Chỉ thị 21/2005/CT-UBND về thực hiện các biện pháp khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người do Thành phố Cần Thơ ban hành

Số hiệu 21/2005/CT-UBND
Ngày ban hành 22/11/2005
Ngày có hiệu lực 22/11/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thanh Tòng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/2005/CT-UBND

Cần Thơ, ngày 22 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

V/V THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KHẨN CẤP ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM VÀ CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI

Từ cuối năm 2003 đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại nước ta và lây lan rất nhanh, chỉ trong vòng hai tháng, dịch đã xuất hiện ở 57 tỉnh, thành trong cả nước, sau đó lây nhiễm sang người, nhiều trường hợp mắc bệnh đã dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như vắc xin để phòng bệnh cúm A (H5N1) ở người. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, dịch cúm liên tục xảy ra ở gia cầm có thể tạo cơ hội cho sự xuất hiện của một số chủng vi rút mới có khả năng lây nhiễm dễ dàng từ người sang người. Điều này có thể đánh dấu sự bắt đầu của một đại dịch cúm ở người và nếu xảy ra, sẽ có tác động mạnh đến nền kinh tế cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội và sức khoẻ con người.

Tại thành phố Cần Thơ, từ ngày 06/01/2004 đến ngày 14/07/2005, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 43 xã, phường, thị trấn thuộc các quận, huyện. Thành phố đã buộc phải tiêu hủy hàng trăm ngàn con gia cầm mắc bệnh và áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch; tuy nhiên mầm bệnh hiện còn lưu trú ở gia cầm, thủy cầm và trong môi trường nên nguy cơ có thể xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người nếu các ngành, các cấp và mọi người không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch của ngành chuyên môn.

Thực hiện Chỉ thị số 53-CT/TW của Ban Bí thư ngày 28/10/2005 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm ở người; Chỉ thị số 34/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2005 về việc tập trung sức triển khai thực hiện đồng bộ có hiệu quả kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống khi xảy ra dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A ở người; Nghị quyết số 15/2005/NQ-CP của Chính phủ ngày 04/11/2005 về các biện pháp cấp bách ngăn chặn dịch cúm gia cầm (H5N1) và đại dịch cúm A ở người và các Quyết định, Thông tư của Bộ, Ngành Trung ương trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) ở người, để chủ động đối phó với tinh thần nỗ lực cao nhất, khẩn trương nhất, không để xảy ra dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Chỉ thị :

1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND quận, huyện; Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người khẩn trương triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, Ngành Trung ương, Kế hoạch hành động khẩn cấp của thành phố, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của từng địa phương, đơn vị, trong đó cần tập trung thực hiện nghiêm túc, khẩn cấp các việc sau đây:

1.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của nhân dân về nguy cơ của dịch bệnh, nguy cơ lây truyền dịch bệnh và sẽ xảy ra đại dịch nếu không chấp hành đúng các quy định của cơ quan chuyên môn thuộc ngành Y tế, Thú y, có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng, không sử dụng gia cầm, thủy cầm; sản phẩm gia cầm, thủy cầm bị bệnh trong thời gian tiêm phòng và khi đang có dịch, đồng thời có ý thức chủ động tham gia tích cực vào các biện pháp phòng, chống dịch.

1.2. UBND quận, huyện phối hợp với ngành Y tế, Thú y chỉ đạo các xã, phường, thị trấn và các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tình hình chăn nuôi gia cầm tại địa phương; giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh đến từng hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, cơ sở ấp trứng, mua bán chim cảnh, chim hoang dã. Nếu phát hiện gia cầm, thủy cầm, chim hoang dã, chim cảnh... nhiễm bệnh, bị chết chưa rõ nguyên nhân phải kịp thời báo cho cơ quan Thú y để áp dụng ngay các biện pháp tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng, khống chế bao vây ổ dịch, đồng thời cấm vận chuyển gia cầm, thủy cầm ra khỏi ổ dịch và các biện pháp khác theo quy định của ngành Thú y. Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm, kiên quyết xử lý tiêu hủy gia cầm, thủy cầm thuộc diện tiêm phòng mà không tiêm phòng.

