Chỉ thị 216/CT-BCĐ năm 1994 về tiếp tục triển khai đề án thí điểm thành lập Quỹ tín dụng nhân dân do Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 216/CT-BCĐ
Ngày ban hành 22/09/1994
Ngày có hiệu lực 22/09/1994
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Cao Sĩ Kiêm
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 216/CT-BCĐ

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM THÀNH LẬP QŨY TÍN DỤNG NHÂN DÂN.

Sau một năm triển khai thực hiện Quyết định số 390-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập Qũy tín dụng nhân dân, đến cuối tháng 8/1994, 14 tỉnh làm điểm đã xây dựng được 153 Qũy tín dụng nhân dân với 33.583 thành viên, tổng nguồn vốn hoạt động là 61.662 triệu đồng. Trong đó: vốn điều lệ là 9.483 triệu đồng, đã huy động vốn tiền gửi tại chỗ trên 37.844 triệu đồng; trên 28 ngàn lượt hộ nông dân đã được vay vốn Qũy tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh, với tổng số vốn dư nợ là 50.349 triệu đồng. Kết qủa bước đầu trên đây khẳng định chủ trương thí điểm mô hình Qũy tín dụng nhân dân là 1 hướng đúng, có điều kiện phát triển, cần được tiếp tục chỉ đạo, kịp thời rút kinh nghiệm để phát huy hơn nữa kết qủa thí điểm, bảo đảm các yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, trong việc chỉ đạo thí điểm cũng như hoạt động của các QTD còn nổi lên những vấn đề cần chú ý:

a) ở 1 số tỉnh mới triển khai thí điểm ở 3,4,5 qũy, so với mức đầu thí điểm là dưới 10 qũy; số Qũy làm điểm ở các xã ven đô, ven thị chiếm tỷ trọng chưa cao chưa đại diện cho các vùng tại địa phương.

b) Công tác tuyên truyền, chưa được chú trọng thường xuyên, sâu rộng, hạn chế việc phát triển thành viên, nhất là làm cho các hộ có nhận thức đúng và tin tưởng đối với Qũy tín dụng.

c) Hoạt động của một số Qũy còn nặng về kinh doanh, coi nhẹ tính tương trợ; chưa tính toán chặt chẽ huy động vốn và sử dụng vốn, còn để đọng vốn, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của qũy.

d) Công tác kiểm tra, giám sát hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước chưa được chủ động đúng mức, một số sai phạm trong hoạt động của Qũy tín dụng chưa được phát hiện, uốn nắn kịp thời.

Để khắc phục những tồn tại nói trên, phát huy hơn nữa hiệu qủa hoạt động của mô hình Qũy tín dụng nhân dân và quán triệt sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai đề án thí điểm thành lập Qũy tín dụng nhân dân (tại thông báo số 112-TB ngày 31-8-1994 của Văn phòng Chính phủ) và để khẳng định sự thành công của Đề án thí điểm thành lập Qũy tín dụng nhân dân; chuẩn bị cho bước phát triển mở rộng dân mô hình Qũy tín dụng nhân dân ở nông thôn từ đầu năm 1995; Ban chỉ đạo trung ương lưu ý các địa phương những công việc cần được triển khai thực hiện tiếp một số chủ trương, biện pháp sau đây:

1/ Tại 14 tỉnh đã làm điểm.

1.1 Ban chỉ đạo tỉnh phải đánh giá kết qủa triển khai tại địa phương, so với đề án, những mặt đã đạt được, những mặt còn phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện và báo cáo thường trực tỉnh ủy và ủy ban nhân dân cho mở tiếp tục mở rộng thêm các điểm thí điểm ở những địa bàn có yêu cầu của quần chúng và có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thành lập Qũy tín dụng nhân dân; nhất là những tỉnh có cơ sở qũy thí điểm dưới 10 đơn vị. Các tỉnh khác, xét yêu cầu và điều kiện cụ thể đăng ký thêm. Từng tỉnh lập kế hoạch phát triển thêm diện tích thí điểm đến cuối năm 1994 và dự kiến kế hoạch mở rộng năm 1995 của báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương xem xét quyết định.

1.2 Hướng dẫn giúp đỡ các Qũy tín dụng đã hoạt động bảo đảm an toàn, phát triển vững chắc; tăng trưởng nhanh về số lượng thành viên gia nhập Qũy tín dụng bao gồm cả thể nhân và pháp nhân chú trọng khai thác huy động các nguồn vốn tại chỗ đáp ứng nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất của thành viên; tổ chức một đợt kiểm tra toàn diện tất cả các Qũy tín dụng nhằm phát hiện và uốn nắn kịp thời.

