Chỉ thị 20/2009/CT-UBND tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Số hiệu 20/2009/CT-UBND
Ngày ban hành 15/12/2009
Ngày có hiệu lực 25/12/2009
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2009/CT-UBND

Đồng Xoài, ngày 15 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành chú trọng thực hiện, kịp thời tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, công chức và nhân dân, đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Qua đó, góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân nhân và vì nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân trong tỉnh.

Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng nhu cầu đòi hỏi bức thiết của xã hội, nhất là các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước chậm triển khai đến các tổ chức và công dân, làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm, đầu tư thỏa đáng về nhân lực, thời gian và kinh phí cho công tác này. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các cấp, các ngành để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 09/12/ 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Quyết định số 212/2004/QĐ-TTg ngày 16/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ và nhân dân ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2010; Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện tốt các nội dung sau:

1. Sở Tư pháp:

a) Là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn các hoạt động về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban An toàn giao thông tỉnh, Báo Bình Phước, Đài Phát thanh Truyền hình và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin kịp thời về kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh. Phối hợp tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch của tỉnh về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma tuý, mại dâm, lây nhiễm HIV/AIDS, về trật tự an toàn giao thông, các tệ nạn trong học đường...

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan bồi dưỡng nghiệp vụ, tăng cường vai trò của cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân. Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền pháp luật miễn phí cho các đối tượng là người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số. Hướng dẫn, kiểm tra công tác xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

c) Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Phước: Tăng cường thời lượng phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh; xây dựng chuyên trang, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo và trên truyền hình, coi trọng việc biểu dương các nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến trong việc thi hành, chấp hành pháp luật. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số, sử dụng có hiệu quả hệ thống truyền thanh cơ sở trong việc phổ biến thông tin pháp luật, thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng biên soạn thông tin pháp luật cho cán bộ Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn.

3. Sở Tài chính: Bố trí ngân sách hàng năm cho địa phương theo quy định tại Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức và các hội viên. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật với các phong trào, các chương trình như phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, phong trào phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, hoạt động hoà giải ở cơ sở, việc xây dựng và thực hiện hương ước, qui ước.

5. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã có trách nhiệm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quán triệt cho cán bộ và nhân dân tại địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này, coi đây là một nhiệm vụ không thể tách rời với việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế, trước mắt cần tập trung vào một số nội dung:

a) Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành có tầm ảnh hưởng và liên quan mật thiết đến cán bộ, công chức và nhân dân, bằng nhiều biện pháp, hình thức phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn dân cư.

b) Kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và tổ chức pháp chế các sở, ngành làm nòng cốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bố trí kinh phí, cán bộ có năng lực chuyên môn theo dõi, thực hiện công tác này tại các cơ quan, đơn vị.

c) Quán triệt cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị thấy rõ việc học tập, tìm hiểu và nghiên cứu pháp luật để hiểu biết và thi hành nghiêm chỉnh pháp luật là trách nhiệm của mình. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước phải là những người gương mẫu trong việc giữ gìn kỷ cương phép nước và góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân, gắn việc nghiên cứu, học tập và chấp hành pháp luật vào việc bình xét, phân tích chất lượng đảng viên, làm tiêu chuẩn để xem xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

d) Đa dạng hoá các loại tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bao gồm: sách, tờ gấp, băng, đĩa hình, đĩa tiếng, lịch, pa nô, áp phích. Các ấn phẩm pháp luật phổ thông cần được phát miễn phí tới người dân. Chú trọng tài liệu song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nước ngoài cư trú trên địa bàn tỉnh; đổi mới và đa dạng hoá các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ có lồng ghép nội dung pháp luật.

đ) Phát triển mạnh mẽ các loại hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, cung cấp văn bản pháp luật, sử dụng triệt để công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, thử nghiệm hình thức giải đáp pháp luật trực tuyến trên mạng Internet; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước.

e) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, bản, ấp, quy chế của cơ quan, điều lệ của các tổ chức đoàn thể; thực hiện lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội khác đang được triển khai; phát động các đợt cao điểm, tháng cao điểm trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật. Thực hiện ký cam kết gia đình không có thành viên vi phạm pháp luật. Xây dựng các điểm sáng về chấp hành pháp luật ở cộng đồng dân cư

6. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức các hội nghị để triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành; đồng thời có kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ Báo cáo viên pháp luật tỉnh, huyện.

7. Giao Sở Tư pháp là cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo và khen thưởng kịp thời những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Chỉ thị này được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 04/1998/CT-UB ngày 19/3/1998 về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh và có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Thiệu

 

5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