Chỉ thị 195-TTg năm 1959 về tăng cường lãnh đạo công tác thanh toán qua Ngân hàng do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành.
Số hiệu | 195-TTg |
Ngày ban hành | 19/05/1959 |
Ngày có hiệu lực | 03/06/1959 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phạm Hùng |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
VIỆT |
Số: 195-TTg |
Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 1959 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG LÃNH ĐẠO CÔNG TÁC THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG
Công tác thanh toán qua Ngân hàng đối với các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước là một trong những công tác quan trọng giúp cho việc kiểm soát kế hoạch sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng gia tốc độ luân chuyển hàng hóa và tiền vốn, giảm bớt được khối lượng tiền mặt trên thị trường, do đó tiết kiệm được chi phí lưu thông và tập trung được các phương tiện tiền tệ chưa dùng đến để Nhà nước sử dụng vào công cuộc kiến thiết kinh tế. Mặt khác thông qua việc thanh toán sẽ thủ tiêu được tình trạng tín dụng thương mại (vay mượn, tạm ứng, bán chịu lẫn nhau không qua Ngân hàng) và chấm dứt được tình trạng nợ dây dưa giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước, củng cố chế độ hạch toán kinh tế, góp phần giám đốc việc thực hiện kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định số 144-TTg ngày 09-04-1957 quy định nguyên tắc tập trung thanh toán qua Ngân hàng về các giao dịch giữa các xí nghiệp quốc doanh với nhau, giữa xí nghiệp quốc doanh với cơ quan hành chính và quân sự, đơn vị bộ đội, giữa các tổ chức kinh tế thuộc khu vực quốc doanh và các tổ chức kinh tế thuộc khu vực hợp tác xã.
Qua một thời gian thực hiện, nhận thấy: ở một số cơ quan, đơn vị đã tích cực chấp hành, nói chung công tác thanh toán qua Ngân hàng đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, còn nhiều xí nghiệp, cơ quan, đơn vị chưa thi hành nghiêm chỉnh Nghị định thanh toán qua Ngân hàng, việc giao dịch mua bán, thanh toán lẫn nhau không qua Ngân hàng, vì vậy nợ nần dây dưa giữa các xí nghiệp trước kia chưa chấm dứt được mà lại phát sinh nợ dây dưa mới hàng trăm triệu, tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau phổ biến, giữa các đơn vị kinh doanh thuộc tất cả các ngành. Những đơn vị do chiếm dụng, được vốn của đơn vị khác, ngành khác, thì thừa vốn, sử dụng vốn không hợp lý, lãng phí, dẫn tới có thể lợi dụng tham ô. Ngược lại, những đơn vị vì ngành khác, đơn vị khác chiếm dụng vốn, nên thiếu vốn không nộp lợi nhuận, khấu hao đầy đủ và kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Nhà nước không tập trung được các nguồn vốn cần thiết để sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, hoặc có lúc thiếu vốn, trong khi đó có một số vốn lớn nằm ứ đọng trong các khoản nợ dây dưa giữa các ngành, gây tổn hại cho Nhà nước và khó khăn cho các ngành.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng đó là:
1. Ý thức chấp hành những quy định của Chính phủ về việc thanh toán qua Ngân hàng của nhiều cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, kỷ luật tài chính chưa được đề cao, bản vị, chỉ biết đến đơn vị mình, ngành mình, không biết đến đơn vị khác, ngành khác còn nặng.
2. Các đồng chí thủ trưởng các ngành thiếu chú ý đến việc lãnh đạo kiểm tra đôn đốc công tác tài vụ kế toán, chưa quy định rõ nhiệm vụ đặt hàng, nhận hàng và thanh toán tiền hàng giữa các đơn vị xí nghiệp đối với Cục Cung tiêu trong từng Bộ và giữa Cục Cung tiêu của Bộ đối với đơn vị bán hàng, do đó đơn vị đặt hàng (Cục Cung tiêu) lại không nhận hàng, hoặc nhận nhưng không thanh toán tiền hàng, trái lại xí nghiệp không đặt hàng mà lại nhận hàng, gây khó khăn cho việc thanh toán, tạo nên tình trạng nợ dây dưa lẫn nhau.
3. Ngoài ra, việc cấp phát vốn của Bộ Tài chính đối với các đơn vị xí nghiệp chưa chặt chẽ, còn hiện tượng thừa vốn. Việc đôn đốc các xí nghiệp và có biện pháp thích đáng để thu các khoản tiền mà xí nghiệp phải nộp vào ngân sách Nhà nước chưa thật tích cực và khẩn trương, vì vậy các ngành có điều kiện cho nhau nợ nần, mà không cần thanh toán qua Ngân hàng vẫn có vốn hoạt động. Mặt khác Ngân hàng tổ chức các cơ sở thanh toán chưa được rộng rãi, biện pháp thanh toán chưa sát và thích hợp, nghiệp vụ thanh toán còn chậm chưa kịp thời và có lúc việc thanh toán thiếu đảm bảo chính xác cũng gây khó khăn cho việc thực hiện thanh toán của các ngành, các đơn vị xí nghiệp.
