Chỉ thị 20/CT-UBND năm 2016 về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên
Số hiệu | 20/CT-UBND |
Ngày ban hành | 09/09/2016 |
Ngày có hiệu lực | 09/09/2016 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Nguyên |
Người ký | Vũ Hồng Bắc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/CT-UBND |
Thái Nguyên, ngày 09 tháng 09 năm 2016 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG KỶ LUẬT, KỶ CƯƠNG TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH THÁI NGUYÊN
Trong những năm qua, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của quần chúng nhân dân, đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh; tập thể UBND tỉnh đã tập trung, thống nhất, quyết liệt trong chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, doanh nhân trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tích cực khai thác các nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; đôn đốc triển khai các dự án đầu tư trọng điểm; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải phóng mặt bằng, quản lý tài chính, phát triển hạ tầng kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội và quốc phòng an ninh; phát huy dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; qua đó góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, việc chấp hành sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh ở một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, nhiều công việc được giao chưa được triển khai đúng tiến độ, chưa bảo đảm chất lượng theo yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính từ cấp tỉnh đến cơ sở còn bị coi nhẹ, gây ảnh hưởng xấu đến lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp đối với chính quyền, tạo dư luận không tốt trong xã hội, đây là những hạn chế cần được nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương khắc phục ở tất cả các cấp.
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TT ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, góp phần xây dựng chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp và trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ thị:
1. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã:
a) Thường xuyên phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó chú trọng đến các yêu cầu, nội dung, giải pháp về công tác cán bộ trong Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện nghiêm túc: Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TT ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
Tập trung thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết của HĐND tỉnh; Quy chế làm việc và chương trình công tác của UBND tỉnh.
b) Trên cơ sở các chương trình, kế hoạch của tỉnh, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung, hoàn chỉnh nội quy, quy chế, quy trình làm việc, trong đó thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị.
c) Quán triệt, triển khai đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; cụ thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cấp trên. Tổ chức đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở xác định vị trí việc làm, sắp xếp công việc phù hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động; kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
d) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động giải quyết và phối hợp giải quyết theo thẩm quyền, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết theo quy định; có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời các nội dung được lấy ý kiến, thực hiện các nhiệm vụ được chỉ đạo; chậm nhất sau 07 ngày làm việc (hoặc theo yêu cầu về thời hạn của văn bản), kể từ ngày nhận được văn bản chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị phải tiến hành giải quyết và báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phải đảm bảo đầy đủ, đúng quy trình, thủ tục, nội dung, theo quy chế làm việc và quy chế phối hợp. Không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ của mình lên cấp trên. Đảm bảo việc công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan trong thi hành nhiệm vụ; thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, đặc biệt là ở cấp cơ sở.
e) Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với thủ trưởng, cấp trên trực tiếp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm.
Trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, nếu xét thấy khó khăn, vướng mắc không đủ khả năng, điều kiện hoàn thành nhiệm vụ theo quy định, phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp xử lý. Trường hợp bị Thủ tướng Chính phủ, hoặc cấp ủy, HĐND tỉnh phê bình, kiểm điểm vì chưa hoàn thành, hoàn thành chậm so với hạn hoặc không đạt chất lượng, hiệu quả trong giải quyết công việc thì Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm phê bình, kiểm điểm trước Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời sẽ không được xem xét khen thưởng trong năm đó.
Khẩn trương khắc phục những hạn chế, tạo sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về thực thi công vụ, văn hóa công sở và thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ.
g) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, từng bước thay thế việc sử dụng văn bản, giấy tờ hành chính trong truyền đạt thông tin; thường xuyên đăng nhập vào hệ thống quản lý văn bản của cơ quan, đơn vị để xử lý các văn bản liên thông, văn bản đến, vào thư mục dùng chung hoặc hòm thư điện tử của tỉnh để tải tài liệu về nghiên cứu, triển khai thực hiện.
h) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tham dự đầy đủ, đúng giờ, đúng thành phần, không được bỏ họp giữa chừng và chủ động chuẩn bị, nghiên cứu trước các hồ sơ, tài liệu có liên quan phục vụ các cuộc họp, hội nghị, hội thảo do UBND tỉnh, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức, triệu tập; trường hợp cấp trưởng không tham dự được phải xin phép bằng văn bản và cử cấp phó đi thay.
i) Không xem xét khen thưởng đối với cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm về kỷ luật, kỷ cương hành chính, bị phê bình hoặc kiểm điểm theo quy định.
2. Các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng phát huy vai trò giám sát, tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, phản biện xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; kịp thời phát hiện, nêu gương điển hình tốt về tinh thần và thái độ phục vụ, thi hành nhiệm vụ và thẳng thắn góp ý, phê phán trước công luận những hành vi vi phạm về đạo đức công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, viên chức.
3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động:
a) Đảm bảo tuân thủ tính thứ bậc, kỷ cương trật tự hành chính, đúng thẩm quyền trong thực thi công vụ. Nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công, không đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc; trường hợp có khó khăn, vướng mắc cần kịp thời báo cáo với cấp trên để có hướng giải quyết, khắc phục.
b) Thực hiện nghiêm quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; phải đeo thẻ công chức, viên chức và nhân viên trong giờ làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm cấm sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc, ngày trực; không tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức.
c) Nghiêm cấm lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi thi hành công vụ.
d) Không xem xét khen thưởng và phải xử lý kỷ luật theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ.
4. Giao Sở Nội vụ là cơ quan thường trực giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh định kỳ 6 tháng một lần và đột xuất khi có yêu cầu.
Yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
|
CHỦ TỊCH |