Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2016 về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 16/CT-UBND
Ngày ban hành 08/08/2016
Ngày có hiệu lực 08/08/2016
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/CT-UBND

Phú Yên, ngày 08 tháng 8 năm 2016

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ KHÔI PHỤC RỪNG BỀN VỮNG NHẰM ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2016-2020

Trong những năm qua, các địa phương, các ngành trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để; rừng ở nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục bị chặt phá, lấn chiếm gây bức xúc trong nhân dân; việc mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm hoạt động tinh vi, hành vi manh động, thường xuyên chống đối lực lượng chức năng.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; đảm bảo kỷ cương pháp luật, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật vệ bảo vệ và phát triển rừng gây tổn hại đến tài nguyên rừng; từng bước tổ chức khôi phục, phát triển rừng bền vững để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 5602/BNN-TCLN ngày 01/7/2016 và số 5480/BNN-TCLN ngày 29/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư sống gần rừng nhằm nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, chủ động đấu tranh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; trong đó, chú trọng việc đổi mới công tác tuyên truyền, phát huy tối đa sự phối hợp giữa lực lượng thực thi pháp luật, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, đặc biệt là vài trò của các cơ quan thông tin đại chúng cùng tham gia phê phán, đấu tranh, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tổ chức và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng và Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ Quy định về Phòng cháy, chữa cháy rừng; trên cơ phân cấp quản lý Nhà nước, chính quyền cấp huyện, xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật về công tác quản lý tài nguyên rừng và đất rừng trên địa bàn quản lý.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ; theo đó, tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR và chống người thi hành công vụ; chủ động tổ chức huy động lực lượng, phương tiện để ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng trái phép, PCCCR và trấn áp các đối tượng chống người thi hành công vụ.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng của cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi UBND cấp xã) khẩn trương xây dựng phương án quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng có hiệu quả diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn quản lý. Kiên quyết bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện còn, đồng thời đẩy nhanh việc sử dụng đất lâm nghiệp hiệu quả, đúng quy định của pháp luật góp phần phát triển nhanh, bền vững vốn rừng của địa phương, phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra về độ che phủ của rừng, đáp ứng yêu cầu khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

- Chỉ đạo các ngành chức năng cấp huyện kiểm tra, rà soát việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp huyện và hướng dẫn người dân sử dụng đúng mục đích. Kiên quyết giải tỏa, thu hồi diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 498/UBND-KT ngày 01/02/2016 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật (sau đây gọi tắt là Công văn số 498/UBND-KT ngày 01/02/2016).

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tập trung rà soát tham mưu cho UBND tỉnh và phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi UBND cấp huyện) kiện toàn Ban Chỉ đạo về bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đến cấp huyện; xây dựng các tổ, đội liên ngành đủ mạnh để kịp thời ngăn chặn, truy quét các điểm nóng về tình hình phá rừng, cháy rừng trên địa bàn; mỗi tổ chức phải xây dựng một quy chế hoạt động cụ thể và giao trách nhiệm cho từng thành viên.

- Trên cơ sở kết quả kiểm kê rừng giai đoạn 2014-2016, khẩn trương tổ chức rà soát lại quy hoạch 03 loại rừng, cắm mốc, xác định ranh giới từng loại rừng (đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất). Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động canh tác nương rẫy; đồng thời, triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng để hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp từng địa phương, đảm bảo ổn định đời sống của người dân địa phương gắn với phát triển rừng bền vững.

- Phối hợp với UBND cấp huyện, các cơ quan liên quan tổ chức rà soát, thống kê, phân loại toàn bộ diện tích rừng bị phá, lấn chiếm, sử dụng trái pháp luật để tiến hành xử lý, khôi phục lại rừng theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Công văn số 498/UBND-KT ngày 01/02/2016).

- Tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các Ban Quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, các tổ chức kinh tế khác được nhà nước giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để đảm bảo việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng đúng mục đích, có hiệu quả; xem xét xử lý nghiêm các chủ rừng không tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, để xảy ra điểm nóng về tình hình phá rừng, cháy rừng làm thiệt hại lớn về tài nguyên rừng nhưng không kịp thời phát hiện và tổ chức kiểm tra, ngăn chặn.

- Chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và chính quyền địa phương lập kế hoạch kiểm tra, truy quét, triệt phá các đường dây, các "đầu nậu", các tụ điểm, điểm nóng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép.

- Xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ký kết quy chế phối hợp các tỉnh giáp ranh (Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai) trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, chống người thi hành công vụ vùng giáp ranh theo chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Công văn số 5083/UBND-KT ngày 30/10/2016).

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Phối hợp với UBND cấp huyện chỉ đạo việc tổ chức rà soát lại toàn bộ quy trình, đánh giá về chất lượng việc giao đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; trên cơ sở đó đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng đất đai và các quy định liên quan khác; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh (tại Công văn số 498/UBND-KT ngày 01/02/2016).

6. Công an tỉnh:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương có kế hoạch cụ thể đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (trong đó, tập trung điều tra, giải quyết dứt điểm các vụ phá rừng gần đây tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa); tổ chức điều tra, triệt phá những "đầu nậu", đường dây khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, mua bán đất rừng trái phép; xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:

Xây dựng các tổ, đội tuần tra phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên địa phận quản lý. Thực hiện tốt công tác dân vận, quan hệ, gắn bó với chính quyền địa phương để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên diện tích được giao.

8. Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân tỉnh:

Tăng cường sự chỉ đạo xử lý nghiêm các vụ án xâm hại tài nguyên rừng, vi phạm pháp luật về quản lý lâm sản, chống người thi hành công vụ; đưa ra xét xử lưu động một số vụ án điển hình nhằm giáo dục, răn đe và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản.

9. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp:

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ, phát triển rừng, gắn với phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, đơn vị.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