Để bổ khuyết tình trạng trên, tăng cường việc lãnh đạo thực hiện tốt công tác thanh toán qua Ngân hàng về cung cấp hàng hóa và cung ứng lao động, đồng thời chấm dứt tình trạng nợ dây dưa cũ và ngăn chặn phát sinh nợ dây dưa mới giữa các xí nghiệp, cơ quan Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, các Ủy ban Hành chính địa phương tích cực và khẩn trương thi hành những việc sau đây:
1. Trước hết, thủ trưởng các Bộ, các ngành cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác tài vụ kế toán, làm cho cán bộ, nhất là cán bộ phụ trách công tác tài vụ kế toán nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác thanh toán qua Ngân hàng, đề cao kỷ luật tài chính, ý thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa, chống khuynh hướng bản vị cục bộ, để khắc phục mọi khó khăn chấp hành đầy đủ Nghị định số 114-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thanh toán qua Ngân hàng.
2. Tất cả các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan hành chính, quân sự, đơn vị bộ đội trong việc giao dịch với nhau đều phải ký kết hợp đồng, quy định rõ trách nhiệm của bên mua, bên bán, của người cung ứng lao vụ và người nhận việc cung ứng đó, giữa xí nghiệp bao thầu và cho thầu, v.v… quy định rõ phẩm chất, quy cách, thời hạn, giá cả, cách thanh toán, nơi giao nhận, v.v… Sau khi đã ký hợp đồng phải kiên quyết chấp hành hợp đồng một cách đúng đắn, bên nào vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm, trường hợp cần thiết thi hành kỷ luật thích đáng.
3. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ dựa vào tài liệu phúc tra kiểm kê tài sản, kết hợp với kế hoạch sản xuất và kinh doanh của từng đơn vị xí nghiệp để xét lại số vốn cần thiết cho xí nghiệp theo nhu cầu tối thiểu, kể cả xí nghiệp đã xác định vốn nếu thấy thừa vốn cũng cương quyết rút số vốn thừa đó, nhất thiết không để tình trạng thừa vốn đối với các xí nghiệp. Đồng thời cùng Ngân hàng tích cực thi hành nguyên tắc cấp vốn và cho vay trong định mức vốn lưu động đối với các xí nghiệp quốc doanh theo quyết định số 054-TTg ngày 19-02-1959 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Mặt khác, có kế hoạch theo dõi kiểm tra đôn đốc các ngành từ trung ương đến địa phương thi hành nhiệm vụ nộp lợi nhuận khấu hao, thuế, v.v… vào ngân sách Nhà nước được đầy đủ và kịp thời.
4. Ngân hàng quốc gia Việt Nam cần kiện toàn tổ chức, chủ yếu là các chi điếm để đảm bảo thanh toán chính xác và kịp thời giữa các xí nghiệp, phối hợp với Bộ Giao thông Bưu điện nghiên cứu cải tiến lề lối và thủ tục chuyển tiền cho nhanh chóng để phục vụ tốt cho phát triển sản xuất và mở rộng giao lưu hàng hóa. Định rõ chế độ mở tài khoản, sử dụng và trích tiền ở tài khoản, thi hành những hình thức thanh toán thích hợp, đơn giản thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận tiện cho các đơn vị thanh toán, đồng thời phối hợp cùng Bộ Tài chính tích cực hướng dẫn đôn đốc các xí nghiệp, cơ quan thanh toán cho xong các khoản nợ dây dưa từ 1958 trở về trước. Ngoài ra, Ngân hàng đi sát từng cơ sở, nghiên cứu quy định mức tiền mặt giữa tại quỹ của các cơ quan cho sát và thích hợp, và trên cơ sở đã quy định, có kế hoạch theo dõi kiểm tra thường xuyên tồn quỹ của các đơn vị để việc thi hành chính sách quản lý tiền mặt của Chính phủ được chặt chẽ hơn.
Công tác thanh toán qua Ngân hàng hiện nay là một công tác rất quan trọng, để nâng cao trình độ cải tiến quản lý, củng cố chế độ hạch toán kinh tế đối với các xí nghiệp. Các Bộ và các ngành ở trung ương, các Ủy ban Hành chính khu, thành phố, tỉnh cần đặc biệt chú ý và đặt kế hoạch lãnh đạo thi hành đúng tinh thần chỉ thị này.
|
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |