Chỉ thị 15/CT-UBND năm 2023 về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu | 15/CT-UBND |
Ngày ban hành | 06/07/2023 |
Ngày có hiệu lực | 06/07/2023 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thừa Thiên Huế |
Người ký | Phan Quý Phương |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/CT-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 06 tháng 7 năm 2023 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN CÔNG TẠI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công được ban hành và có hiệu lực thi hành được hơn 05 năm. Để triển khai thi hành và đôn đốc thực hiện các nội dung được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản quy định chi tiết, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 28/11/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 11/01/2022 của UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong công tác quản lý, sử dụng tài sản công; Đồng thời, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn thực hiện chưa đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc để xảy ra vi phạm các quy định pháp luật.
Để thực hiện tốt các quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý; Công văn số 5767/BTC-QLCS ngày 06/6/2023 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 5783/BTC-QLCS ngày 07/6/2023 của Bộ Tài chính về việc thực hiện kiểm tra chuyên đề công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Giám đốc các doanh nghiệp có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Chỉ đạo, thành lập các “Tổ kiểm tra chuyên đề đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý”. Tổ trưởng là đại diện Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế và các doanh nghiệp; Tổ kiểm tra chuyên đề có trách nhiệm tự tổ chức kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý vi phạm (nếu có) và tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý về công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, gửi về Sở Tài chính trước ngày 31/12/2023 để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
- Sở Tài chính có trách nhiệm lập đề cương, hướng dẫn các đơn vị về các nội dung kiểm tra chuyên đề, lập báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; Văn bản hướng dẫn các đơn vị thực hiện hoàn thành trước ngày 15/7/2023.
- Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày 01/01/2018 (ngày Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/5/2023; việc kiểm tra chuyên đề phải được thực hiện hoàn thành trước ngày 31/12/2023;
2. Căn cứ Quyết định số 75/2019/QĐ-UBND ngày 10/12/2019 của UBND tỉnh về Quy chế quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu tài sản công tỉnh Thừa Thiên Huế để chỉ đạo phòng chức năng và các đơn vị trực thuộc thực hiện cập nhật, chuẩn hóa dữ liệu trong cơ sở dữ liệu tài sản công tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm bảo thông tin về tài sản đầy đủ, kịp thời, chính xác. Lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của số liệu trong cơ sở dữ liệu tài sản công tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật quản lý sử dụng tài sản công đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành nhưng chưa được cấp có thẩm quyền ban hành chính sách quy định về việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng; UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp đang được giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định của pháp luật quản lý sử dụng tài sản công theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại điểm a Mục 3 và Mục 4 Chỉ thị số 09/CT-TTg và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 5767/BTC-QLCS và Công văn số 5783/BTC-QLCS.
4. Đối với tài sản kết cấu hạ tầng còn lại (trừ tài sản kết cấu hạ tầng đã có chính sách quy định và đang thực hiện theo chế độ về quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp): UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng thực hiện việc quản lý, sử dụng, khai thác theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công;
Trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác có phát sinh vướng mắc thì báo cáo Sở quản lý chuyên ngành để phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh các văn bản xin ý kiến của Bộ chủ quản và Bộ Tài chính để có cơ sở tổ chức thực hiện.
5. Thanh tra tỉnh, Thanh tra thuộc các sở, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm và tổ chức thanh tra đối với các trường hợp có nguy cơ xảy ra sai phạm; tổ chức thanh tra đột xuất đối với các trường hợp có đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị có cơ sở hoặc được dư luận xã hội quan tâm.
6. Căn cứ kết quả thanh tra; kiểm tra đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế phải thực hiện:
a) Xác định cụ thể hành vi vi phạm, tính chất vi phạm để xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị xảy ra vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền và quy định của pháp luật hoặc chuyển hồ sơ cho các cơ quan có thẩm quyền để xem xét, xử lý theo quy định.
b) Nêu rõ các biện pháp để yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục các hành vi vi phạm hoặc Báo cáo cấp có thẩm quyền để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Quá trình thực hiện Chỉ thị, trường hợp phát sinh vướng mắc, phải có văn bản gửi Sở quản lý chuyên ngành để phối hợp xử lý kịp thời hoặc báo cáo UBND tỉnh để có chỉ đạo xử lý theo quy định.
Yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế, Giám đốc các doanh nghiệp có liên quan nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị này đến các tổ chức, đơn vị trực thuộc./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |