Chỉ thị 191-CT năm 1988 về kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 191-CT
Ngày ban hành 21/06/1988
Ngày có hiệu lực 06/07/1988
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 191-CT

Hà Nội, ngày 21 tháng 6 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ KIỂM SOÁT ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN

Để thực hiện Nghị quyết 11 và kết luận trong thông báo số 14 của Bộ Chính trị về vấn đề xây dựng cơ bản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp tổ chức ngay một đợt kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản của ngành và địa phương mình theo những yêu cầu và nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Soát xét lại chủ trương đầu tư các công trình đang xây dựng và đang chuẩn bị đầu tư (bằng mọi nguồn vốn) để phân loại xử lý và điều chỉnh lại vốn xây dựng cơ bản năm 1988 của cả trung ương, tỉnh, huyện và cơ sở, kể cả công trình trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị đồng thời nắm chắc tình hình để chuẩn bị tốt kế hoạch đầu tư cho các năm sau.

2. Kiểm tra việc sử dụng tiền vốn, lao động, vật tư, thiết bị, công tác khảo sát, thiết kế và thi công xây lắp. Kiểm tra thiết bị, vật tư tồn kho, ứ đọng, mất mát, nhất là đối với thiết bị toàn bộ nhập khẩu chưa đưa vào sử dụng.

3. Kiểm tra việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản đối với các công trình đang xây dựng.

II. NỘI DUNG KIỂM SOÁT

A. Về chủ trương đầu tư xây dựng cơ bản.

1. Đối với từng công trình đang xây dựng cần làm rõ nguồn vốn đầu tư, nguồn vật tư, cơ quan xét duyệt luận chứng kinh tế - kỹ thuật, thời hạn thi công, diện tích chiếm đất xây dựng, hiệu quả đầu tư sẽ đạt được sau khi hoàn thành.

2. Đối với từng công trình đang chuẩn bị đầu tư cần làm rõ nguồn vốn chuẩn bị đầu tư, cơ quan cho phép tiến hành chuẩn bị đầu tư và thời gian quy định phải làm xong công tác chuẩn bị đầu tư.

3. Xác định những công trình đang xây dựng trái với Chỉ thị số 261-CT ngày 9-9-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (gồm trụ sở, hội trường, nhà truyền thống, nhà văn hoá, nhà khách, nhà thi đấu, sân vận động,... khởi công sau tháng 10 năm 1987).

4. Xác định những công trình xây dựng ít có hiệu quả thiết thực dù có tiếp tục xây dựng xong.

5. Xác định những công trình hoặc những hạng mục công trình đầu tư không trực tiếp tạo ngay ra của cải vật chất trong năm 1988-1989.

6. Xác định những công trình trực tiếp phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn, đặc biệt là những công trình tốn ít vốn, huy động nhanh, tạo được nhiều việc làm, góp phần ổn định đời sống nhân dân để ưu tiên bố trí vốn đầu tư và vật tư.

7. Xác định những công trình sử dụng không đúng nguồn vốn của ngân sách cấp theo Quyết định số 80-HĐBT ngày 9-5-1988 của Hội đồng Bộ trưởng.

B. Về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.

Xác định những công trình đang xây dựng mà chưa đủ thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản:

1. Chưa có luận chứng kinh tế - kỹ thuật của cấp có thẩm quyền phê chuẩn.

2. Chưa có giấy phép cấp đất xây dựng.

3. Chưa có thiết kế kỹ thuật và bản vẽ thi công trong năm kế hoạch (1988) mà đã ghi vào kế hoạch.

4. Chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép vừa thiết kế vừa thi công.

5. Chưa đăng ký vào kế hoạch xây lắp năm 1988 với cấp trên.

6. Đã chi vốn đầu tư vượt dự toán thiết kế được duyệt mà chưa trình dự toán điều chỉnh với cấp có thẩm quyền.

C. Về sử dụng vốn, vật tư, thiết bị, lao động.

1. Kiểm tra việc huy động và sử dụng các nguồn vốn trong xây dựng cơ bản bao gồm vốn ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương) , vốn tự có của cơ sở, vốn vay Ngân hàng, vốn huy động của nhân dân. Những trường hợp sử dụng vốn trái với các quy định của Nhà nước (lập quỹ đen, giả mạo chứng từ để thanh quyết toán, tuỳ tiện đặt ra các chế độ tiền lương, tiền thưởng trái với chế độ chung của Nhà nước v.v...) cần phải sửa ngay, trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần phải xử lý theo pháp luật.

2. Kiểm tra toàn bộ lực lượng lao động trong ngành xây dựng cơ bản bao gồm số cán bộ, công nhân viên có việc làm trong kế hoạch; số người có việc làm ngoài kế hoạch; số người nghỉ việc hưởng lương 70%; số người nghỉ việc không lương; số người bỏ việc; số người làm việc không ổn định v.v...

3. Năng suất lao động 1 công nhân xây lắp so với định mức lao động quy định của Nhà nước.

4. Số lượng xe máy thi công chờ việc. Năng suất các loại xe máy thi công so với định mức quy định của Nhà nước.

5. Khối lượng và chất lượng các loại vật tư tồn kho, kể cả sản phẩm dở dang lâu ngày chưa hoàn chỉnh. Mức sử dụng các loại vật tư thực tế so với định mức quy định của Nhà nước.

6. Tình trạng thiết bị toàn bộ nhập khẩu tồn đọng tại cảng, tại kho bãi, tại hiện trường (mất mát, hư hỏng, không đồng bộ, không dùng đến, v.v...).

7. Chất lượng công trình đang xây dựng và những chi phí phải sửa chữa hoặc phá đi làm lại.

8. Lãng phí trong thiết kế (nếu có).

III. ĐIỀU CHỈNH LẠI VIỆC BỐ TRÍ VỐN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CƠ BẢN NĂM 1988

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước làm việc ngay với các Bộ, Tổng cục và địa phương để bố trí lại vốn cho các công trình trọng điểm và quan trọng của Nhà nước, xác định công trình cần giãn tiến độ hoặc đình thi công.

- Các cơ quan Trung ương và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương căn cứ vào kết quả kiểm soát phân loại công trình của ngành mình, địa phương mình và trên cơ sở tổng mức đầu tư được dự kiến phân bổ lại (do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thông báo) mà điều chỉnh việc bố trí đầu tư xây dựng cơ bản của ngành và địa phương theo nguyên tắc:

Tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm và quan trọng của Nhà nước, công trình ưu tiên của ngành, địa phương có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả nhanh nhất.

Huy động thêm vốn khấu hao cơ bản để lại xí nghiệp để Bộ và tỉnh, thành phố bổ sung vốn cho các công trình quan trọng của ngành và của địa phương.

Do nguồn vốn ngân sách Trung ương rất hạn chế, lại phải bảo đảm tiến độ các công trình then chốt, nhất là các công trình phục vụ 3 chương trình kinh tế lớn, nên trong năm 1988, các Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu được phép huy động vốn khấu hao cơ bản để lại xí nghiệp (mà chưa dùng đến) để bổ sung vốn cho các công trình thuộc ngành, địa phương quản lý.

IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban chỉ đạo kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản gồm có các đồng chí:

- Lê Danh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Trưởng ban,

- Khúc Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó ban,

- Nguyễn Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Phó ban,

- Vụ trưởng Vụ đầu tư xây dựng cơ bản, Bộ Tài chính, Uỷ viên,

- Giám đốc Ngân hàng đầu tư và xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ viên.

Ban chỉ đạo có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này ở các ngành và địa phương, hướng dẫn cụ thể các ngành và địa phương tổng kết và tổng hợp báo cáo, kiến nghị Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng xử lý những vấn đề cần thiết; được quyền mời chuyên gia các ngành kinh tế - kỹ thuật có liên quan để giúp cho Ban chỉ đạo trong những công việc cần thiết; được quyền kiểm tra tại chỗ các công trình xây dựng của Trung ương và địa phương trong trường hợp xét thấy cần thiết và có quyền kiến nghị với Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh, thành phố, huyện, quận quyết định đình hoãn ngay những công trình không được phép xây dựng theo Chỉ thị số 261-CT ngày 9-9-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo mục tiêu kế hoạch Nhà nước.

- Kinh phí hoạt động của các Đoàn kiểm tra do Bộ Tài chính giải quyết theo chế độ quy định đối với các Đoàn thanh tra tài chính Nhà nước hiện hành.

2. Tổ chức thực hiện ở các ngành và địa phương.

Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần sử dụng bộ máy giúp việc (kế hoạch, tài chính, ngân hàng, thống kê, xây dựng) tổ chức kiểm soát chặt chẽ theo biểu mẫu hướng dẫn của Ban chỉ đạo kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản. Cần phân công đồng chí Thứ trưởng và Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố phụ trách công tác xây dựng cơ bản (hoặc phụ trách kế hoạch) trực tiếp chỉ đạo đợt kiểm soát này.

Thời gian kiểm tra trong tháng 7 năm 1988 và chậm nhất ngày 20 tháng 8 các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải gửi báo cáo kết quả cho Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng gửi cho Ban chỉ đạo và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

Công tác kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản là việc làm thường xuyên nhưng lâu nay chưa làm được, vì vậy, các ngành các địa phương phải tập trung chỉ đạo tốt đợt kiểm soát này, tạo cơ sở và rút kinh nghiệm để đưa công tác kiểm soát đầu tư xây dựng cơ bản thật sự đi vào nền nếp thường xuyên, nhằm phát huy hiệu quả thiết thực vốn đầu tư của Nhà nước và của nhân dân, góp phần đầy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống của người lao động. Trong chỉ đạo, cần chú ý kết hợp tốt vấn đề kiểm tra, đồng thời thúc đẩy tiến độ xây dựng những công trình trong kế hoạch, những công trình nhanh đưa lại hiệu quả; và kiên quyết đình hoãn những công trình ngoài kế hoạch, những công trình chưa cấp thiết và có hiệu quả kinh tế trước mắt.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