Chỉ thị 16/2011/CT-UBND về nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Số hiệu | 16/2011/CT-UBND |
Ngày ban hành | 24/11/2011 |
Ngày có hiệu lực | 04/12/2011 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hậu Giang |
Người ký | Trần Công Chánh |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 16/2011/CT-UBND |
Hậu Giang, ngày 24 tháng 11 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
Thực hiện Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành, thời gian qua công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã và đang phát huy hiệu quả; các Tổ hòa giải từng bước được củng cố, kiện toàn; mô hình “Tổ hòa giải - Tuyên truyền pháp luật” được xây dựng và nhân rộng. Hoạt động quản lý Nhà nước về hòa giải từ tỉnh đến cơ sở luôn được quan tâm chỉ đạo và dần đi vào nề nếp; chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên, hàng năm tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời nhiều vụ, việc vi phạm pháp luật, mâu thuẫn và tranh chấp nhỏ trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại cộng đồng, tạo nên sự đồng thuận, ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở vẫn còn một số hạn chế như: mạng lưới hòa giải chưa đồng đều, một số Tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức; bộ phận tổ viên Tổ hòa giải còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải; công tác phối hợp của các ngành, các cấp, cơ quan có liên quan trong quản lý nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ về tổ chức và hoạt động hòa giải còn nhiều hạn chế; kinh phí phục vụ công tác hòa giải chưa được cấp, kịp thời; việc lưu trữ, thống kê vụ việc chưa đi vào nề nếp, nhiều Tổ hòa giải chưa mở sổ theo dõi, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về các vụ việc hòa giải, gây khó khăn cho công tác quản lý. Những hạn chế trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí, vai trò hoạt động hòa giải cơ sở ở địa phương.
Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Tăng cường phổ biến pháp luật về hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và toàn xã hội trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực công tác này
a) Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban Mặt trận tổ quốc và tổ chức đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và toàn xã hội; đặc biệt là người dân ở cơ sở về vị trí, vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều hơn biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng.
Gắn công tác hòa giải ở cơ sở với việc nâng cao chất lượng các phong trào: toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự an toàn xã hội.
b) Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên đưa tin, bài về hoạt động hòa giải ở cơ sở, giới thiệu những gương điển hình và kết quả hoạt động trong công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế và thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở
Giao Sở Tư pháp chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở; tổ chức góp ý dự thảo Luật Hòa giải cơ sở, bộ tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc hòa giải và tổ chức triển khai thực hiện khi được ban hành.
3. Củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nâng cao năng lực cho công chức quản lý và tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở
a) Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo việc củng cố, kiện toàn tổ chức và bổ sung cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ theo dõi, quản lý, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở.
Rà soát, củng cố, kiện toàn và thống kê tình hình tổ chức và tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở; bảo đảm 100% ấp, khu vực, tổ dân phố và các cụm dân cư có ít nhất một Tổ hòa giải (mỗi Tổ hoà giải có từ 03 hòa giải viên trở lên) và tùy theo đặc điểm, tình hình của từng địa phương mà xác định cơ cấu, số lượng hòa giải viên ở Tổ hòa giải cho phù hợp theo đúng quy định Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, các văn bản hướng dẫn thi hành. Tổ chức đánh giá và nhân rộng mô hình hòa giải tại địa phương đang hoạt động có hiệu quả trong thời gian qua.
Tiếp tục củng cố Ban hòa giải, đảm bảo số lượng từ 05 đến 07 thành viên, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã làm Trưởng ban. Ban hòa giải có trách nhiệm hòa giải các tranh chấp theo đúng quy định Luật Đất đai 2003, các vụ việc khác theo quy định pháp luật và những vụ việc do Tổ hòa giải chuyển lên.
b) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể tỉnh: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi phối hợp với Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức cơ quan cấp dưới trực thuộc phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban hòa giải, Tổ hòa giải ở cơ sở; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho thành viên, hội viên tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
c) Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn củng cố và đầu tư trang bị sách, tài liệu pháp luật cho Tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn; quan tâm xây dựng mô hình Tủ sách pháp luật tại nhà văn hóa, điểm đọc sách tại xóm, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư; phát huy vai trò của các tủ sách... để tổ viên Tổ hòa giải có điều kiện tự tìm hiểu, nghiên cứu nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cũng như kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở.
Định kỳ hàng năm tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức hội thi “Hòa giải viên giỏi”; biên soạn và cung cấp tài liệu pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các Tổ hòa giải ở cơ sở; đổi mới phương pháp, định kỳ tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho tổ viên Tổ hòa giải ở cơ sở.
d) Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn các Ban hòa giải, Tổ hòa giải tích cực, chủ động trong việc hòa giải; đảm bảo các vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ đều được hòa giải ngay tại ấp, khu vực, tổ dân phố và cụm dân cư.
Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hòa giải cơ sở và kiến thức pháp luật để nâng cao nghiệp vụ cho các công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và hòa giải viên cơ sở.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở
a) Trong hoạt động hòa giải: tăng cường sự phối hợp giữa Tổ hòa giải với Tổ công tác Mặt trận, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu Chiến binh, Chi hội Nông dân.
b) Về hiệu quả hoạt động: phấn đấu hàng năm trên 90% Ban hòa giải, Tổ hòa giải ở cơ sở hoạt động có hiệu quả (số còn lại đạt yêu cầu), số vụ việc hòa giải thành ở Tổ hòa giải đạt trên 85%.
c) Sở Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức trợ giúp pháp lý tích cực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa phương; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và Tổ hòa giải ở cơ sở.
d) Huy động và khuyến khích đội ngũ Luật sư, Luật gia và những người am hiểu pháp luật tham gia tích cực vào các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở
a) Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp tiếp tục hướng dẫn về kinh phí chi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở kịp thời, đúng quy định của Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của liên Bộ: Tài chính - Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định của tỉnh.
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch phối hợp với Phòng Tư pháp lập dự trù, cấp kinh phí cho các Tổ hòa giải để đảm bảo nguồn kinh phí bồi dưỡng cho các vụ hòa giải, cụ thể: hòa giải thành là 150.000 đồng/vụ/Tổ hòa giải, hòa giải không thành là 100.000 đồng/vụ/Tổ hòa giải. Việc thanh, quyết toán phải thực hiện kịp thời theo đúng quy định.