Chỉ thị 18/CT-UBND điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 18/CT-UBND
Ngày ban hành 03/09/2014
Ngày có hiệu lực 03/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Trịnh Văn Chiến
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/CT-UBND

Thanh Hóa, ngày 03 tháng 9 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM 2014.

Trong 7 tháng đầu năm 2014, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách năm 2014 và đã góp phần đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến theo hướng tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo tình hình kinh tế cả nước nói chung và của tỉnh ta những tháng cuối năm còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN) - chi ngân sách địa phương (NSĐP) năm 2014.

Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc: “Điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách những tháng cuối năm 2014”; để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN, chi NSĐP năm 2014 đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn, tạo nguồn chi cho các mục tiêu quan trọng của tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị cấp tỉnh (gọi chung là ngành), Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp về điều hành tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014 sau đây:

1. Tiếp tục chỉ đạo, điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội mà HĐND tỉnh đã Nghị quyết từ đầu năm; các ngành, huyện chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã được giao để đưa ra các giải pháp ứng phó cụ thể với các tình huống phát sinh; phấn đấu đạt và hoàn thành ở mức cao nhất chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), đạt mục tiêu tăng trưởng nhằm tạo nguồn thu ổn định và lâu dài cho NSNN:

- Thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp (DN) của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản; nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ những diễn biến liên quan đến tình hình căng thẳng trên Biển Đông và các biện pháp của tỉnh nhằm đảm bảo an ninh, an toàn để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm, phát triển SXKD. Rà soát, làm việc với các DN có sản lượng sản phẩm công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch đầu năm; các dự án công nghiệp triển khai thực hiện chậm để nắm bắt nguyên nhân, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các DN hoàn thành kế hoạch SXKD; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tạo môi trường lành mạnh để các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

- Tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giá cả thị trường đối với những hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền bình ổn giá của tỉnh; thực hiện tốt nội dung Công văn số 2200/BTC-QLG ngày 21/2/2014 của Bộ Tài chính về việc: “Tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp SXKD sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi” trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn trong SXKD, bãi bỏ hoặc đề xuất bãi bỏ các loại phí, lệ phí, giá cước không đúng quy định hoặc bất hợp lý để giảm chi phí đầu vào của các doanh nghiệp, đảm bảo giá thành sản phẩm sản xuất ra được bán ở mức hợp lý; đẩy mạnh phát triển sản xuất, điều hoà cung cầu nhằm bình ổn giá tại địa phương.

- Đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút vốn của các nhà đầu tư; tăng cường xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu lớn, thị trường mới, tiềm năng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia thị trường trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa giám sát, chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chính sách của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần trách nhiệm cao nhất, vì sự phát triển SXKD của doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn được tiếp cận một cách thuận lợi nhất nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp, nhằm duy trì và mở rộng SXKD.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, nhằm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; giảm chi phí SXKD và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng, tăng nguồn thu ngân sách.

3. Thực hiện thu đúng, thu đủ các khoản thu phát sinh, chống thất thu, phấn đấu năm 2014 thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu 7.000,0 tỷ đồng.

- Cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế các cấp thường xuyên theo dõi, dự báo khả năng thu ngân sách để tham mưu cho UBND cùng cấp điều hành chi cho phù hợp. Đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với số thuế được gia hạn trong năm 2013 đến hạn phải nộp ngân sách nhà nước.

- Cơ quan Thuế tham mưu kịp thời cho UBND các cấp giải pháp chống thất thu; tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát nguồn thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước; tăng cường các biện pháp thu từ hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, vận tải tư nhân; theo dõi, đôn đốc việc thu nộp ngân sách của các doanh nghiệp có số thu lớn; phân tích, đánh giá những nhân tố ảnh hưởng làm tăng, giảm nguồn thu đối với từng lĩnh vực, từng khoản thu, từng sắc thuế, từng doanh nghiệp; chỉ ra những hạn chế trong quản lý thu, từ đó đề ra biện pháp quản lý thu có hiệu quả để đẩy mạnh tiến độ thu trong những tháng cuối năm đảm bảo hoàn thành và vượt mức dự toán thu ngân sách tỉnh trên từng lĩnh vực thu.

- Rà soát, nắm chắc đối tượng, quản lý tốt các nguồn thu ngân sách trên địa bàn, đặc biệt là nguồn thu mới phát sinh từ Khu Kinh tế Nghi Sơn, nguồn thu ở các lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn có khả năng tăng.

