng cường quản lý nâng cao chất lượng dạy học của các trung tâm ngoại ngữ.

- Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh. Xây dựng các định dạng đề thi, kiểm tra, đánh giá theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

- Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ dạy và học ngoại ngữ trực tuyến cho các cấp học và các trang thiết bị tối thiểu để triển khai hoạt động dạy và học ngoại ngữ đáp ứng mục tiêu đào tạo chung.

e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục

- Từng bước thực hiện tin học hóa công tác quản lý ở các cấp quản lý giáo dục và ở các cơ sở giáo dục. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường mạng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 (theo Quyết định số 117/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ).

[...]