Chỉ thị 18/CT-UBND năm 2011 về tiếp tục tăng cường quản lý chất thải rắn thông thường, nguy hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 21/06/2011
Ngày có hiệu lực 21/06/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Trần Văn Vĩnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 18/CT-UBND

Biên Hòa, ngày 21 tháng 6 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG, CHẤT THẢI NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

Trong những năm qua, công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh nói chung và chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại nói riêng từng bước được chấn chỉnh, ngày càng đi vào nề nếp, nhất là sau khi UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11/3/2010 về chấn chỉnh công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã quan tâm chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp, tăng cường đầu tư, nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn. Đến năm 2010, tỷ lệ thu gom các loại chất thải rắn thông thường đạt 85,2% tăng 25,2% so với năm 2006, vượt 5% so với chỉ tiêu; thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 61% tăng 36% so với năm 2006, cao hơn so với mặt bằng chung của cả nước.

Tuy nhiên, việc quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại vẫn còn nhiều hạn chế, tỷ lệ xử lý chất thải rắn đạt thấp, chất thải nguy hại thu gom chưa triệt để, việc xử lý chưa đạt yêu cầu, có trường hợp còn đổ ra môi trường gây bức xúc trong dư luận. Thực hiện Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020 và Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về quản lý chất thải nguy hại, để tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt và phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa tổ chức thực hiện quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 trong đó bao gồm xây dựng kế hoạch xử lý các bãi rác đến thời hạn đóng cửa và bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Theo dõi, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu, đề xuất thực hiện các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đối với các dự án đầu tư xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại theo quy định hiện hành.

3. Sở Tài chính đề xuất bố trí kinh phí, đề xuất triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về: Đất đai, thuế, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào công trình, lao động và vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy hoạch.

4. Sở Y tế hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 31/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải rắn y tế. Theo dõi, thống kê lượng chất thải nguy hại từ ngành y tế, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau:

a) Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Thông tư số 12/2011/TT- BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng, thực hiện những quy định mới theo Thông tư số 12/2011/TT- BTNMT.

b) Tổ chức cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép quản lý chất thải nguy hại có địa bàn hoạt động trong tỉnh.

c) Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với chủ nguồn thải chất thải nguy hại, chủ quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải nguy hại.

d) Hướng dẫn và tổ chức xác nhận hợp đồng chuyển giao trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại giữa chủ có hoạt động làm phát sinh chất thải và bên tiếp nhận trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định.

6. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa:

a) Xây dựng, trình duyệt và tổ chức thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường (chất thải rắn sinh hoạt) trên địa bàn. Lập kế hoạch đóng cửa các bãi rác tạm gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

b) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường các cơ sở thu mua phế liệu và các doanh nghiệp trên địa bàn theo phân cấp.

c) Phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý theo thẩm quyền những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và các bãi chôn lấp không đúng quy định trên địa bàn.

7. Các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, bố trí khu lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại phát sinh của công ty, đồng thời có thể làm đại lý vận chuyển chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải chất thải nguy hại (doanh nghiệp) trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp do điều kiện không ký được hợp đồng với chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại (là tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại để thực hiện dịch vụ vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT).

Chỉ thị này thay thế Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11/3/2010 của UBND tỉnh về chấn chỉnh công tác phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, tiêu hủy chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, Tổng Giám đốc, Giám đốc các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh những khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Vĩnh