- Tăng cường các biện pháp thu từ hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), ngành Thuế phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện tốt việc khấu trừ 2,0% tiền thuế GTGT phải nộp và tiền phạt vi phạm pháp luật thuế đối với các doanh nghiệp XDCB vãng lai ngoại tỉnh thi công các công trình trên địa bàn tỉnh, vận tải tư nhân.

- Cục Thuế, Thanh tra tỉnh công khai kết quả thanh tra, kiểm tra thuế để nâng cao tính giáo dục, răn đe trong chấp hành Luật Thuế. Lên án hành vi gian lận trốn thuế; rà soát, đôn đốc thu kịp thời số kiến nghị tăng thu từ kết quả thanh tra, kiểm tra của Thanh tra, kiểm toán Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền về nghĩa vụ nộp thuế; hỗ trợ người nộp thuế về các chính sách thuế mới, sửa đổi đảm bảo cho người nộp thuế thuận tiện, nhanh chóng.

- Đối với các khoản thu từ đất: Khai thác có hiệu quả nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất (SDĐ) và quản lý tốt nguồn thu tiền thuê đất, giao đất thu tiền 1 lần của các dự án SXKD:

Tiếp tục xử lý dứt điểm nợ đọng tiền SDĐ, chưa cho các tổ chức cá nhân còn nợ tiền SDĐ tham gia đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, đấu thầu cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu thầu các dự án sử dụng vốn NSNN, TPCP theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 4069/UBND-KTTC ngày 22/5/2014.

Đối với các dự án đầu tư được UBND tỉnh giao đất có thu tiền sử dụng đất, nhưng nộp tiền sử dụng đất quá chậm, để nợ đọng kéo dài, không đủ năng lực tài chính để đầu tư: Thực hiện thu hồi đất để giao cho nhà đầu tư khác có năng lực tài chính, năng lực sản xuất kinh doanh.

4. Điều hành ngân sách chủ động; linh hoạt; sử dụng ngân sách hiệu quả, tiết kiệm; đảm bảo cân đối ngân sách các cấp.

- Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, vốn Trái phiếu Chính phủ, vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn ODA, vốn sự nghiệp,…phấn đấu giải ngân hết vốn trước ngày 30/12/2014; nhằm mục tiêu phát huy hiệu quả cao nhất nguồn vốn NSNN.

Đối với những dự án, công trình đã bố trí vốn mà không thực hiện theo kế hoạch, khẩn trương đề xuất điều chuyển vốn cho những dự án, công trình đã hoàn thành và đã được phê duyệt quyết toán. Không để xảy ra tình trạng dự án, công trình đến hết năm vẫn chưa đủ điều kiện thanh quyết toán, phải chuyển vốn sang năm sau. Quyết liệt kiểm tra thu hồi các khoản tạm ứng vào NSNN, nhất là các khoản tạm ứng kéo dài nhiều năm. Không giải quyết tạm ứng tiếp cho các dự án khi chủ đầu tư không làm thủ tục thanh toán đối với các khoản tạm ứng trước đó.

Không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2014, các khoản ứng trước ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, các khoản bổ sung kế hoạch sang năm 2015 (Trừ một số trường hợp được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài); hạn chế tối đa việc ứng vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo và phải cân đối bố trí được nguồn để hoàn trả vốn ứng trước.

Rà soát lại nợ xây dựng cơ bản của các công trình được đầu tư từ nguồn vốn NSNN, vốn Trái phiếu Chính phủ, sắp xếp nguồn vốn, có kế hoạch, thời gian trả nợ cụ thể cho từng công trình.

- Cơ quan Tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi ngân sách nhà nước trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bảo đảm sử dụng ngân sách đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng chế độ quy định.

- Các ngành, các cấp rà soát lại các nhiệm vụ chi thường xuyên theo hướng thực hiện đầy đủ các khoản chi lương, chi chính sách chế độ, bảo đảm an sinh xã hội; chủ động rà soát cắt giảm hoặc lùi thời hạn các nhiệm vụ chi chưa cấp bách, cần thiết:

+ Cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện đối với các khoản chi mua sắm để thay thế trang thiết bị, xe ô tô,... tuy đã đến thời hạn thanh lý, thải loại nhưng vẫn có thể sử dụng được. Sau ngày 31/10/2014, sẽ ngừng thực hiện và hủy bỏ kinh phí mua sắm, sửa chữa đã bố trí trong dự toán của các đơn vị nhưng đến thời điểm đó vẫn chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu.

[...]