Chỉ thị 147-CT năm 1989 thực hiện Nghị định 27-HĐBT, 28-HĐBT và Quyết định 38-HĐBT về Điều lệ liên hiệp xí nghiệp quốc doanh do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 147-CT
Ngày ban hành 30/05/1989
Ngày có hiệu lực 14/06/1989
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Doanh nghiệp

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 147-CT

Hà Nội, ngày 30 tháng 5 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ ĐỊNH SỐ 27-HĐBT, SỐ 28-HĐBT NGÀY 22-3-1989 VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 38-HĐBT NGÀY 1O-4-1989 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Tiếp tục đổi mới một cách đồng bộ về quản lý kinh tế theo đường lối Đại hội VI của Đảng, Hội đồng Bộ trưởng mới ban hành các Nghị định số 27- HĐBT, số 28-HĐBT về Điều lệ liên hiệp xí nghiệp quốc doanh ( sau đây gọi tắt là liên hiệp ) và Điều lệ xí nghiệp liên doanh, Quyết định số 38-HĐBT ngày 1O-4-1989 về liên kết kinh tế trong sản xuất, lưu thông và dịch vụ. Đây là những chính sách quan trọng của Nhà nước nhằm phát huy những ưu điểm, uốn nắn những sai lệch đưa việc tổ chức các Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh, xí nghiệp liên doanh, các quan hệ liên kết kinh tế phát triển đúng hướng, đáp ứng những đòi hỏi đang đặt ra trong nền kinh tế, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Thực tế cuộc sống những năm qua và hiện nay cho thấy việc tổ chức hệ thống các Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh theo lối sắp xếp hành chính, việc ra đời hàng loạt các tổ chức liên doanh, liên kết kinh tế một cách tự phát, bên cạnh mặt tích cực đồng thời nẩy sinh nhiều bất hợp lý, có tác động tiêu cực trong nền kinh tế quốc dân. Việc tổ chức các Liên hiệp, Tổng công ty nặng về quy mô, hình thức, thêm khâu, cấp trung gian, không tính toán đầy đủ hiệu quả kinh tế; các quan hệ liên doanh, liên kết thường chủ yếu trong lưu thông hàng hoá, dẫn đến tình trạng mua đi bán lại vòng vèo để thu chênh lệch giá, chiếm dụng vốn lẫn nhau và vốn ngân sách Nhà nước...

Trước tình hình đó, nhằm thực hiện tốt những quy định mới trên đây của Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Mở đợt tuyên truyền sâu rộng nhằm làm cho các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các tổ chức kinh tế và dư luận rộng rãi nhận rõ mục đích, ý nghĩa của việc ban hành những chính sách mới của Nhà nước về các mô hình hợp pháp của các tổ chức liên hiệp, liên doanh, liên kết kinh tế, về sự đổi mới chức năng và nội dung quản lý Nhà nước của các Bộ và các Uỷ ban Nhân dân đạ phương, về những nội dung chủ yếu cần quán triệt và những công việc các ngành, các cấp và các tổ chức kinh tế phải tiến hành thực hiện.

Đợt tuyên truyền này tiến hành tập trung trong vòng một tháng bắt đầu từ ngày 1-6 đến ngày 3O-6-1989 với những công việc chính sau đây:

- Đăng các Nghị định số 27-HĐBT, số 28-HĐBT và Quyết định số 38-HĐBT trên các báo hàng ngày, trước hết là báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, các tạp chí kinh tế, tuyên truyền...

- Giới thiệu nội dung chính trên Đài Truyền hình, Đài Tiếng nói Việt nam;

- Tổ chức các cuộc họp giới thiệu;

- Xuất bản thành sách gồm các Nghị định, Quyết định, Chỉ thị này và các tài liệu liên quan làm tài liệu sử dụng rộng rãi. Nhà xuất bản Sự thật có trách nhiệm in và phát hành kịp thời những tài liệu nói trên;

- Tổ chức Hội nghị cả nước vào đầu tháng 6 năm 1989 để phổ biến nội dung cơ bản của các Nghị định số 27- HĐBT, số 28- HĐBT và Quyết định số 38-HĐBT và bàn kế hoạch triển khai thực hiện.

Trong quá trình thực hiện, thường xuyên giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng những mô hình, nhân tố mới, những kết quả, kinh nghiệm thực hiện ở các ngành, các cấp và các tổ chức kinh tế.

2. Các Bộ quản lý ngành và Uỷ ban Nhân dân các cấp có các tổ chức liên hiệp, liên doanh, liên kết kinh tế phải lập và thực hiện chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các Nghị định và Quyết định nói trên ở ngành, cấp cơ sở mình với những nội dung công việc và các bước tiến hành cụ thể về:

-Tổ chức phổ biến, học tập và quán triệt những quy định mới của Hội đồng Bộ trưởng những thông tư hướng dẫn của các Bộ tổng hợp.

- Tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình hoạt động và tác dụng tích cực, hạn chế của các tổ chức liên hiệp, liên doanh, liên kết kinh tế trong ngành và địa phương, đánh giá sự chỉ đạo, quản lý của Bộ đối với các tổ chức liên hiệp trên cơ sở liên hệ với những quy định mới của Nhà nước để có chủ trương, biện pháp củng cố, đăng ký lại, tổ chức lại cho phù hợp. Trong đó:

a) Đối với Liên hiệp xí nghiệp quốc doanh bao gồm các Tổng Công ty và các tổ chức tương đương. Việc tổng kết, đánh giá và tổ chức lại các liên hiệp sẽ tiến hành qua 2 bước:

Bước 1: Từ tháng 6 đến hết tháng 9 năm 1989. Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo điểm đối với một Bộ và một tỉnh (thành phố ) mỗi nơi từ 1 đến 2 liên hiệp.

Mỗi Bộ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh (thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương) chỉ đạo điểm từ 1 đến 2 liên hiệp của ngành và địa phương.

Bước 2: Từ đầu tháng 1O đến hết năm 1989, trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm rút ra từ bước 1, các Bộ và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh chỉ đạo làm đối với tất cả các liên hiệp còn lại.

Nội dung công việc và trình tự thực hiện:

- Việc tổng kết, đánh giá mỗi Liên hiệp phải do Tổng Giám đốc Liên hiệp chủ động tiến hành, có sự tham gia của Giám đốc tất cả các xí nghiệp thành viên, dưới sự chỉ đạo của Bộ quản lý ngành (Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh đối với liên hiệp trực thuộc địa phương) và sự hướng dẫn của các Bộ tổng hợp.

- Nội dung đánh giá. Tổng kết đánh giá thực tiễn hoạt động của liên hiệp về những mặt chủ yếu như việc tổng kết trên cơ sở thực tiễn của mỗi Liên hiệp và đối chiếu với các quy định nói trong Nghị định lần này, rút ra những tác dụng tích cực của Liên hiệp đến sự hình thành, củng cố và phát triển ngành kinh tế - kỹ thuật, kết hợp với kinh doanh tổng hợp; kết quả tập trung hoá, chuyên môn hoá, phân công, hiệp tác sản xuất kinh doanh; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật; tạo nguồn nguyên liệu; đào tạo bồi dưỡng công nhân, cán bộ; kinh nghiệm về đổi mới tổ chức sản xuất, tổ chức và cơ chế quản lý; hiệu quả sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp thành viên và toàn Liên hiệp; mối quan hệ trong quản lý và sản xuất kinh doanh giữa Liên hiệp với các xí nghiệp thành viên, trong công tác giữa Liên hiệp với cơ quan quản lý cấp trên; những mặt hạn chế những mâu thuẫn và những vấn đề mới đặt ra về tính chất, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên hiệp, mối quan hệ giữa Liên hiệp với các xí nghiệp thành viên và với Bộ quản lý ngành ( Uỷ ban Nhân dân ). Điều quan trọng nhất là xem xét sự tồn tại của Liên hiệp có ích lợi gì thiết thực đối với hoạt động của các xí nghiệp thành viên và với nền kinh tế quốc dân? Cần rút ra kết luận chung là Liên hiệp còn cần tồn tại hay phải chuyển sang hình thức tổ chức khác hoặc giải thể.

Kết luận này phải được Hội nghị Giám đốc các xí nghiệp thành viên thảo luận ký và có biểu quyết.

Căn cứ kết luận của Hội nghị giám đốc, Bộ trưởng quản lý ngành (Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh với liên hiệp địa phương ) đề ra những chủ trương , biện pháp hướng dẫn tổ chức lại đói với các Liên hiệp thấy cần thiết tồn tại và đi vào hoạt dộng theo điều lệ mới; đối với những Liên hiệp đã kết luận không còn cần thiết thì có chủ trương, biện pháp chuyển hình thức tổ chức hoặc giải thể.

Trong khi tổng kết đánh giá đối với tất cả các Liên hiệp, đều phải kiểm kê, đánh giá lại toàn bộ tài sản, các loại vốn, các loại quỹ do Liên hiệp đang trực tiếp quản lý.

Đối với những Liên hiệp tiếp tục hoạt động, Bộ trưởng quản lý ngành (Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cấp tỉnh ) tổ chức giao số tài sản đã kiểm kê đánh giá cho tập thể bộ máy quản lý Liên hiệp, đại diện là Tổng Giám đốc để tiếp tục quản lý và sử dụng.

Đối với những Liên hiệp phải giải thể hoặc chuyển hình thức tổ chức thì toàn bộ tài sản đánh giá lại của Liên hiệp được xử lý theo điều 31 của Điều lệ Liên hiệp mới.

Bộ tài chính có trách nhiệm chủ trì, cùng với Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể việc kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản của các Liên hiệp.

[...]