1.3. Tổ chức triển khai khẩn trương, kiên quyết các biện pháp sau đây:

- Cấm nuôi gia cầm, thủy cầm trong nội thành, nội thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư, khu đô thị mới; cấm nuôi gia cầm, thủy cầm thả rong, nuôi chạy đồng;

- Cấm vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch thú y; cấm vận chuyển gia cầm sống trên các phương tiện công cộng chuyên chở hành khách;

- Cấm giết mổ gia cầm chưa được kiểm dịch, gia cầm bị bệnh, chết; chỉ được giết mổ gia cầm tại các cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ gia cầm đảm bảo các điều kiện theo quy định của ngành Thú y; cấm chế biến và bán các loại tiết canh gia súc, gia cầm, thủy cầm;

- Cấm buôn bán gia cầm, thủy cầm sống trong nội thành, nội thị, khu đông dân cư; chỉ mua bán gia cầm, thủy cầm làm sẵn đã qua kiểm dịch của ngành Thú y;

- Cấm các lò ấp trứng hoạt động trong nội thành, nội thị; cấm các lò ấp trứng sản xuất con giống trong thời gian quy định đã ban hành (đến hết tháng 02/2006);

Đồng thời tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm Quyết định số 3065/QĐ-BNN-NN ngày 07/11/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Ban hành Quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm. Kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật nếu có hành vi vi phạm, cản trở, không chấp hành.

UBND quận, huyện xác định khu vực nội thành, nội thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị mới, các khu vực gần trường học, bệnh viện... thuộc địa bàn mình quản lý để tổ chức thực hiện các biện pháp nêu trên, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi, người buôn bán, giết mổ gia cầm nhỏ lẻ chuyển sang ngành nghề khác hoặc di chuyển cơ sở chăn nuôi, giết mổ đến địa điểm được quy hoạch.

1.4. Tổ chức lực lượng liên ngành gồm: Quản lý thị trường, Y tế, Thú y, Thanh tra giao thông, Công an thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm, kiên quyết các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về thú y, thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm.

1.5. Các Sở, Ban ngành, đoàn thể, UBND quận, huyện phải xây dựng Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch ở người theo lĩnh vực, địa bàn quản lý trên cơ sở Kế hoạch hành động của thành phố để chủ động phòng ngừa và đối phó với dịch bệnh.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Triển khai thực hiện Kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm gia cầm, thường xuyên theo dõi tình hình, diễn biến dịch bệnh trên gia cầm nhằm kịp thời đối phó với mọi tình huống khi xảy ra dịch;

- Phối hợp cùng các Sở, ngành, UBND quận huyện quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chợ, điểm kinh doanh buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố; quy hoạch và tổ chức lại hệ thống chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và vệ sinh môi trường, nâng cao an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt để triển khai, thực hiện trong năm 2006;

- Chỉ đạo Chi cục Thú y khẩn trương tổ chức các biện pháp chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm: giám sát dịch bệnh, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc, chuẩn bị đầy đủ hoá chất tiêu độc, cung cấp và hướng dẫn cho người chăn nuôi thực hiện đồng bộ các biện pháp an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng kết hợp tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm đúng quy trình, đúng tiến độ; chấn chỉnh điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ và kiểm soát chặt chẽ gia cầm vận chuyển trên địa bàn thành phố.

3. Sở Y tế thành phố:

- Triển khai thực hiện kế hoạch hành động khẩn cấp phòng, chống dịch cúm A (H5N1) ở người; xây dựng, tổ chức hệ thống giám sát dịch bệnh từ thành phố đến tận ấp, xã để kịp thời phát hiện, bao vây, dập tắt ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, kiên quyết không để lây lan dịch bệnh;

- Chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, nhân viên y tế; phân công trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc, phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện 121 Quân khu IX sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch cúm A (H5N1) ở người; tập huấn về chuyên môn, tổ chức diễn tập để nâng cao khả năng chủ động, phối hợp sẵn sàng ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Nâng cấp các cơ sở y tế đủ điều kiện tiếp nhận và điều trị bệnh nhân khi có đại dịch xảy ra, thực hiện phương án "3 tại chỗ": lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và xử lý tại chỗ.

4. Sở Tài chính:

- Bố trí nguồn ngân sách cho các đơn vị mua trang thiết bị, hoá chất, dụng cụ và các hoạt động phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm; đồng thời tổ chức thực hiện việc cấp phát, thanh quyết toán và kiểm tra việc sử dụng kinh phí theo kế hoạch đã được phê duyệt;

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất chính sách hỗ trợ để chuyển đổi các cơ sở kinh doanh nuôi gia cầm chuyển sang ngành nghề khác;

[...]
11
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