1.3 Đối với những nơi có đủ điều kiện để phát triển lập thêm Qũy tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức hướng dẫn các huyện lựa chọn các cơ sở xin tự nguyện thành lập Qũy tín dụng có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có tiềm năng sản xuất hàng hóa. Hướng dẫn các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định tại văn bản của Trung ương như: Xây dựng điều lệ, tổ chức Đại hội thành viên đầu tiên, lựa chọn cán bộ chủ chốt đi đào tạo, huấn luyện ngắn ngày trước khi đi khai trương hoạt động Qũy tín dụng nhân dân.

1.4 Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về những kết qủa bước đầu bằng các hình thức: Tọa đàm trao đổi giữa Qũy cũ và mới, phỏng vấn về truyền tin, truyền hình làm phim để nhân dân hiểu rõ và tự nguyện tham gia xây dựng Qũy tín dụng nhân dân vì lợi ích của chính họ.

1.5 Chỉ đạo tốt công tác tổng kết thí điểm theo nội dung hướng dẫn của Trung ương và chuẩn bị phương án mở rộng sau khi kết thúc thí điểm tại địa phương.

2/ Những tỉnh, thành phố chưa thuộc diện thí điểm:

2.1/ Đối với các tỉnh chưa thuộc diện thí điểm có yêu cầu tổ chức theo mô hình Qũy tín dụng nhân dân, cần phổ biến chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đề án thí điểm thành lập Qũy tín dụng nhân dân xuống tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các địa phương có yêu cầu thành lập Qũy tín dụng nhân dân phải lên phương án và lập kế hoạch cụ thể. Đồng thời, có văn bản chính thức của ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương cho triển khai Qũy tín dụng nhân dân vào đầu năm 1995.

2.2/ Trong triển khai mô hình Qũy tín dụng nhân dân tại địa phương cần quán triệt các nguyên tắc: quần chúng tự nguyện tham gia, không gò ép hoặc áp đặt; chọn cơ sở, trước hết phải là nơi có kinh tế hàng hóa phát triển và có tiềm năng sản xuất hàng hóa, đồng thời đảm bảo có đủ các tiêu chuẩn thành lập Qũy tín dụng nhân dân theo quy định; chọn đội ngũ cán bộ nòng cốt (sáng lập viên) có phẩm chất, năng lực, tín nhiệm phải được đào tạo trước khi vận hành công việc.

2.3/ Tổ chức một đợt tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tận thôn xóm, bản làng, để mọi người hiểu rõ tác dụng thiết thực của Qũy tín dụng nhân dân và tự nguyện tham gia vè lợi ích của họ.

3/ Ban điều hành thí điểm ở Trung ương:

3.1/ Rà soát lại các cơ chế, quy chế ban hành, trong qúa trình thực hiện có gì cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để bảo đảm chỉ đạo vận động thông suốt, đúng pháp luật. Đồng thời tiếp tục hướng dẫn các Ban chỉ đạo các tỉnh về nội dung kiểm tra toàn diện, tất cả các qũy tín dụng đã được khai trương hoạt động. Tổng hợp báo cáo kết qủa kiểm tra trình Ban chỉ đạo trung ương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

3.2/ Xây dựng kế hoặc tổng, kết thí điểm và phương án triển khai mở rộng trong những năm tới. Việc tổng kết thí điểm phải tiến hành từ cơ sở, từ địa phương đánh giá cho được những việc đã làm được, so với yêu cầu của đề án; những việc còn phải tiếp tục mở rộng mô hình Qũy tín dụng nhân dân ra phạm vi cả nước.

3.3/ Phối hợp với trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học Ngân hàng xây dựng giáo trình, tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ chủ chốt của các Quỹ tín dụng cơ sở.

3.4/ Phối hợp với Ban trù bị thành lập Qũy tín dụng nhân dân trung ương, xây dựng Điều lệ, phương án hoạt động, các quy chế tổ chức, nhanh chóng hoàn tất hồ sơ thủ tục xin cấp giấy phép, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật, cán bộ và nhân sự để khai trương hoạt động vào đầu năm 1995.

4/ Các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước

Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước là tham mưu đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, cần khảo sát nghiên cứu và khẳng định những địa bàn thành lập Qũy tín dụng nhân dân phải kinh doanh có hiệu quả, đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng đóng trụ trên địa bàn hoạt động đúng pháp luật, cơ chế, quy chế, ngăn ngừa những biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến uy tín hệ thống tín dụng nông thôn.

Chỉ thị này phải được phổ biến rộng rãi trong toàn ngành Ngân hàng, đến các ban chỉ đạo địa phương thí điểm thành lập Qũy tín dụng nhân dân và các Qũy tín dụng nhân dân cơ sở. Các Vụ, Cục Ngân hàng Trung ương, Ban điều hành về thí điểm Qũy tín dụng nhân dân ở Trung ương và địa phương theo chức năng nhiệm vụ của mình hướng dẫn thực hiện nghiêm túc và háng tháng báo cáo tiến độ thực hiện về thường trực Ban chỉ đạo Trung ương thí điểm thành lập Qũy tín dụng nhân dân.

 

[...]