ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
18/2005/CT-UBND
|
Cần
Thơ, ngày 20 tháng 9 năm 2005
|
CHỈ THỊ
VỀ TỔ CHỨC LẬP, THỰC HIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ VÀ QUẢN
LÝ XÂY DỰNG THEO QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thời gian
qua, công tác lập quy hoạch xây dựng, triển khai thực hiện và quản lý xây dựng
theo quy hoạch trên địa bàn thành phố đã được các cấp, các ngành quan tâm, bước
đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt các quận trung tâm cũng
như các thị trấn huyện lỵ,... của thành phố; thúc đẩy tiến trình đô thị hoá
nông thôn, cải thiện môi trường sống, từng bước hoàn thiện các tiêu chí để nâng
cấp thành phố Cần Thơ trở thành đô thị loại I trong thời gian gần nhất.
Tuy nhiên,
công tác lập quy hoạch xây dựng, triển khai thực hiện và quản lý xây dựng theo
quy hoạch trên địa bàn thành phố cũng còn bộc lộ những yếu kém, tồn tại như chất
lượng đồ án quy hoạch xây dựng chưa đạt yêu cầu, một số đồ án chậm triển khai
thực hiện, gây khó khăn không nhỏ cho một bộ phận dân cư trong vùng quy hoạch;
công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch chưa chặt chẽ, tình trạng xây dựng nhà
tự phát, thiếu trật tự mỹ quan, không phép hoặc sai phép, lấn chiếm đất công
còn diễn ra phức tạp, làm cản trở việc triển khai đầu tư và xây dựng; công tác
tuyên truyền phổ biến pháp luật về quy hoạch xây dựng còn hạn chế, mang tính
hình thức, chưa đi sâu vào nội dung.
Để khắc phục
tình trạng trên, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ
trưởng cơ quan, Ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã,
phường, thị trấn tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt các công việc sau:
1. Các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc trong nội bộ và
tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về sự cần thiết của quy hoạch xây dựng;
công khai làm rõ về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp chính quyền, của
nhà đầu tư và các hộ dân trong việc lập, thực hiện và quản lý quy hoạch xây dựng.
1.1. Sự cần
thiết của quy hoạch xây dựng:
Quy hoạch xây
dựng là một công cụ quan trọng giúp chính quyền các cấp hoạch định các chủ
trương, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội; giúp kiểm soát quá trình đô thị hóa; thu hút đầu
tư xây dựng, phát triển các khu dân cư mới, mở mang đô thị; làm cơ sở để giới
thiệu địa điểm cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào thành phố ở các lĩnh vực
hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội,... xóa bỏ bao cấp và xã hội hóa các nguồn vốn
đầu tư xây dựng, vừa tạo thêm công ăn việc làm, vừa huy động được các nguồn vốn
để phát triển đô thị.
1.2. Quyền và
trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương:
- Tổ chức lập,
thực hiện và quản lý xây dựng theo quy hoạch theo Luật Xây dựng, Nghị định
08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành.
- Tổ chức lập,
công bố, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và thu hồi đất theo Luật Đất
đai, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và các văn bản pháp luật hiện
hành.
1.3. Quyền và
trách nhiệm của nhà đầu tư:
- Thực hiện
quyền và nghĩa vụ theo Điều 40 Luật Đất đai, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày
29/10/2004 và các văn bản pháp luật hiện hành.
- Tổ chức lập,
trình duyệt và thực hiện công bố quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng, Nghị định
08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ và các văn bản pháp luật hiện hành.
- Thực hiện
đúng quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt và các quy
định hiện hành của Nhà nước.
1.4. Quyền và
trách nhiệm của các hộ dân:
1.4.1. Quyền
của người dân:
1.4.1.1. Đối
với các quyền về sử dụng đất:
- Nếu mục
đích sử dụng đất phù hợp với chức năng sử dụng đất của quy hoạch được duyệt thì
được thực hiện tất cả các quyền theo quy định của Luật Đất đai và được Nhà nước
xem xét chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng quy hoạch được duyệt.
