Chỉ thị 1617/CT-TTg năm 2011 về tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1617/CT-TTg
Ngày ban hành 19/09/2011
Ngày có hiệu lực 19/09/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1617/CT-TTg

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN VÀ CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRONG THỜI GIAN TỚI

Ngày 07 tháng 4 năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới (sau đây gọi là Nghị quyết 13/NQ-CP). Việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Năm 2010, mặc dù tình hình kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều biến động phức tạp, song hoạt động ĐTNN vẫn đạt được những kết quả khả quan trên các mặt: Vốn giải ngân, xuất khẩu, nộp ngân sách, tạo việc làm, góp phần cải thiện cán cân thanh toán và hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006 - 2010.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những bất cập trong thu hút và quản lý ĐTNN thời gian qua chậm được khắc phục. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp quy hoạch còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt trong các dự án sân gôn, trồng rừng, sản xuất thép, khai thác khoáng sản. Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ, môi trường, lao động … dẫn đến chất lượng các dự án chưa cao, thiếu sự liên kết giữa ĐTNN và doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghĩa vụ của nhà đầu tư về tiến độ góp vốn, huy động vốn, cũng như hoạt động xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động và nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước chưa tốt, thiếu sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương. Mặt khác, sự yếu kém về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tình trạng thiếu điện, bất cập của hệ thống cảng và các công trình hạ tầng liên quan, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động đã qua đào tạo, kỹ sư, cán bộ quản lý, tiếp tục là những rào cản đối với hoạt động ĐTNN.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt và tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

I. MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG THU HÚT, QUẢN LÝ ĐTNN GIAI ĐOẠN 2011-2020

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả ĐTNN phù hợp với định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011 - 2020 theo hướng khuyến khích kinh tế có vốn ĐTNN phát triển theo quy hoạch; ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai, tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước; tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức cao, công nghệ thông tin; dịch vụ khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, phát triển kết cấu hạ tầng; thu hút có chọn lọc công nghiệp chế biến, chế tác, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp năng lượng, luyện kim, hóa chất; ưu tiên phát triển các dự án có sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, các sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Hạn chế các dự án đầu tư vào khu vực phi sản xuất, làm gia tăng tình trạng nhập siêu, tiêu tốn năng lượng, khai thác không gắn với chế biến. Không cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

2. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN để đảm bảo chất lượng của hoạt động này trong tình hình mới.

3. Hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước về ĐTNN nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn bộ quá trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý dự án và kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn 2011 - 2020.

2. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch từ khâu lập, thẩm định, phê duyệt đến quản lý quy hoạch.

3. Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả chế độ phân cấp quản lý ĐTNN, bao gồm việc phân cấp cấp Giấy chứng nhận đầu tư, quản lý hoạt động ĐTNN và phân cấp quản lý một số lĩnh vực (môi trường, đất đai, xây dựng, khoáng sản, công nghệ, thương mại, giáo dục đào tạo, y tế) theo hướng phân cấp nhưng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả, gắn với việc thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát.

4. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn ĐTNN (chuyển vốn vào Việt Nam, vay, trả nợ nước ngoài, vay các tổ chức tín dụng trong nước của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN).

5. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm hạn chế và ngăn chặn tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN.

6. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN, đặc biệt là việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật chuyên ngành đối với các dự án ĐTNN có quy mô lớn, sử dụng nhiều đất, các dự án khai thác tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường …; rà soát và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai; kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư theo nguyên tắc:

- Tuân thủ quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu.

- Tuân thủ quy trình, thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư (về điều kiện cấp phép, lấy ý kiến thẩm tra của các Bộ, ngành liên quan).

- Chú trọng xem xét, đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội của dự án, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến công nghệ, môi trường sinh thái, phát triển nguồn nhân lực, tác động đến cộng đồng dân cư, sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, thị trường, đối tác …

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ quản lý ngành trong quá trình thẩm tra dự án.

8. Ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở cho việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư và theo dõi, kiểm tra, giám sát (suất đầu tư tối thiểu đối với các dự án sử dụng nhiều đất; tiêu chuẩn về khoa học, công nghệ, môi trường; tiêu chuẩn, điều kiện khai thác tài nguyên khoáng sản).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân địa phương), trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, quán triệt nội dung Chỉ thị này đến các đơn vị trực thuộc và tổ chức thực hiện công việc theo phân công:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân địa phương xây dựng Đề án định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý ĐTNN giai đoạn 2011 - 2020, trong đó đề xuất cụ thể định hướng chính sách ưu đãi đầu tư theo lĩnh vực và địa bàn đầu tư, hoàn thành trong quý II năm 2012.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân địa phương xây dựng Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quy hoạch, hoàn thành trong quý II năm 2012.

[...]