Chỉ thị 20/2006/CT-UBND tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 20/2006/CT-UBND
Ngày ban hành 02/10/2006
Ngày có hiệu lực 12/10/2006
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Minh Tùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20 /2006/CT-UBND

Long Xuyên, ngày 02 tháng 10 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS

Công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh được triển khai từ năm 1990, sau hơn 15 năm thực hiện, công tác phòng, chống HIV/AIDS đã thu được một số kết quả như sau: hình thành hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến cơ sở; các biện pháp can thiệp trong lĩnh vực y tế được triển khai đồng bộ; nhận thức của người dân về HIV/AIDS và công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có những chuyển biến tích cực..

Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Đến cuối tháng 6/2006, toàn tỉnh có 7.373 người có HIV, trong đó 3.280 người chuyển sang AIDS và đã tử vong 2.726 người. Số người được phát hiện có HIV mới hàng năm khoảng 1.000 người. Trong đó, vẫn đang tập trung trong nhóm có hành vi nguy cơ cao như: Người tiêm chích ma tuý, người mua bán dâm và hiện nay đang có xu hướng lan ra cộng đồng trên các đối tượng như: Nông dân, học sinh - sinh viên, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 13 tuổi, lực lượng vũ trang, cán bộ-công chức...với phương thức truyền chủ yếu là qua đường tình dục và tiêm chích ma tuý. Điểm đặc biệt lo ngại là nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về sự nguy hiễm của HIV/AIDS, nhất là ở nhóm có hành vi nguy cơ cao như người tiêm chích ma tuý, mại dâm là nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng tình hình lây nhiễm HIV/AIDS, đã gây tác động xấu đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để công tác phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục đạt hiệu quả, khống chế sự lây lan có nguy cơ trở thành dịch; giảm sự tác động xấu đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:

1. Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm cấp các cấp (tỉnh, huyện, xã) là người chỉ huy và chịu toàn bộ trách nhiệm trước UBND cùng cấp về công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương mình. Trưởng Ban chỉ đạo các cấp trực tiếp chỉ đạo trên địa bàn mình việc xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện nội dung theo các văn bản: Chỉ thị số 54-CT/TW ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới, Chương trình hành động số 02-CTr/TU ngày 10/7/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác phòng, chống HIV/AIDS từ nay đến năm 2010 và Kế hoạch hành động số 18/KH-UB ngày 13/5/2005 của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010.

Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm các cấp khẩn trương rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp với tình hình mới. Từng thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công chủ động lập kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS sao cho đạt hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm mỗi cấp phải kết hợp chặt chẽ với Uỷ ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp. Định kỳ hàng tháng, quí, năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban chỉ đạo cấp trên.

2. Sở Y tế: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tuyến tỉnh, huyện hỗ trợ, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trên địa bàn mình phụ trách. Phối hợp với các ngành, các cấp triển khai có hiệu quả các Dự án về phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức quốc tế tài trợ.

3. Công an tỉnh: Chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai phòng, chống HIV/AIDS tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc Công an tỉnh quản lý, thực hiện công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV tại các nơi này.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Chủ động phối hợp với ngành y tế triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thuộc Sở quản lý, thực hiện công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi nhằm làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nơi này.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ động phối hợp với ngành y tế, Trường Đại học An Giang, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố tổ chức dạy cho học sinh – sinh viên những kiến thức và kỹ năng phòng, chống HIV/AIDS trong chương trình đào tạo hằng năm của trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, Dạy nghề, Trung học phổ thông và Trung học cơ sở phù hợp với từng đối tượng; tăng cường các hoạt động ngoại khoá về tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS ở các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục. Nhân rộng chương trình giáo dục Kỹ năng sống ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.

6. Sở Văn hoá - Thông tin: Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố chỉ đạo cơ quan thông tin các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm làm cho các tầng lớp trong xã hội nhận thức đúng về HIV/AIDS, không phân biệt kỳ thị với người có HIV…; tập trung đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc ít người, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

7. Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với ngành y tế triển khai, hướng dẫn các văn bản về phòng, chống HIV/AIDS cho các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước: Phối hợp bố trí ngân sách hàng năm và cấp phát kịp thời để triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo kế hoạch đã được phê duyệt.

9. Các cơ quan: Đài Phát thanh – Truyền hình, Báo An Giang, Thông tấn xã Việt Nam tại An Giang phối hợp với Sở Văn hoá – Thông tin, Sở Y tế xây dưng các chuyên mục, chuyên đề về phòng, chống HIV/AIDS, đưa các thông tin về dự phòng, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS thành nội dung thường xuyên của chương trình phát sóng.

10. Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh chủ động phối hợp với Sở Y tế phát động phong trào thi đua về phòng, chống HIV/AIDS; nghiên cứu, đề xuất sớm trình UBND tỉnh các chế độ chính sách khen thưởng, kỷ luật để tăng cường trách nhiệm của cá nhân và tập thể trong phòng, chống HIV/AIDS, đồng thời cũng nhằm huy động xã hội cùng tham gia.

11. UBND cấp huyện và xã chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương mình.

Để thực hiện tốt Chỉ thị này, UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội có kế hoạch phối hợp với các Sở, Ban, ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền và làm nòng cốt trong phong trào toàn dân tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS.

Giao cho Sở Y tế hướng dẫn, tổ chức triển khai quán triệt Chỉ thị này và theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Tùng