Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Chỉ thị 2062/CT-BNN-KH năm 2014 xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2062/CT-BNN-KH
Ngày ban hành 26/06/2014
Ngày có hiệu lực 26/06/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2062/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2015

Thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 14 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ, nội dung chủ yếu sau:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển ngành kế hoạch năm 2014 trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong 6 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2014; trong đó chú trọng đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2 tháng 1 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014. Đánh giá các kết quả đạt được, phân tích các nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, tồn tại và biện pháp khắc phục trong những tháng cuối năm. Trong đó, cần đánh giá, phân tích tác động của sự kiện biển Đông đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển ngành và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

2. Căn cứ các mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm 2011-2015 tại Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 18 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020; Chiến lược phát triển ngành giai đoạn 2010-2020, Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành và tình hình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2014; dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực; đặc biệt là yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới để xác định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển và xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của ngành, Bộ.

3. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 phải bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ ngành 2011-2015, tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới, ưu tiên phát triển các chương trình biển, đảo, hỗ trợ ngư dân. Dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 cần thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước, đúng các chế độ, chính sách hiện hành, trên tinh thần tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.

4. Xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 phải đảm bảo tính đồng bộ, hệ thống và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và các cấp, các ngành, các địa phương, nhằm mục tiêu đạt năng suất, chất lượng hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

5. Đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng trong xây dựng kế hoạch và phân bổ các nguồn lực;

B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Xây dựng nền nông nghiệp giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần đẩy nhanh phát triển nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân;

2. Mục tiêu cụ thể

+ Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản bình quân khoảng 2,6-3%/năm.

+ Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 3,5-4,0%/năm.

+ Độ che phủ của rừng đạt 42%.

+ Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 30 tỷ USD.

+ Tỷ lệ số xã đủ 19 tiêu chí nông thôn mới đạt 20%.

II. NHIỆM VỤ

1. Đối với Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Triển khai mạnh mẽ các Đề án, Kế hoạch, Chương trình hành động của ngành/lĩnh vực và của đơn vị đã được phê duyệt để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững, tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu sau:

1.1. Phát triển sản xuất

1.1.1. Trồng trọt

Tái cơ cấu trồng trọt theo hướng tập trung phát triển các ngành sản xuất chủ lực quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất (liên kết) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; Phát triển các khu sản xuất chuyên canh theo mô hình cánh đồng lớn; Áp dụng thực hành sản xuất tốt để cải thiện chất lượng; Chú trọng phát triển công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất các sản phẩm ngành trồng trọt.

Sử dụng linh hoạt 3,8 triệu ha trồng lúa, chuyển một phần diện tích trồng lúa sang trồng mầu để vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tập trung cải tạo giống lúa để nâng cao năng suất, chất lượng gạo; mở rộng diện tích gieo trồng ngô để chủ động nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi. Tập trung sản xuất rau, hoa quả công nghệ cao, quy mô lớn ở những địa phương có tiềm năng, lợi thế, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Đối với các loại cây lâu năm (cao su, cà phê, chè, điều…) chủ yếu tái canh vườn cây già cỗi; thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất.

Các địa phương căn cứ vào tín hiệu của thị trường, tiềm năng, lợi thế của địa phương và quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xác định cơ cấu cây trồng, quy mô sản xuất phù hợp.

[...]