- Nếu mục
đích sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch được duyệt thì không được chuyển mục
đích sử dụng đất; khi chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền
thì người dân được thực hiện các quyền theo quy định tại Điều 105, 106 Luật Đất
đai, cơ bản như sau:
+ Được
cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Được
chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật;
+ Được
bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất;
+ Được
thừa kế, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn theo quy định của pháp luật;
1.4.1.2. Đối
với việc xây dựng:
- Nếu mục
đích sử dụng đất phù hợp với chức năng sử dụng đất của quy hoạch xây dựng được
duyệt thì được phép xây dựng công trình theo các chỉ tiêu kỹ thuật của quy hoạch
được duyệt (như: lộ giới, chỉ giới xây dựng, tầng cao xây dựng, mật độ xây dựng,...)
và phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
- Nếu mục
đích sử dụng đất không phù hợp với chức năng sử dụng đất của quy hoạch xây dựng
được duyệt thì được cấp Giấy phép xây dựng tạm có thời hạn theo quy định của Luật
Xây dựng.
- Nếu mục
đích sử dụng đất nằm trong khu vực đất đã có dự án được công bố, nhưng chưa có
Quyết định thu hồi đất để thực hiện theo quy hoạch thì được phép tồn tại theo
hiện trạng; nếu chủ công trình có nhu cầu thì được sửa chữa, cải tạo, lắp đặt
thiết bị bên trong nhưng không được làm thay đổi kiến trúc, kết cấu chịu lực và
an toàn công trình.
1.4.2. Trách
nhiệm của người dân:
Thực hiện
đúng theo quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt và các
quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:
2.1. Tổ chức
kiểm tra, giám sát việc thực hiện lập, quản lý, công bố quy hoạch xây dựng,...
trên địa bàn thành phố, thường xuyên tổng hợp báo cáo về UBND thành phố theo
quy định.
2.2. Phối hợp
với các cấp chính quyền địa phương thường xuyên rà soát quy hoạch xây dựng. Đối
với các quy hoạch chậm triển khai thực hiện, phải tìm ra nguyên nhân và đề ra
các giải pháp khắc phục; nếu thấy cần phải điều chỉnh thì kịp thời báo cáo, đề
xuất về UBND thành phố để xem xét, quyết định.
2.3. Đôn đốc
đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác lập quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành
phố, nhất là đối với các đồ án quy hoạch cần phải xem xét điều chỉnh. Kiểm tra
và giám sát các đơn vị tư vấn lập quy hoạch, không để xảy ra trường hợp đơn vị
tư vấn không đủ năng lực lập quy hoạch, khảo sát hiện trạng sơ sài và thực hiện
quy hoạch không đúng trình tự quy định của pháp luật.
2.4. Hướng dẫn
và thực hiện đúng trình tự, thủ tục về quy hoạch xây dựng theo Luật Xây dựng,
Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các văn bản pháp
luật hiện hành của Nhà nước. Đồng thời, phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở,
ngành liên quan, trên cơ sở các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng,
khẩn trương rà soát các văn bản liên quan do UBND tỉnh Cần Thơ ban hành trước
đây, đề xuất UBND thành phố bãi bỏ, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù
hợp.
3. Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm:
3.1. Tổ chức
và chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng, UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công
tác quản lý quy hoạch xây dựng trên điạ bàn; thực hiện đúng pháp luật về quy hoạch
xây dựng.
3.2. Kiện
toàn bộ máy quản lý quy hoạch xây dựng tại địa phương để đủ năng lực tham mưu
giúp chính quyền tổ chức lập và quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
3.3. Chịu
trách nhiệm trước UBND thành phố về việc thực hiện và quản lý theo đúng quy hoạch
xây dựng được duyệt trên địa bàn quản lý.
Trong quá trình
thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc phát hiện những hành vi vi phạm vượt quá
thẩm quyền xử lý phải báo cáo ngay về Sở Xây dựng và UBND thành phố để xử lý kịp
thời.
3.4. Tổ chức
công bố các đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn theo Luật Xây dựng và các văn
bản pháp luật hiện hành của Nhà nước (Chỉ thị 16/2003/CT-UB ngày 06/8/2003 của
UBND tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ).
3.5. Sau khi
quy hoạch được duyệt và công bố, phải ban hành quy định quản lý theo quy hoạch
và tổ chức việc tiếp nhận, xử lý cung cấp thông tin về quy hoạch cho các tổ chức,
đơn vị và nhân dân trong phạm vi đồ án quy hoạch quản lý.
3.6. Ban hành
lộ giới, chỉ giới xây dựng các tuyến đường nội thị, đường liên xã thuộc huyện
và đường giao thông nông thôn.
3.7. Lập kế
hoạch quy hoạch hàng năm, gửi Sở Xây dựng tổng hợp thông qua cơ quan chức năng
thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để lập quy hoạch xây dựng.
3.8. Lập kế
hoạch cụ thể về thời gian và dự kiến các nguồn vốn để thực hiện đầu tư theo quy
hoạch được duyệt, làm cơ sở để các tổ chức, đơn vị và cá nhân giám sát việc thực
hiện. Đề xuất các biện pháp khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham
gia đầu tư phát triển đô thị.
3.9. Tập
trung quy hoạch và thực hiện xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn để đẩy
nhanh việc định cư cho các hộ dân nằm trong diện giải tỏa, ổn định cuộc sống
cho người dân trong vùng quy hoạch; đồng thời chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn
tổ chức tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về công tác quy hoạch. Về chủ trương
chung, khu tái định cư phải khang trang, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và đáp ứng
các yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
4. Nghiêm cấm hành vi xây dựng sai quy hoạch xây dựng, vi phạm
hành lang an toàn giao thông, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, lấn chiếm mương, rạch,...
công trình công cộng. Mọi hành vi vi phạm phát sinh kể từ ngày Chỉ thị này có
hiệu lực thi hành phải được xử lý nghiêm khắc và triệt để.
Giao Chủ tịch
UBND quận, huyện thống kê, đánh giá hiện trạng, tình trạng vi phạm, lấn chiếm
nêu trên và ban hành các quy định quản lý; đồng thời, chỉ đạo các Phòng, Ban
chuyên môn và Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra để ngăn
chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Đối với các vi phạm hiện đang tồn tại,
yêu cầu Chủ tịch UBND quận, huyện thống kê hiện trạng và lập kế hoạch cụ thể về
thời gian và nguồn vốn để từng bước tiến hành giải tỏa.
5. Giao Giám đốc Sở Xây dựng:
- Hoàn chỉnh
Quyết định và Quy định ban hành kèm theo Quyết định phân cấp quản lý quy hoạch
và Quyết định Ủy quyền và phân cấp cấp Giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố
trình UBND thành phố ban hành trong năm 2005 theo luật định.
- Tổ chức soạn
thảo văn bản về sự cần thiết của quy hoạch xây dựng, hiệu quả của công tác lập
quy hoạch xây dựng, những khó khăn và vướng mắc trong quá trình triển khai, quản
lý thực hiện quy hoạch để tổ chức phổ biến rộng rãi bằng nhiều hình thức đến
các tổ chức, đơn vị, nhân dân hiểu rõ và thực hiện.
- Tổ chức soạn
thảo văn bản cụ thể hóa quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cấp chính quyền,
nhà đầu tư và hộ dân trong vùng quy hoạch theo từng loại tỷ lệ đồ án quy hoạch
và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương, tổ chức, đơn vị và nhân dân thực hiện.
6. Các bản đồ quy hoạch phải được lập trên cơ sở bản đồ và hệ toạ
độ Quốc gia do Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý thống nhất trên địa bàn thành
phố.
Giao Giám đốc
Sở Tài nguyên - Môi trường cung cấp tọa độ cơ sở Nhà nước cho các địa phương và
tổ chức khi có yêu cầu phục vụ cho công tác lập, quản lý và triển khai thực hiện
quy hoạch xây dựng.
7. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính cân
đối bố trí vốn hàng năm để triển khai công tác khảo sát, lập, công bố, cắm mốc,
quản lý và thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch trên địa bàn thành phố.
Chỉ thị này
có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và đăng Báo Cần Thơ sau 05 ngày.
Ủy ban nhân
dân thành phố yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, Ban, ngành thành phố; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị và cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- VPCP (HN-TPHCM);
- Bộ Tư pháp, Cục KT văn bản QPPL;
- Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính;
- TT.TU, TT.HĐND TP;
- TT.UBND TP (1A,B,C,D);
- UBMTTQ TP và các Đoàn thể;
- VP TU và các Ban Đảng;
- Sở, Ban, ngành TP;
- TAND và VKSND TP;
- QU, TT. HĐND, UBND quận;
- HU, TT. HĐND, UBND huyện;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Các cơ quan Báo, Đài trên địa bàn TP;
- VP UBND TP (2A,B,D,4);
- Lưu TTLT.
MC: Nam 2005\QD\PhapQuy\QD\Chithi\
Ve cong tac QHXD tren dia ban TPCT
|
TM.ỦY
BAN NHÂN DÂN TP.CẦN THƠ
CHỦ TỊCH
Võ Thanh Tòng
|